Thứ năm, 29/12/2022 15:23

Việt Nam và bước chuyển mình mạnh mẽ trong nền kinh tế số

Talkshow The Next Power tập 16 được sản xuất bởi S-World và VnExpress chào đón sự xuất hiện của TS Trần Mỹ An - Phó Chủ tịch Kỹ thuật Tập đoàn Qualcomm. Tại talkshow, TS Trần Mỹ An đã chia sẻ về những thời cơ và thách thức của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cùng những đóng góp của Qualcomm trong hành trình đầy thử thách này.

Thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam

Bước chân vào thị trường Việt Nam vào năm 2003 với cam kết hỗ trợ phát triển công nghệ không dây ở Việt Nam, từ năm 2020 Tập đoàn Qualcomm tăng cường mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ tại thị trường 100 triệu dân này. Tập đoàn Qualcomm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp chuỗi giá trị thông qua việc hướng dẫn cho họ tự thiết kế và xây dựng các giải pháp công nghệ của riêng mình.

Tập đoàn Qualcomm là công ty bán dẫn toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, hiện nay đang sở hữu văn phòng tại hơn 157 quốc gia trên thế giới. Một trong những sản phẩm nổi tiếng đến từ tập đoàn này là chip Snapdragon, dòng chip được xem là mạnh nhất hiện nay được lắp đặt ở hầu hết các thiết bị điện thoại thông minh trên thế giới. Tháng 6/2020, Qualcomm chính thức công bố Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đầu tiên ở Đông Nam Á đặt tại Hà Nội với trọng tâm là hoạt động R&D về công nghệ không dây (5G) và Internet vạn vật (IoT).

Đứng trước những thách thức buộc phải chuyển mình để phát triển, một số thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, ước tính có hơn 53 triệu người đã chuyển sang tiêu dùng số trong năm 2021-2022 và tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu GDP đạt mức 10,41% (tính đến tháng 6/2022). “Việt Nam có rất nhiều khu vực chưa được xây dựng, nên chúng ta có thể ứng dụng những công nghệ mới nhất khi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. Đôi khi phá bỏ cái cũ còn khó hơn là xây mới ngay từ đầu. Tôi nghĩ, Việt Nam có rất nhiều cơ hội, và hầu như không có hạn chế nào cả” - TS Trần Mỹ An chia sẻ về những lợi thế của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số.

Nữ tiến sỹ cũng cho rằng, khi xây dựng cơ sở hạ tầng hay ứng dụng một công nghệ mới, Việt Nam cần có những kế hoạch phát triển xa hơn trong tương lai. Khi áp dụng bất kỳ công nghệ tiên tiến nào vào các sản phẩm, dự án, cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư cần cân nhắc tính linh hoạt của công nghệ này, cần phải đủ để nâng cấp về sau. “Nếu chúng ta quá thiển cận và đưa vào một công nghệ mà không nâng cấp được hay không sử dụng được, thì quá trình loại bỏ nó lại rất tốn kém. Vậy nên đưa ra lựa chọn và đầu tư đúng đắn ngay từ ban đầu là điều rất quan trọng” - TS Mỹ An nhận định.

Việt Nam đang là điểm đến đầu tư đáng mong đợi của các ông lớn công nghệ khi các doanh nghiệp này dần dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam trong bối cảnh nước ta giành được thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý. TS Trần Mỹ An cũng chia sẻ khi càng nhiều công ty quy tụ về Việt Nam thì nhu cầu về cơ sở hạ tầng của họ càng tăng. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam và cả Qualcomm trong thúc đẩy tăng tốc chuyển đổi số.

Là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, tập đoàn Qualcomm khi tiến vào thị trường Việt đã đặt mục tiêu chia sẻ những công nghệ mà tập đoàn phát triển, thiết kế và xây dựng các giải pháp kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt trong hệ sinh của công ty. “Qualcomm cung cấp công nghệ có thể coi là nền tảng sử dụng được cho tất cả các lĩnh vực, từ IoT đến robotics, bắt đầu là từ 5G. Công nghệ này có thể sử dụng cho các nhà máy, quá trình tự động hóa, cho đến các thiết bị IoT sử dụng cho thành phố thông minh hay camera thông minh” - vị Phó Chủ tịch cho biết.

Khai phóng tinh thần Việt sánh bước cùng công nghệ

Tại thị trường Việt Nam, Qualcomm có riêng một đội ngũ nhằm cung cấp, thiết kế các giải pháp, sáng kiến công nghệ đặc thù cho các doanh nghiệp có mặt trong hệ sinh thái. TS Mỹ An cũng bày tỏ ấn tượng với sự thân thiện, kiên cường của người lao động ở đất nước hình chữ S. Điều này có thể kể đến khi đội ngũ nhân viên tại đây đã có cú bắt tay hợp tác nhịp nhàng với đội ngũ Qualcomm tại San Diego để triển khai chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm (QVIC) tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các startup Việt trên chặng đường đổi mới sáng tạo. “Người Việt Nam luôn quyết tâm hoàn thành công việc một cách tốt nhất, không chỉ vì tiền lương mà còn vì niềm tự hào khi làm tốt công việc của mình” - nữ tiến sỹ cho biết.

Bên cạnh đó, khi nói về phong cách quản trị để xây dựng một đội ngũ nhân viên tiềm năng tại Việt Nam, TS Trần Mỹ An cũng không ngần ngại chia sẻ rằng, người lãnh đạo cần dành thời gian quan sát, tìm hiểu thế mạnh, năng lực cũng như mối quan tâm của các nhân viên trong đội ngũ. Từ đó, có thể bố trí nhân viên vào vị trí phù hợp, nơi họ có thể thể hiện khả năng của mình. Nếu làm được điều này, đội ngũ nhân sự sẽ nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp. “Tôi luôn khuyến khích các bạn nhân viên phát biểu ý kiến. Nếu trong một cuộc họp để xem xét một thiết kế mà không có ai tranh luận, tôi sẽ thấy lo lắng vì điều đó có nghĩa là mọi người không quan tâm đến nó và tôi luôn tạo cho họ không gian để tìm tòi, học hỏi và phát triển” - TS Mỹ An bày tỏ.

Cũng theo chia sẻ của vị Phó Chủ tịch Kỹ thuật tập đoàn Qualcomm, các công nghệ mà doanh nghiệp vừa phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và tương lai sẽ rất đáng sống với sự phát triển của công nghệ.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)