Thứ hai, 15/08/2022 08:10

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để chuyển đổi số ngành ngân hàng

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đầu tháng 8/2022 tại Hà Nội nhằm đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Xu thế tất yếu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp  lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã xác định, chuyển đổi số ngành ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định, thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng xác định,  chuyển đổi số như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Điều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng.

Để triển khai định hướng chỉ đạo và nhiệm vụ được giao một cách thống nhất, xuyên suốt, Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc làm Trưởng ban. Ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN (Quyết định 810) phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Việc ban hành Quyết định 810 có thể xem là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thống nhất ý chí, hành động toàn ngành để tạo sức mạnh cộng hưởng to lớn giúp ngành Ngân hàng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, tiếp tục tiên phong trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam.

6 nhiệm vụ để chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng đánh giá, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số gồm:

Một là, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính. Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ để phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển.

Hai là, chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Ba là, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng, chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Do đó, cần phải xây dựng kế hoạch truyền thông và phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông trong quá trình triển khai.

Năm là, đẩy mạnh công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn, công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…

Nguyễn Trọng Tài

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)