Thứ hai, 20/02/2023 14:46

Thiết bị uốn ống CNC

Trong nhiều trường hợp, các ống thép cần được uốn cong mà không thể sử dụng mối hàn, đặc biệt trong các ngành như chế tạo ô tô, thực phẩm, dầu khí, thiết kế, chế biến thực phẩm, chế tạo và bảo trì máy… Để làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị tạo hình ống với khả năng tự động hóa linh hoạt, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai (Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị uốn ống CNC” với sự hỗ trợ kinh phí từ Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh.

Sau khi nghiên cứu, nhiều dòng máy uốn ống nhập ngoại và các nguyên lý uốn ống phổ biến trên thế giới, kết hợp với nhu cầu thực tiễn từ nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã chọn phương án uốn ống bằng cách "thay đổi cơ cấu kẹp ống và đẩy ống" và "tạo hình theo phương tâm (phương Z)"; hoàn thiện khâu chế tạo hệ thống truyền động cơ khí cho máy uốn ống; cũng như chế tạo hệ thống điều khiển CNC cho máy uốn ống.

Máy uốn ống CNC do nhóm nghiên cứu nghiên cứu, chế tạo có khả năng đọc tập tin bản vẽ thiết kế kỹ thuật, sau đó tiến hành uốn ống theo thiết kế đối với ống nguyên liệu. Từ phần mềm điều khiển, kỹ thuật viên vận hành có thể tùy chỉnh tốc độ đẩy ống, uốn ống (3 trục) cũng như một số thống số khác có liên quan. Với ống quy cách 10 mm và dày 0,8 mm, tốc độ uốn trung bình đạt 800 mm/phút. Bán kính cong nhỏ nhất mà máy có thể uốn là 100 mm (±1mm). Máy có thể uốn ống dài tối đa 3.000 mm.

Thông tin chi tiết xin liên hệ: ThS Bùi Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - Lô I3, đường N2 Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; Tel: (028)37360889; 0903774213; E-mail: vinh.buiquang@shtplabs.org.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)