Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) vừa tổ chức hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” (sau đây gọi tắt là Dự thảo thay thế Nghị định 72 hoặc Dự thảo). Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có những tham luận, phát biểu góp ý cho Dự thảo thay thế Nghị định 72 và bày tỏ một số quan ngại về tác động dự kiến của các quy định trong Dự thảo đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Phạm vi điều chỉnh rộng
Theo các doanh nghiệp, Dự thảo thay thế Nghị định 72 đang quản lý nhiều loại hình dịch vụ (DV) khác nhau trên mạng viễn thông, nhưng các loại DV này lại không được phân chia rõ ràng. Dự thảo Nghị định điều chỉnh 2 đối tượng là DV Internet và thông tin trên mạng. Trong đó, thông tin trên mạng gồm: (1) cung cấp thông tin xuyên biên giới, (2) trang thông tin điện tử, (3) MXH trong nước, (4) dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng viễn thông di động. Đáng lưu ý là các loại DV có bản chất khác nhau nhưng lại được cơ quan soạn thảo xếp chung là dạng DV cung cấp thông tin trên mạng. Chẳng hạn, doanh nghiệp mạng xã hội (MXH) trong nước là doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ để nguời dùng kết nối, đăng tải thông tin chứ không cung cấp thông tin. Tương tự, các doanh nghiệp như Google, Meta (Facebook), Youtube, TikTok, Twitter…, về bản chất là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, cho phép người dùng chia sẻ thông tin với nhau, không thể coi là doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới. Chỉ có doanh nghiệp cung cấp trang thông tin điện tử và thông tin trên mạng viễn thông di động là doanh nghiệp thực hiện cung cấp thông tin trên mạng cho người dùng. Các đại biểu cũng cho rằng, khái niệm “thông tin trên mạng” là một khái niệm rất rộng bao hàm cả các trang web của các tờ báo, tạp chí, các trang web cá nhân dạng blog. Chính vì vậy, việc đưa vào dự thảo để điều chỉnh toàn bộ thông tin trên mạng là chưa hợp lý.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS cho rằng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo thay thế Nghị định 72 là quá rộng.
Từ những quan ngại trên, các đại biểu khuyến nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Dự thảo và phân loại rõ ràng các DV mà Dự thảo điều chỉnh. Cần phân tách các loại DV thành: DV Internet; DV đăng ký và duy trì tên miền; DV cung cấp thông tin (trang thông tin điện tử, dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng viễn thông di động); DV trung gian (MXH, công cụ tìm kiếm, chia sẻ video, kho ứng dụng…). Ngoài ra, nên sử dụng khái niệm pháp lý thống nhất là “DV trung gian” đối với loại dịch vụ có bản chất trung gian như MXH, công cụ tìm kiếm, chia sẻ video mà thường được biết đến với nhiều tên gọi như nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới, DV số xuyên biên giới.
Gia tăng chi phí cho doanh nghiệp
Theo Dự thảo thay thế Nghị định 72, các loại hình doanh nghiệp như viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu phải thực hiện theo dõi, giám sát thông tin của người dùng trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật của mình nhằm gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật. Quy định này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực về nhân sự, tài chính, quy trình tổ chức nhưng vẫn khó thực thi được, bởi doanh nghiệp không có nghiệp vụ của cơ quan tư pháp để xác định thông tin nào là vi phạm pháp luật. Trong khi về bản chất, doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian giúp lưu trữ, truyền đưa dữ liệu do người dùng tạo ra nên không được can thiệp vào nội dung của người dùng và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung của người dùng. Mặt khác, việc giám sát thông tin người dùng khiến doanh nghiệp rơi vào rủi ro pháp lý về xâm phạm quyền riêng tư của người dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quy định giám sát thông tin người dùng trong Dự thảo này mâu thuẫn với quy định doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ không thực hiện giám sát người dùng trong Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi (dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023).
Dự thảo thay thế Nghị định 72 được cho là khiến doanh nghiệp phải gia tăng chi phí để gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Dự thảo chưa có quy định về quy trình gỡ bỏ thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc yêu cầu gỡ bỏ tất cả các nội dung vi phạm không kể mức độ nghiêm trọng trong vòng 24 giờ là khó khả thi.
Theo Dự thảo, doanh nghiệp chỉ được tải ứng dụng (app) lên kho ứng dụng khi có giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận theo quy định của Nghị định. Điều này làm phát sinh thủ tục hành chính cho tất cả các doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ, sản phẩm với hình thức cung cấp app, trong khi chưa rõ mục đích và hiệu quả của quy định này.
Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân người dùng và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp
Quy định về xác thực tài khoản người dùng MXH bằng số điện thoại (SĐT) có thể làm gia tăng nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân người dùng và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Hiện nay, SĐT của mỗi cá nhân không chỉ đơn thuần là công cụ để liên lạc mà còn gắn với rất nhiều thông tin cá nhân khác như tên tuổi hay tài khoản ngân hàng. Hơn nữa, việc xác thực danh tính người dùng bằng SĐT đang mâu thuẫn với quyền được đồng ý hay không đồng ý của chủ thể dữ liệu về việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình, quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đại biểu cũng băn khoăn rằng yêu cầu này liệu có làm tình trạng mua bán sim rác, vốn đã chưa được giải quyết triệt để, càng trở nên phổ biến hơn hay không.
Tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, Dự thảo thay thế Nghị định 72 sẽ tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc liên quan tới các yêu cầu về thủ tục hành chính khi phát hành trò chơi điện tử trực tuyến theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP và thủ tục hành chính này tiếp tục được duy trì trong Dự thảo thay thế Nghị định 27. Trên tinh thần Quyết định 1994/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh DV trò chơi điện tử trực tuyến mong muốn ban soạn thảo bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan tới cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng và cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thêm các quy định về địa điểm cung cấp DV internet công cộng và độ tuổi của người chơi trò chơi điện tử để tạo điều kiện phát triển tốt hơn cho thể thao điện tử tại Việt Nam.
NLP