Thứ tư, 20/09/2023 16:29

Trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp tỉnh Long An: Hiện trạng và đề xuất giải pháp

Lê Trọng Tài1, Lê Mộng Lâm1, Phan Đình Nhân2

1Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

2Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An

 

Trong bối cảnh toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất là một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi và tăng cường năng lực cạnh tranh. Bài viết đánh giá khái quát về hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Long An. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

Thực trạng trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp tại Long An

Long An nằm trong tam giác Đồng Tháp Mười, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Dù được xếp vào vùng ĐBSCL nhưng Long An nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực ĐBSCL, đặc biệt là có chung đường ranh giới với TP Hồ Chí Minh bằng hệ thống các quốc lộ: 1, 50, 62, N1, N2 (đường Hồ Chí Minh). Sở hữu vị trí địa lý khá đặc biệt, Long An được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Long An nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo nàng thơm Chợ Đào (hình 1), rượu Đế Gò Đen, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành... Đặc biệt, lúa gạo chất lượng cao là sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu của tỉnh. Công nghiệp đạt khoảng 50% giá trị trong nền kinh tế của tỉnh, với những sản phẩm như dệt may, thực phẩm chế biến, xây dựng...

Hình 1. Gạo nàng thơm Chợ Đào - 1 sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Long An.

Với mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, tỉnh Long An đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050*", nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đề ra. Để xác định rõ thực trạng trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, thông qua đó đưa ra được kết quả tính toán, phân tích đánh giá giúp cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của tỉnh có được các luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc và toàn diện, nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Long An đến năm 2021, đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo” đã được thực hiện.

Nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành khảo sát 150 doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực: (1) sản xuất kim loại; (2) sản xuất, chế biến thực phẩm; (3) sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; (4) dệt; (5) sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất. Kết quả khảo sát cho thấy: các doanh nghiệp trong ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất (C20) có trình độ công nghệ cao nhất, sau đó đến ngành sản xuất chế biến thực phẩm (C10); ngành sản xuất kim loại (C24) có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức trung bình, tiếp theo là ngành dệt, may (C13); ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (C22) có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức lạc hậu (hình 2).

Hình 2. Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ theo các lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp.

Số liệu được điều tra, đánh giá trong giai đoạn từ 2019-2021, đây là giai đoạn mà dịch bệnh COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn; đa số doanh nghiệp, dự án phải tạm dừng hoạt động. Một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm “3 tại chỗ”, tuy nhiên năng lực hoạt động chỉ đạt từ 10-50% so với bình thường. Nhìn chung chi phí hoạt động của các doanh nghiệp tăng do chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển tăng và phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch… do vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến các chỉ số trong quá trình điều tra.

Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo quy mô của các doanh nghiệp trên địa bàn Long An cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ có trình độ cao nhất, sau đó đến các doanh nghiệp lớn và cuối cùng là các doanh nghiệp vừa, và tất cả đều đạt ở mức trung bình (hình 3). Kết quả này có thể phản ánh thực tế là đại dịch COVID-19 và sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp nhỏ thích ứng tốt hơn; các doanh nghiệp lớn có nhiều nguồn lực nên chống chọi tốt hơn, chỉ có các doanh nghiệp vừa là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Hình 3. Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Long An theo quy mô.

Mục tiêu và giải pháp đề xuất

Quan điểm và mục tiêu

Việc xây dựng các giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2023-2025 cần dựa trên các quan điểm chính sau:

Thứ nhất, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với xu hướng phát triển của cả nước và dựa trên cơ sở khai thác tốt thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, đầu tư mới, cải tạo nâng cấp các cơ sở chế biến phải đảm bảo công nghệ hiện đại, sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh và có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu, gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường.

Thứ ba, kết hợp giữa nội lực của tỉnh và nguồn lực bên ngoài để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ một cách bền vững.

Từ những quan điểm trên, nhóm nghiên cứu đề xuất trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Long An cần đặt mục tiêu đến năm 2030, trình độ và năng lực công nghệ trong các lĩnh vực chủ lực, trọng điểm của tỉnh đạt mức trung bình tiên tiến; hướng tới mục tiêu gần là phát triển Long An trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2025. Tất cả các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh được tạo điều kiện tiếp cận với những công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến trên thế giới.

Một số giải pháp đề xuất

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thời gian tới, tỉnh Long An cần quan tâm tới một số nhóm giải pháp và giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm các rào cản về điều kiện kinh doanh, tạo sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp vào các khu công nghiệp với công nghệ tiên tiến. Chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao theo 3 nhóm chính: chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất nguyên liệu và khu công nghiệp chế biến, chế tạo lớn. Khuyến khích đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Thứ ba, đảm bảo tốt việc thực hiện và đề xuất Chính phủ điều chỉnh các chính sách nhập khẩu nguyên liệu và thiết lập hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế nhằm bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An; đề xuất điều chỉnh các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, liên kết để nâng cao năng lực sản xuất; di dời cơ sở sản xuất trong các khu dân cư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế biến tập trung; điều chỉnh chính sách khuyến khích các hội, hiệp hội doanh nghiệp chủ động tạo nguồn lực, cơ chế tài chính, liên kết phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chính sách phát triển của ngành; đề xuất rà soát, điều chỉnh các chính sách về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ; xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ và khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến.

Thứ tư, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng hình thành các vùng, khu công nghiệp, các tập đoàn, công ty quy mô lớn với công nghệ, thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu để vừa thu hút nguồn nguyên liệu, nhân lực, vừa tạo ra lượng hàng hóa lớn có chất lượng, sức cạnh tranh cao; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư bên ngoài tỉnh, đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, kèm theo đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của địa phương; có chính sách ưu đãi, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở phục vụ nghiên cứu và thu hút nhân lực nghiên cứu; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng kết quả nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp hữu ích nhằm cải tiến công nghệ; xây dựng cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, liên kết giữa thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng các mô hình phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi liên kết, gắn với hoàn thiện công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, thực hiện đăng ký nhãn hiệu gắn với tên địa danh (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), hướng đến xuất khẩu và phát triển du lịch làng nghề. Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các thị trường quốc tế tiềm năng. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm là thế mạnh của tỉnh Long An đến các kênh phân phối lớn, người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

Hỗ trợ về tài chính: Dành một phần ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới hoặc đưa ra được các giải pháp cải tiến công nghệ; hỗ trợ tiền thuê đất, tiền thuế và triển khai mạnh mẽ những cơ chế chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp như: chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo.

Đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại hóa: Đầu tư, nâng cấp các nhà máy hiện đại, tập trung thúc đẩy tiến trình cơ khí hóa và tự động hóa để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; quản lý chất lượng, an toàn lao động; bảo đảm cho doanh nghiệp chế biến theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong giai đoạn mới; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị cao, giá trị gia tăng từ nguồn nguyên/nhiên liệu sẵn có của tỉnh để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước cũng như quốc tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động: Tổ chức đào tạo, tập huấn để giới thiệu, cập nhật công nghệ, nâng cao trình độ cho các cán bộ khuyến nông, khuyến công trên địa bàn tỉnh Long An về: công nghệ sản xuất hiện đại; kiến thức về bảo đảm chất lượng, sở hữu trí tuệ; phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm; thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.

*

*              *

Việc đánh giá về hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ trên địa bàn tỉnh Long An là cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp chế biến và chế tạo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tăng cường khả năng cạnh tranh và thích ứng của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh ngày càng biến động.

 

*Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Khoa học Công nghệ (2019), Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

2. Cục Thống kê tỉnh Long An (2022), Niên giám Thống kê tỉnh Long An năm 2021.

3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An (2021), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)