Trong số 18 ý kiến phát biểu tại phiên họp, đa số đại biểu đánh giá cao sự phối hợp của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần tiếp tục giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Toàn cảnh phiên thảo luận (nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).
Phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung. Phiên họp có sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.
Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), trong đó có 14 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 6 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).
Về mặt nội dung, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ...
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về dự thảo Luật, trong đó 13 đại biểu có ý kiến về nội dung sở hữu công nghiệp. Các đại biểu đều đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật lần này, cơ bản đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với cam kết quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo chất lượng để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đa số đại biểu nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này, đặc biệt là chủ trương giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì và bổ sung kịp thời quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Bên cạnh đó, một số đại biểu còn nêu ý kiến khác đối với một số nội dung trong dự thảo Luật. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các ý kiến chủ yếu tập trung vào quy định liên quan đến các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (phản đối đơn, khiếu nại, từ chối cấp văn bằng bảo hộ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ …), tính mới và kiểm soát an ninh đối với sáng chế, khả năng phân biệt của nhãn hiệu, khái niệm và tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, bảo vệ quyền và các vấn đề có liên quan khác.
Thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập. Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua. Theo kế hoạch, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến biểu quyết thông qua vào giữa tháng 6/2022.
HHY