Thứ tư, 07/06/2023 14:42

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

TS Khổng Quốc Minh

Cục Sở hữu trí tuệ

Trong bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày, tạo nên số lượng người dùng đông đảo và khó kiểm soát. Điều này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho việc mua bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Bài viết đưa ra nhận diện tranh chấp quyền SHTT trong TMĐT và một số kiến nghị, giải pháp liên quan đến xác lập, bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT hiện nay.

TMĐT và quyền SHTT của doanh nghiệp

TMĐT đang là những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ toàn cầu và một quốc gia trẻ như Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok hoặc sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… đã thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee là nền tảng mua sắm yêu thích, Lazada đứng thứ hai (18%), tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%). Hơn 70% người dùng trẻ tuổi Việt Nam (17-25 tuổi) coi Shopee là sàn giao dịch TMĐT tốt nhất hiện nay.

Hình 1. Xu hướng phát triển của thương mai điện tử.

Doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT với tư cách người bán và hoạt động thương mại dựa trên dịch vụ trung gian trên internet. Khi đó, với tư cách người bán (bên thứ nhất), để tiếp cận khách hàng mua sắm trực tuyến (bên thứ 2), doanh nghiệp thường chỉ có 2 lựa chọn: 1) Tự mình tạo lập sự hiện diện thương mại trên mạng viễn thông, thường là qua website trên mạng internet (website TMĐT) và có thể bao gồm cả các ứng dụng bán lẻ nhằm giới thiệu hàng hóa/dịch vụ mà mình muốn cung cấp cũng như xúc tiến các giao dịch TMĐT liên quan; 2) Thiết lập sự hiện diện thương mại trên mạng xã hội và sàn TMĐT do tổ chức, cá nhân khác tạo lập và kinh doanh (nơi có sự hiện diện của nhiều người bán), sàn TMĐT là bên thứ 3 cung cấp môi trường cho doanh nghiệp tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Việc sử dụng hợp lý các quyền SHTT trong hoạt động TMĐT mang lại lợi thế vượt trội cho các doanh nghiệp như gia tăng lượng bán, mở rộng và duy trì thị phần, dễ dàng đưa hàng hóa/dịch vụ mới ra thị trường, qua đó giúp họ tăng doanh thu. Trong môi trường TMĐT, quyền SHTT có vai trò quan trọng hơn so với môi trường kinh doanh truyền thống. Sở dĩ như vậy vì khách hàng thường thận trọng một cách tự nhiên trong môi trường trực tuyến, do người bán có thể ở một nơi rất xa và hầu như có rất ít, hoặc không có liên hệ trực tiếp để đảm bảo chắc chắn về sự trung thực và an ninh tài chính. Vì thế, quyền SHTT là thiết yếu để kinh doanh trong TMĐT, vì quyền SHTT, nhất là nhãn hiệu khi nhận được sự công nhận và thiện chí của khách hàng sẽ tăng cường sự trung thành của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Quyền SHTT cũng là công cụ pháp lý để phòng chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT. Chuyển đổi số thúc đẩy gần như mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên internet, từ đó thúc đẩy hoạt động TMĐT. Điều này làm các tranh chấp quyền SHTT trong TMĐT gia tăng. Đặc biệt, hoạt động TMĐT không có biên giới nhưng quyền SHTT lại có giới hạn về không gian (lãnh thổ), quyền SHTT được bảo hộ ở Việt Nam thì chỉ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nhận diện rõ các dạng tranh chấp quyền SHTT thường gặp, để có biện pháp bảo vệ và thực thi hiệu quả quyền SHTT của mình.

Nhận diện tranh chấp quyền SHTT trong TMĐT

Sáng chế trong TMĐT, thường gặp là sáng chế được tạo nên bởi tổ hợp các phần mềm kết hợp với thiết bị vật lý (thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối, mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông và thiết bị tích hợp khác…) để thực hiện chức năng TMĐT đặc thù nhằm mục đích bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của chính doanh nghiệp đó.

Nhãn hiệu là đối tượng quyền SHTT phổ biến nhất trong TMĐT. Nhãn hiệu giúp phân biệt hàng hóa cùng loại của nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác, qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa/dịch vụ trên thị trường. Nhãn hiệu cung cấp thông tin và nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ; cung cấp gián tiếp thông tin về chất lượng hàng hóa/dịch vụ; thúc đẩy marketing hàng hóa/dịch vụ; thu hút người tiêu dùng. Theo đó, một nhãn hiệu mạnh giúp gia tăng lượng bán, mở rộng và duy trì thị phần, dễ dàng đưa hàng hóa/dịch vụ mới ra thị trường. Nhãn hiệu mạnh làm dịch chuyển đường cầu theo 2 cách: 1) Cho phép doanh nghiệp bán với giá cao hơn giá hàng hóa/dịch vụ cùng loại; 2) Làm tăng số lượng giao dịch hàng hóa/dịch vụ. Chính vì vậy, nhãn hiệu là đối tượng thường bị giả mạo, xâm phạm quyền SHTT, thể hiện ở hành vi mua bán hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn. Ngoài ra, nhãn hiệu cũng là đối tượng thường bị bên thứ 3 đăng ký làm tên miền để chiếm đoạt, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc xây dựng website bán hàng giả.

Hình 2. Một ví dụ về hành vi làm nhái nhãn hiệu.

Kiểu dáng công nghiệp trong TMĐT thường gặp và thể hiện dưới dạng bao bì chứa đựng sản phẩm, các đặc điểm tạo dáng mang tính sáng tạo của sản phẩm. Các kiểu dáng công nghiệp này, nhất là bao bì thường đẹp, có tính thẩm mỹ (các yếu tố về màu sắc, bố cục, đường nét, thu hút người dùng, qua đó giúp chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp tăng trưởng doanh thu và khả năng sinh lời. Kiểu dáng công nghiệp cũng là đối tượng thường bị xâm phạm quyền SHTT.

Quyền tác giả thường gặp trong TMĐT là giao diện, kết cấu, nội dung trang web và cả những gì truyền đi trên trang web; giao diện các ứng dụng trực tuyến. Trong TMĐT, các giao diện và nội dung trên trang web, giao diện các ứng dụng trực tuyến cũng là đối tượng hay bị sao chép, bắt chước. TMĐT giúp việc phân phối trực tuyến tác phẩm được bảo hộ quyền SHTT, như các bản nhạc, bộ phim, tác phẩm nghệ thuật, ảnh chụp, bản thảo, phần mềm máy tính... ngày càng dễ dàng hơn. Do sự dễ dàng của việc đăng tải các tệp tin số đó, việc đưa lên mạng internet một cách bất hợp pháp những sản phẩm này hoặc việc tải các tác phẩm này xuống một cách trái phép ngày càng tăng, gây thiệt hại về kinh tế cho các chủ thể quyền tác giả. Các đối tượng quyền tác giả như các tác phẩm tạo hình, được tạo từ nhân vật hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng... thường được sử dụng trên rất nhiều hàng hóa. Trong TMĐT, hàng hóa xâm phạm quyền tác giả rất đa dạng, phổ biến như thú nhồi bông, quần áo, phụ kiện, văn phòng phẩm… Các tác phẩm là hình vẽ, hình chụp nhân vật truyện tranh, nhân vật hoạt hình... thường bị sao chép, nhân bản, sản xuất bản sao hoặc sao chép thành các tác phẩm phái sinh mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm.

Giải pháp xác lập, bảo vệ quyền SHTT cho doanh nghiệp

Để giảm tranh chấp quyền SHTT và phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT trong TMĐT, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia TMĐT cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT, nhất là bảo hộ các đối tượng quyền SHTT được sử dụng trong TMĐT. Theo đó, các giải pháp xác lập, bảo vệ quyền SHTT cho doanh nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, cần đăng ký bảo hộ các sáng chế thực hiện chức năng TMĐT đặc thù nhằm mục đích bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ. Cần sử dụng quyền tạm thời đối với sáng chế khi phát hiện người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại, khi người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký.

Thứ hai, đối với nhãn hiệu, nên sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ trong hoạt động TMĐT. Nếu nhãn hiệu đang sử dụng chưa được bảo hộ, cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT. Đồng thời, nên tiến hành đăng ký tên miền. Bởi lẽ, việc đăng ký tên miền đã không còn bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chỉ khi bên thứ 3 có hành vi chiếm đoạt tên miền đó thì việc xử lý hành vi xâm phạm tên miền mới được thực hiện và trở nên khá khó khăn.

Thứ ba, đối với kiểu dáng công nghiệp, nếu chưa được bảo hộ, cần lưu ý không được bộc lộ kiểu dáng công nghiệp trên sàn TMĐT, mạng xã hội hay trên chính trang web của mình. Việc bộc lộ này sẽ làm mất tính mới của chính kiểu dáng công nghiệp đó. Đồng thời, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký tại Cục SHTT. Cần sử dụng quyền tạm thời đối với kiểu dáng công nghiệp khi phát hiện người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại, người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký.

Thứ tư, đối với giao diện, kết cấu trang web, trang web và cả những gì truyền đi trên trang web, giao diện các ứng dụng trực tuyến… cần tiến hành đăng ký quyền tác giả cho các giao diện và nội dung của nó tại Cục Bản quyền tác giả.

Thứ năm, trong quá trình vận hành trang web, nhất là các trang cung cấp thông tin, cần tránh các hành vi ngay tình vi phạm quyền tác giả của người khác. Khi kết nối với các trang web hữu ích khác, trong hầu hết các trường hợp, đường liên kết hoàn toàn hợp pháp và không cần xin phép chủ sở hữu trang web đó. Tuy nhiên, một số loại đường liên kết sau có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý: đường liên kết dẫn người sử dụng đến trang web chứa nội dung bất hợp pháp (có thể là bản sao lậu các bài hát, hoặc một chương trình phần mềm bất hợp pháp), điều này khiến doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý; đường liên kết chứa nhãn hiệu của công ty khác, việc này có thể vi phạm pháp luật cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác. Do vậy, cần phải xin phép chủ sở hữu các quyền SHTT này trước khi thực hiện các hành vi nêu trên. Nếu muốn đăng tải tác phẩm bất kỳ của người khác lên trang web của mình khi thời hạn quyền tác giả của những tác phẩm này vẫn còn hiệu lực, thì cần phải được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép bằng văn bản. Ngay cả khi chỉ sử dụng một phần của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì vẫn cần được chủ sở hữu quyền cho phép làm việc đó. Cũng lưu ý rằng, tác phẩm được đăng tải lên internet hoặc được lưu trữ trên máy chủ của trang web cũng được bảo hộ quyền tác giả giống như những tác phẩm được xuất bản bằng các phương tiện khác.

Thứ sáu, xây dựng tài liệu hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái với hàng thật. Nêu các đặc điểm nhận dạng, bao bì sản phẩm, nhãn hiệu và các dấu hiệu khác. Đăng tải các tài liệu này lên các nền tảng trực tuyến, đồng thời luôn cập nhật tài liệu hướng dẫn. Đa dạng hóa loại hình tài liệu hướng dẫn này như video, văn bản, hình ảnh để người tiêu dùng dễ tiếp cận và nắm bắt kịp thời.

Thứ bảy, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT, đầu tiên chủ sở hữu nên tiến hành lập vi bằng ghi nhận việc hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT, đồng thời viết thư khuyến cáo yêu cầu ngừng hành vi vi phạm quyền SHTT, ngừng việc bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT và gửi tới sàn TMĐT, tới chính trang web hoặc tới công ty của người vi phạm. Nếu hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn, chủ sở hữu quyền SHTT có thể thực thi quyền SHTT của mình thông qua các biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Báo cáo chuyên đề phục vụ Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

2. Phạm Thị Mai Khanh (2016), Quyền SHTT trong thương mại điện tử, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Ngoại thương.

3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật SHTT, Nhà xuất bản Tư pháp.

4. A.A. Abdalla (2005), International Protection of Intellectual Property Rights: In Light of the Expansion of Electronic Commerce, Trafford Publishing.

5. World Intellectual Property Organization (2002), Intellectual Property on the Internet: A Survey of Issues.

6. https://www.wipo.int/meetings/en/doc_details.jsp?doc_id=316830.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)