Thứ tư, 10/08/2022 10:47

Lực lượng lao động của Việt Nam cần có kỹ năng cao hơn và phù hợp hơn

“Việt Nam cần có lực lượng lao động với kỹ năng của thế kỷ XXI để tăng trưởng”, “…lực lượng lao động của Việt Nam cần có kỹ năng cao hơn và phù hợp hơn”... Đó là những nhận định trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Giáo dục để tăng trưởng”. Báo cáo đề cập đến 2 nội dung cơ bản: 1) Diễn biến kinh tế gần đây và triển vọng; 2) Giáo dục để tăng trưởng. Bài viết đề cập đến một số vấn đề quan trọng mà nội dung 2 của Báo cáo đề cập đến.

Báo cáo nhận định, Việt Nam cần có lực lượng lao động với kỹ năng của thế kỷ XXI để tăng trưởng. Khi chuyển từ nền kinh tế dựa vào kỹ năng thấp và việc làm lương thấp trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến và dịch vụ sang mô hình tăng trưởng nhờ vào động lực đổi mới sáng tạo nhiều hơn, dựa trên các ngành công nghiệp và dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao hơn, lực lượng lao động của Việt Nam cần có kỹ năng cao hơn và phù hợp hơn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 2021-2030 của Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu như trên, coi việc sử dụng tri thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Để đạt những mục tiêu đó, Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục nhằm cải thiện về chất lượng và khả năng tiếp cận để có thể cung cấp các kỹ năng cần thiết cho người dân.

Báo cáo nhận định: lực lượng lao động của Việt Nam cần có kỹ năng cao hơn và phù hợp hơn.

Giáo dục sau phổ thông của Việt Nam vẫn có thể được cải thiện thêm

Việt Nam đã đạt được kết quả tốt trong việc cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng cho người dân, nhưng chưa đạt được nhiều thành công trong giáo dục sau phổ thông. Với nhận định này, Báo cáo đưa ra dẫn chứng rằng, số năm đi học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm (chỉ đứng sau Singapore trong khu vực ASEAN) và chỉ số vốn nhân lực đạt 0,69/1 (cao nhất trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp). Tuy nhiên, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 28,6% (thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực và so với tỷ lệ nhập học bình quân 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao). Điều này cho thấy, trong số khoảng 6,9 triệu trẻ em thuộc độ tuổi đi học các chương trình sau phổ thông, chỉ có khoảng hơn 2 triệu em nhập học. Để đạt tỷ lệ nhập học bằng các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, Việt Nam cần tạo điều kiện cho khoảng 3,8 triệu học sinh nhập học, gần gấp đôi con số năm 2019.

Báo cáo cho rằng, chênh lệch về kết quả đạt được của Việt Nam so với các quốc gia khác cũng như so với chính mục tiêu đã đặt ra phần nào do chênh lệch trong khả năng tiếp cận giáo dục đại học. Tính đến năm 2020, chỉ có 7,3% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất được tiếp cận giáo dục đại học, so với tỷ lệ 49,8% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao nhất (chia theo 5 nhóm). Thanh, thiếu niên đồng bào các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tiếp cận giáo dục giáo dục đại học bằng 6%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 35,4% của các bạn thuộc nhóm dân tộc đa số. Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và tỷ lệ trúng tuyển không bằng nhau cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đầu ra của hệ thống giáo dục đại học

Báo cáo đã phân tích các yếu tố cung, cầu ảnh hưởng đến đầu ra của hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Theo đó, trên góc độ cầu, những yếu tố cản trở mong muốn theo đuổi giáo dục đại học bao gồm chi phí cơ hội của việc học tập, suất sinh lợi từ giáo dục giảm dần, và gánh nặng chi phí tài chính gia tăng đối với các hộ gia đình. Theo học đại học đồng nghĩa với việc phải trì hoãn tham gia các hoạt động tạo thu nhập trong một số năm, và đó là chi phí cơ hội lớn đối với sinh viên. Thêm vào đó, mặc dù thu nhập của sinh viên tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 25-35 cao hơn 3 lần so với thu nhập của lao động không có bằng cấp, nhưng suất sinh lợi tương quan tính trên lương của lao động chuyên nghiệp có trình độ và kỹ năng đã và đang suy giảm trong giai đoạn 2010-2020. Suất sinh lợi của giáo dục và kỹ năng - được đo bằng thay đổi về mức lương theo giờ của người lao động có trình độ sau phổ thông so với các nhóm có trình độ dưới tiểu học giảm từ 70% trong năm 2010 xuống 50% trong năm 2020. Bên cạnh đó, học phí và tổng chi phí theo học đại học nói chung đã tăng hơn gấp đôi trong thời gian qua, trong khi đóng góp của hộ gia đình cho việc theo học đại học hiện đã trở thành nguồn đóng góp chính về học phí của sinh viên. Học phí mà các hộ gia đình phải nộp bình quân chiếm trên 65% nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học và chiếm từ 43 đến 60% tổng chi tiêu cho mỗi sinh viên.

Nhìn trên góc độ cung, những yếu tố ảnh hưởng đến đầu ra và kết quả của ngành giáo dục bao gồm chênh lệch cung cầu kỹ năng, thiếu vốn, và cơ cấu thể chế bị phân mảnh. Kỹ năng của nhiều sinh viên tốt nghiệp còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Lao động thủ công kể cả có kỹ năng và không có kỹ năng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu việc làm hiện nay của Việt Nam, các doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Đến năm 2019, chỉ có 10,2% dân số từ độ tuổi 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương. Bên cạnh đó, các doanh nhiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý (73%) hoặc kỹ năng chuyên môn kỹ thuật (ngoài công nghệ thông tin - CNTT: 68%). Thiếu kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN), kết hợp với thể chế quản trị giáo dục sau phổ thông yếu kém và manh mún là yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học cũng như đến tốc độ phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Việt Nam chi thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực cho giáo dục đại học; trong năm 2019, Việt Nam phân bổ 0,6% GDP cho giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề, so với 0,86% tại Ma-lay-xia và 0,9% tại Hàn Quốc. Ngoài ra, khung pháp lý còn phức tạp, manh mún và thiếu đồng bộ; sự gắn kết giữa các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu còn yếu; công tác đảm bảo chất lượng cần phải cải thiện... cũng là những yếu tố cung ảnh hưởng đến kết quả đầu ra của hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam

Cần có những đổi mới mang tính hệ thống

Các chương trình cải cách hiện đại hóa cần chú ý đến nội dung, phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình và trình độ giáo viên, cũng như nâng cao tỷ lệ giáo viên trên học sinh. Về mặt nội dung, chương trình học, sự phù hợp của hoạt động đào tạo, phương pháp giảng dạy truyền thống (lấy giáo viên làm trung tâm), và các hoạt động quốc tế hóa manh mún, thiếu đồng bộ và mang tính sự vụ là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng. Riêng về xây dựng chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế chủ yếu chỉ dừng lại ở phạm vi ‘vay mượn chương trình học’. Đồng thời, hệ thống giáo dục đại học vẫn chưa có hệ thống quản lý nhân tài vững chắc để hình thành và nuôi dưỡng lực lượng cán bộ nghiên cứu và giảng dạy chất lượng cao.

Theo nhận định của Báo cáo thì có 4 điểm chuyển đổi quan trọng, qua đó đổi mới có thể đem lại kết quả đáng kể đối với giáo dục đại học, bao gồm: (i) nâng cao khả năng tiếp cận và công bằng; (ii) cải thiện sự phù hợp (hài hòa chương trình học với nhu cầu thị trường); (iii) cải thiện về đảm bảo tài chính; và (iv) cải thiện về quản trị.

Nâng cao khả năng tiếp cận và công bằng

Giả sử mục tiêu về tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam đến năm 2030 là 45%, chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung ước tính phải là 1,3 triệu mới đạt được tổng số 3,8 triệu sinh viên. Để có thể mở rộng quy mô như vậy, nhu cầu đặt ra là đảm bảo các cơ sở giáo dục tư nhân và ngoài đại học đóng một vai trò lớn hơn hiện nay; mô hình đào tạo đa dạng hơn, trong đó có hình thức học tập trực tuyến và ứng dụng công nghệ số; tăng cường nguồn tuyển sinh ngay từ bậc giáo dục trung học; và có hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Cải thiện chất lượng và sự phù hợp

Để cải thiện chất lượng, trọng tâm cần đặt vào đổi mới phương pháp dạy và học, quản lý tốt đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy tài năng, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giáo dục và công nghệ thông tin và truyền thông. Để cải thiện sự phù hợp của các chương trình giáo dục đại học, nhu cầu đặt ra nữa là cần xây dựng liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp.

Cải thiện về đảm bảo tài chính cho lĩnh vực giáo dục đại học

Giáo dục đại học cần chuyển sang hướng đảm bảo tài chính bền vững thông qua phân bổ tốt hơn nguồn vốn của Nhà nước và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn của khu vực tư nhân. Ưu tiên trước mắt là đảm bảo nguồn lực hiện có phải được sử dụng hiệu quả. Dần dần, nguồn vốn của Nhà nước dành cho giáo dục sau phổ thông cần được tăng thêm, nhất là khi nhu cầu giáo dục đại học tiếp tục tăng thêm. Tuy nhiên, vì Nhà nước cung cấp khoảng 80% các chương trình giáo dục sau phổ thông, vai trò của các cơ sở giáo dục dân lập bậc sau phổ thông vẫn cần được nâng cao hơn nữa.

Cải thiện về quản trị trong lĩnh vực giáo dục đại học

Chính phủ nên xem xét sắp xếp lại cơ cấu quản lý lĩnh vực giáo dục đại học để tạo điều kiện phát triển và cải thiện chất lượng. Nhu cầu đặt ra là xác định tầm nhìn và chiến lược cho giáo dục đại học, sửa đổi cấu trúc ngành và khung pháp quy, kết hợp với các biện pháp đảm bảo chất lượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học hoạt động theo hướng tự chủ và tự đảm bảo trách nhiệm giải trình trong một cấu trúc quản trị hiệu quả hơn; giao cho một bộ duy nhất phụ trách công tác quản lý nhà nước đối với các trường đại học, trường kỹ thuật và dạy nghề, nghiên cứu và công nghệ. Các cấp có thẩm quyền cần chủ động theo dõi tiến độ và kết quả đầu ra của chương trình cải cách này thông qua hệ thống quản lý thông tin hiện đại.

Nguyễn Thị Hiền

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)