Vấn nạn ô nhiễm không khí
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Thành - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Ô nhiễm không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt..., trong đó hoạt động của các loại xe cơ giới nói chung và xe mô tô, xe gắn máy (sau đây gọi chung là xe máy) nói riêng là một trong những nguồn phát thải trực tiếp một số chất có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của con người. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, cần thiết ban hành quy định, chế tài quản lý về phát thải đối với các các phương tiện cơ giới trong đó có xe máy. Để giải quyết các tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, trong Thông báo số 273/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2019, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội, Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương… “nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đối với mô tô, xe máy…”. Từ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải xây dựng đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”. Năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Năm 2022, Đà Nẵng đã triển khai Chương trình thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP Đà Nẵng.
TS Nguyễn Văn Thành thông tin, thời gian qua, Viện đã đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội triển khai các nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do vướng mắc một số vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý nên việc kiểm định khí thải định kỳ cho xe mô tô, xe máy đang lưu hành ở 3 TP trên đã bộc lộ nhiều vướng mắc.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, tại dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đã đưa vào quy định kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng của xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng của xe cơ giới trong nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp. Trên thực tế, đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy, song chưa có quy định về việc kiểm soát.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các bất cập liên quan đến việc kiểm soát khí thải xe máy bao gồm: thứ nhất, về thủ tục hành chính: chính sách kiểm soát khí thải xe máy bằng quy định đo kiểm và bảo dưỡng định kỳ sẽ làm phát sinh các quy định về trình tự, biểu mẫu hồ sơ, quy trình kiểm định, mẫu giấy chứng nhận khí thải, nhãn khí thải… Thứ hai, về đối tượng sử dụng xe: người lao động tự do và thu nhập thấp thường sử dụng xe cũ, có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn khí thải cao và mất nhiều chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp..
Cần một lộ trình phù hợp
Để việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy một cách đồng bộ, khoa học và hiện đại. Theo đó, các chuyên gia đề xuất thiết lập các trạm đo kiểm khí thải trong trường hợp đo khí thải tất cả các xe máy đăng ký ở thành phố đang lưu hành. Cần có các yêu cầu cơ bản của hệ thống phần mềm; cơ chế phối hợp của các cơ quan trong quản lý, khai thác, cung cấp dữ liệu khí thải. Đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với hệ thống camera giao thông hiện có của các thành phố); đồng thời đầu tư trạm kiểm định khí thải lưu động (xử lý đo ngay bên đường để xử phạt các xe xả khói đen).
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ người dân thu hồi/thay thế phương tiện không đạt chuẩn khí thải: nhà sản xuất có trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ xe cũ, nát có khả năng không đạt tiêu chuẩn khí thải lớn, nên cần có sự hỗ trợ từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp và chính bản thân người dân để chuyển đổi phương tiện vận chuyển hoặc chuyển đổi phương thức, hình thức kinh doanh, sản xuất.
Ngoài ra, để kiểm soát hiệu quả vấn đề khí thải của các loại xe gắn máy, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ đối với xe không đạt tiêu chuẩn khí thải cần được đặc biệt quan tâm. Việc bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ giúp giảm lượng phát thải CO, HC và giảm tiêu hao nhiên liệu của xe máy. Có thể phân ra một số loại bảo dưỡng, sửa chữa liên quan đến khí thải của xe: bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất: thay dầu, lọc gió, bu gi…; bảo dưỡng sửa chữa lớn: trong trường hợp bảo dưỡng định kỳ không đạt được tiêu chuẩn khí thải thì khi đó có thể bắt buộc phải thay thế một số bộ phận của xe như chế hòa khí, xy lanh… Sử dụng bộ xử lý xúc tác ba thành phần để ôxy hóa khí thải (có thể đồng thời xử lý tới 90% các chất như CO, HC và NOx). Công nghệ này có thể áp dụng cả cho xe máy sản xuất mới và xe đang lưu hành. Đối với xe máy đang lưu hành, trong trường hợp lắp đặt thêm bộ xử lý xúc tác 3 thành phần để xử lý khí thải cần phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Phong Vũ - Hoàng Thạch