Thứ hai, 11/09/2023 15:31

Hải Phòng: Điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm

TS Đoàn Hồng Quang

Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng

Với mục tiêu điều trị căn bệnh nghiện game cho các bệnh nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh (Olanzapine) và chống trầm cảm (Sertraline) tại Hải Phòng”. Thành công của đề tài góp phần thuyên giảm triệu chứng nghiện game của các bệnh nhân, đồng thời giúp bệnh nhân có thể hòa nhập với cộng đồng.

Thực trạng căn bệnh nghiện game

Nghiện game là bệnh lý khá phổ biến, phần lớn ở lứa tuổi trẻ, tỷ lệ phổ biến là 5,5% trong số các nhóm tuổi khác nhau trong nhóm thanh thiếu niên từ 13 đến 20 tuổi và tỷ lệ mắc 5,4% ở người trưởng thành. Hầu hết các nghiên cứu cho rằng, các yếu tố liên quan đến nghiện game như: sự hấp dẫn của trò chơi, tập nhiễm, xung đột tâm lý, sự tác động và chi phối của môi trường xung quanh, thiếu sự quan tâm của cha mẹ và người thân… trong đó, vai trò của các yếu tố tâm lý là rất lớn đối với bệnh nhân nghiện game. Hậu quả của nghiện game được phân tích trên 3 khía cạnh chủ yếu: sức khỏe, tinh thần, xã hội. Trong đó, biểu hiện về sức khỏe rất đa dạng và phong phú như: các triệu chứng rối loạn tâm thần, các triệu chứng tổn thương cơ thể, các triệu chứng rối loạn hành vi.

Bệnh nghiện game gây ra triệu chứng rối loạn tâm thần và hành vi.

Ngày nay, để chẩn đoán căn bệnh nghiện game, các nhà khoa học trên thế giới thường sử dụng phương pháp chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ và bảng phân loại bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 11, trong đó ICD-11 được mã hóa 6C51.0 (game online) và 6C51.1 (game offline). Tuy nhiên, Việt Nam chưa thể áp dụng các tiêu chuẩn này tại các bệnh viện mà chỉ dùng trong một số nghiên cứu. Các biện pháp điều trị thường bao gồm: rối loạn tâm thần, tâm lý và toàn diện. Trong đó, thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần thế hệ mới hay được sử dụng. Tại Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng hiện chưa có sự thống nhất trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh nghiện game.

Điều trị thành công bệnh nghiện game trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Trước thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng thuốc an thần kinh (Olanzapine) và chống trầm cảm (Sertraline) tại Hải Phòng”.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu sử dụng bộ công cụ chẩn đoán và trắc nghiệm tâm lý trong khám sàng lọc và trong tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân nghiện game; nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh nghiện game bằng Olanzapine và thuốc chống trầm cảm (Sertraline) theo các giai đoạn; tổ chức điều trị bệnh nghiện game bằng Olanzapine và chống trầm cảm; đồng thời đề xuất quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng Olanzapine và chống trầm cảm gồm các bước: sàng lọc bệnh nhân liên quan đến nghiện game; hội chẩn chuyên môn; chẩn đoán xác định theo bệnh nghiện game, điều trị tấn công, nội trú từ 4 tuần với 2 phác đồ sử dụng 2 loại Olanzapine và Sertraline nhằm cắt hội chứng nghiện game và trầm cảm của người bệnh; điều trị củng cố, ngoại trú 8 tuần cũng với 2 phác độ bằng 2 loại thuốc Olanzapine và Sertraline với mục đích chống tái nghiện, được thực hiện tiếp theo khi điều trị tấn công đạt hiệu quả.

Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu thực hiện sàng lọc trên 2.990 bệnh nhân 12-45 tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng từ tháng 01/2021 đến tháng 9/2022, tìm ra 776 bệnh nhân có tiền sử chơi game, sau đó lựa chọn được 66 bệnh nhân đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện game của ICD-11. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là 27,86 tuổi, trong đó nam giới chiếm 98,48%. Phần lớn bệnh nhân làm nghề tự do, thời gian chơi game trung bình là 3,92 tháng/năm, 96,97% bệnh nhân chơi game online.

Về đặc điểm lâm sàng của nghiệm game, 100% bệnh nhân đều có hội chứng cai khi trò chơi bị cắt, mất đi mối quan hệ có ý nghĩa trong cuộc sống; 96,97% bệnh nhân có dung nạp chơi game, 95,45% nói dối về trò chơi game của mình, 90,91% chơi game là hoạt động chủ đạo hàng ngày. 100% bệnh nhân có rối loạn về giấc ngủ, trong đó có đến 15,15% bệnh nhân mất ngủ hoàn toàn. Các bệnh nhân nghiện game có biểu hiện bồn chồn, bất an chiếm 87,88%, lo âu 54,54%, hoang tưởng bị hại chiếm 16,67%, hoang tưởng chiếm 13,64%, ảo giác thường gặp là ảo thị chiếm 15,15%. Bên cạnh đó, 100% bệnh nhân ngại tiếp xúc với mọi người, giảm hiệu suất lao động và học tập. Triệu chứng trầm cảm không điển hình, trong đó khí sắc giảm, mệt mỏi, giảm tập trung chú ý chiếm 100%, giảm tự tin 83,33%, có ý tưởng hay hành vi tự sát chiếm 27,27%. Điểm trung bình trên trắc nghiệm tâm lý trầm cảm là 36,83 điểm.

Từ những nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện quy trình điều trị bệnh nghiện game bằng Olanzapine và Sertraline cho 66 bệnh nhân tại Hải Phòng trong vòng 12 tuần gồm: 4 tuần nội trú và 8 tuần ngoại trú tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Olanzapine sử dụng liều lượng trung bình 15,45 ± 5,56 mg/ngày, Sertraline liều lượng trung bình 93,18 ± 26,14 mg/ngày. Liều lượng thuốc điều trị căn cứ vào tình trạng rối loạn tâm thần của bệnh nhân, thể trạng, lứa tuổi, giới tính…

100%  bệnh nhân được phối hợp điều trị liệu pháp nhận thức hành vi và phục hồi chức năng tâm lý xã hội theo quy trình. Theo đó, các bước trong trị liệu nhận thức hành vi bao gồm: xác định các tình huống hoặc điều kiện khó khăn trong cuộc sống; xác định được suy nghĩ tiêu cực hoặc suy nghĩ không chính xác và định hình lại suy nghĩ tiêu cực hoặc không chính xác. Thời gian trị liệu nhận thức hành vi cho một người thực hiện hàng tuần, mỗi tuần 1 phiên, môi phiên (buổi) khoảng 60-80 phút, 40-50 phút dành cho đối tượng và 30 phút dành cho thân nhân gia đình. Phục hồi chức năng tâm lý xã hội gồm việc luyện các chức năng sinh hoạt hằng ngày cho người bệnh như: vệ sinh cá nhân, tự ăn uống, chải tóc, mặc quần áo, giúp người bệnh cần tập trung chú ý vào một việc và giảm các hành động bất thường; phục hồi chức năng về lĩnh vực xã hội và gia đình bằng việc khuyến khích bệnh nhân quay trở lại học tập, làm việc và tham gia các nhóm/hội; phục hồi chức năng trong lĩnh vực kinh tế như khuyến khích mọi người quan tâm đến cuộc sống, có trách nhiệm với gia đình, làm công việc nội trợ, trở lại học tập và lao động bình thường.

Kết quả sau 12 tuần điều trị can thiệp, phần lớn các triệu chứng nghiện game của bệnh nhân đã thuyên giảm rõ rệt: triệu chứng khó vào giấc ngủ, thức giấc sớm và mất ngủ; triệu chứng hoang tưởng và ảo giác; triệu chứng như mất đi mối quan hệ có ý nghĩa trong cuộc sống, công việc, giáo dục, việc làm vì trò chơi game còn 40,91%; mất quan tâm với những sở thích và trò chơi giải trí trước đó, ngoại trừ các trò chơi game còn 13,64%, bận tâm với trò chơi, chơi game còn 9,09%; các triệu chứng về cảm xúc như bồn chồn, bất an thuyên giảm còn 12,12%, lo âu còn 9,09%. Tất cả các triệu chứng rối loạn hoạt động đều có sự thuyên giảm rõ rệt so với thời gian vào viện, một số triệu chứng vẫn còn tồn tại với tỷ lệ thấp như giảm hiệu suất lao động và học tập còn 40,91%, hành vi bốc đồng còn 18,18%, ngại tiếp xúc với mọi người còn 10,6%.

Thành công của đề tài đã xác định được đặc điểm lâm sàng và quy trình điều trị bệnh nghiện game, xây dựng được kế hoạch và hướng dẫn điều trị nghiện game, giúp bệnh nhân có thể hòa nhập cộng đồng, tham gia học tập, lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, sự thành công của nghiên cứu còn giúp cho ngành y tế Hải Phòng có căn cứ để triển khai các giải pháp can thiệp về chuyên môn của ngành, đồng thời đề xuất các sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp đề xuất về cơ chế, chính sách, mục tiêu, giải pháp và nguồn lực thực hiện để tác động làm giảm tỷ lệ nghiện game tại Hải Phòng.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)