Ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, trước xu hướng phát triển và hội nhập, những người làm bảo tàng luôn trăn trở, tìm cách lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với du khách. Bên cạnh việc đổi mới trưng bày theo từng chủ điểm, cũng như áp dụng các phương tiện khoa học và công nghệ để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày. Những năm gần đây, Bảo tàng Lâm Đồng đã tăng cường các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại để truyền tải các giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục theo cách tiếp cận mới để tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách. Để thu hút khách tham quan, yêu cầu tiên quyết là bảo tàng phải tạo được sự hấp dẫn từ cách trưng bày, bố trí thuyết minh viên đến sử dụng công nghệ tiên tiến và đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế cho khách tham quan; đồng thời tăng cường sự kết nối với các bảo tàng trong khu vực để trao đổi, làm phong phú thêm các hiện vật trưng bày. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch và các bảo tàng, nhất là cần sự gắn kết các hoạt động bảo tàng với các doanh nghiệp du lịch trên cơ sở thực hiện minh bạch về trách nhiệm và quyền lợi của bảo tàng và doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ khẳng định, biên bản được ký kết nhằm gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường với lĩnh vực bảo tàng nhằm mở rộng sự phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững. Đây cũng là cơ hội cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, tiếp cận, trải nghiệm thực tế tại bảo tàng để hiểu hơn về lịch sử văn hóa dân tộc.
Hoàng Oanh