Thứ sáu, 22/09/2023 10:05

Cà Mau: Ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống tôm sú

Lý Văn Khánh

Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ

Những năm gần đây, công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản đang được xem là phương pháp an toàn sinh học theo hướng mới, giúp cải thiện chất lượng nước, giảm áp lực của nghề nuôi thủy sản đến môi trường; giúp tăng mật độ nuôi và cho năng suất cao… Đây cũng là những kết quả mà dự án: “Phát triển quy trình sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) theo công nghệ biofloc tại tỉnh Cà Mau” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện vừa được Hội đồng nghiệm thu của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đánh giá cao.

Ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm sú

Cà Mau có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, có 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km với trên 80 cửa biển lớn, nhỏ cùng 301.509 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 278.642 ha nuôi tôm, còn lại nuôi các loài thủy sản khác. Nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hàng năm gần 30 tỷ con giống, trong khi năng lực sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng 40%, còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và lân cận.

Những năm gần đây, chất lượng tôm sú giống phục vụ cho người nuôi tôm là vấn đề đặt ra hàng đầu đang được cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người nuôi tôm quan tâm. Để nghề nuôi tôm sú phát triển bền vững, rất cần có con giống đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng. Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các trại giống đã áp dụng nhiều hệ thống ương ấu trùng tôm sú và mỗi hệ thống có những ưu điểm khác nhau như: (i) Quy trình nước trong hở có sử dụng vi sinh: dễ áp dụng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng khi vận hành tiêu tốn nhiều nước, môi trường nước bể ương biến động lớn, thậm chí có sử dụng thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến công nhân và tôm giống không an toàn sinh học; (ii) Quy trình nước trong kín (tuần hoàn): khi ứng dụng đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư cao, nên khó áp dụng.

Ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm sú là giải pháp cho nghề sản xuất giống tôm sú theo hướng an toàn sinh học để tạo ra con giống tốt, an toàn sinh học phục vụ cho nghề nuôi tôm. Công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản được xem là công nghệ sinh học theo hướng mới, Công nghệ biofloc trong ương giống mang lại nhiều lợi ích (i) cải thiện chất lượng nước, hạn chế thay nước; (ii) tăng mật độ ương và cho năng suất cao; (iii) ít bùng phát bệnh; (iv) giúp tôm tiêu hóa tốt và lớn nhanh, từ đó tiết kiệm thức ăn, giảm chi phí thuốc hóa chất phòng trị bệnh. Việc ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm sú nhằm tạo ra con giống sạch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh, an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả thiết thực cho cho cơ sở sản xuất giống, kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất giống an toàn sinh học.

Hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm sú

Dự án “Phát triển quy trình sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) theo công nghệ biofloc tại tỉnh Cà Mau” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì vừa được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Dự án triển khai ứng dụng quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc tại 6 cơ sở sản xuất thủy sản quy mô lớn ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Phú Tân (tỉnh Cà Mau).

Lấy mẫu phân tích bệnh trên tôm sú mẹ.

Kết quả ương tôm cho thấy, chiều dài trung bình tôm PL12 ở các cơ sở trung bình khoảng 1,14 cm (dao động từ 1,13 đến 1,17 cm); tỷ lệ sống trung bình 77,8% (dao động từ 73,4 đến 83,5%); sản lượng tôm trung bình đạt 123.370 con/m3 (dao động từ 109.921 đến 140.873 con/m3); sản lượng tôm PL12 phụ thuộc vào mật độ ương và tỷ lệ sống của tôm. Tỷ lệ tôm PL12 xét nghiệm bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hội chứng gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) theo phương pháp PCR đều đạt 100% sạch bệnh.

Ương ấu trùng tôm sú tại các trại giống.

Kết quả dự án giúp phát triển và nhân rộng kỹ thuật sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tôm sú giống cho các ao nuôi tôm thâm canh và mô hình nuôi tôm sinh thái, giúp  cho nghề nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc phù hợp với điều kiện các cơ sở sản xuất tôm giống ở Cà Mau, nâng cao năng suất, sản xuất được tôm giống chất lượng tốt, sạch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh phát triển nghề sản xuất giống tôm sú theo hướng an toàn sinh học giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Ông Phan Tấn Thanh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau cho biết, dự án phát triển quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc tại Cà Mau thành công đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tôm giống trong tỉnh, phục vụ cho các ao nuôi tôm thâm canh, cung cấp cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân, từ đó từng bước đưa giá thành tôm giống trong tỉnh lên bằng với các vùng khác trong cả nước.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)