Thứ ba, 31/05/2022 15:06

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Mới đây, từ kết quả nghiên cứu của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo: “Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị cải cách chính sách”. Báo cáo cho biết, so với các quốc gia khác, tình trạng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn dự báo, nhưng diễn ra với tốc độ bền vững; TSGTKS có vẻ đã ổn định ở mức 111 ca sinh bé trai trên 100 ca sinh bé gái trong 5 năm qua; TSGTKS chính thức đạt 1115 trong các năm 2018-2019 - hiện là mức cao thứ hai trên thế giới… Bài viết tóm lược một số điểm nhấn của báo cáo và đưa ra các khuyến nghị về: dữ liệu, chính sách và công tác vận động.

Một số điểm nhấn của Báo cáo

Báo cáo của WB cho rằng, hiện đã có những tiến triển quan trọng hướng tới thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam, cụ thể liên quan đến giáo dục và sự tham gia thị trường lao động của phụ nữ, nhưng đầu thập kỷ 2000 xuất hiện một hình thức phân biệt giới nữa ở Việt Nam. Đó là lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới (LCGT). Hành vi này bắt nguồn từ văn hóa chuộng con trai ăn sâu bén rễ từ xưa và nguyện vọng có ít nhất một con trai rất phổ biến tại một số địa phương ở Việt Nam hàng nghìn năm qua. Mặc dù các cặp vợ chồng trước đây chỉ tìm cách sinh thêm, nhưng gần đây do họ có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản khoa, kết hợp với mức sinh giảm, nên ngày càng nhiều người chọn phá thai con gái để tìm cách sinh con trai.

LCGT không chỉ dẫn đến những quan ngại nghiêm trọng về quyền con người mà còn dẫn đến tác động nguy hại về cơ cấu dân số, kinh tế và xã hội ở Việt Nam (ảnh: Sức khỏe và Đời sống).

LCGT không chỉ dẫn đến những quan ngại nghiêm trọng về quyền con người mà còn liên quan đến chênh lệch TSGTKS cao hơn định chuẩn sinh học ở mức 105 nam trên 100 nữ, dẫn đến tác động nguy hại về cơ cấu dân số, kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Trên góc độ cơ cấu dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) dự kiến sẽ dẫn đến dôi dư 1,3 triệu nam giới trong độ tuổi 20-39 vào năm 2044. Trên góc độ xã hội, “thừa nam giới” dẫn đến nguy cơ không có khả năng kết hôn, gây ảnh hưởng lâu dài về ổn định xã hội, đã và đang được coi là có liên quan đến tăng tội phạm, các hành vi liều lĩnh, quẫn trí, bạo lực, buôn người, kinh doanh tình dục, bóc lột, mại dâm và hiếp dâm ở các quốc gia có TSGTKS cao. Về kinh tế, “thiếu phụ nữ” ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển con người, tỷ lệ tham gia lao động và năng suất lao động.

Phân tích cơ cấu dân số cho thấy, Báo cáo khẳng định, TSGTKS chính thức của Việt Nam là 111,5 trong các năm 2018-2019, ở mức cao thứ hai trên thế giới. TSGTKS đặc biệt cao ở nhóm khá giả và có trình độ giáo dục, ở nông thôn miền Bắc và ở những lần sinh con về sau. So với các quốc gia khác, tình trạng tăng TSGTKS của Việt Nam xuất hiện muộn hơn dự kiến, nhưng lại tiến triển ở mức ổn định hơn. TSGTKS đã ổn định ở mức 111 ca sinh trai trên 100 ca sinh gái trong 5 năm qua. Tỷ lệ này hiện có dấu hiệu suy giảm, có thể thấy được ở một số địa phương ở Việt Nam. Kết quả dự báo thống kê Bayes gần đây khẳng định xu hướng giảm dần trong 15 năm tới và TSGTKS được dự báo sẽ quay về mức chuẩn vào năm 2039. Hiện nay, khoảng 45.900 trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm do LCGT (6,2% thai nhi nữ), gồm 43% số trẻ em gái không được sinh ra ở đồng bằng sông Hồng, và 20% số trẻ em gái không được sinh ra ở miền núi và trung du Bắc bộ. Tình trạng này sẽ gây hậu quả bất lợi nghiêm trọng chỉ có thể cảm nhận đầy đủ trong 30 năm tới, với khoảng 1,75 triệu đàn ông dôi dư vào giữa thập kỷ 2050. Với những dự báo trên, hệ thống hôn nhân truyền thống không tránh khỏi bị ảnh hưởng do thiếu cô dâu trong những thập kỷ tới. Tình trạng độc thân không tự nguyện tăng lên sẽ thấy rõ ở nhóm nam giới ít học, sống ở các vùng nông thôn và không có đất.

Dù LCGT diễn ra phổ biến ở những tầng lớp có điều kiện kinh tế khá giả ở Việt Nam, nhưng nghiên cứu của WB cho thấy, tâm lý chuộng con trai cũng rộ lên ở những môi trường có thể chế kinh tế chính thức yếu kém, tại đó người dân phải dựa vào gia đình và những thể chế phi chính thức làm lưới an sinh chính, phòng trường hợp rơi vào tình cảnh thu nhập bất ổn. Những gia đình càng khá giả lại càng quan tâm đến duy trì gia sản bằng cách phải sinh ít nhất một con trai. Trong khi đó, nuôi con gái thường được cho là “nuôi con nhà người ta”, vì con gái sẽ ra khỏi nhà cha mẹ khi kết hôn và không đóng góp gì thêm cho gia đình cha mẹ ruột.

Khuyến nghị chính sách

Từ những phân tích của mình, WB đã đưa ra một số khuyến nghị trong báo cáo. Khuyến nghị này nhằm đến một số vấn đề về dữ liệu, chính sách và công tác vận động.

Về dữ liệu

Một là, cần lấy dữ liệu làm căn cứ xây dựng chính sách tốt hơn: i) Can thiệp chính sách cần xét đến chênh lệch theo vùng, miền và cơ cấu giới; ii) Can thiệp cần đặc biệt nhằm vào các địa bàn ở đồng bằng sông Hồng, trung du Bắc bộ (nông thôn và thành thị), nơi TSGTKS đang tăng nhanh; iii) Can thiệp cần cụ thể theo nhóm đối tượng, xác định và tiếp cận đối tượng ở các tầng lớp có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn; iv) Thí điểm, theo dõi và đánh giá các chiến dịch trước khi triển khai rộng toàn quốc.

Hai là, tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu. Cần tăng cường năng lực ở Trung ương và địa phương về thu thập, phân tích, và diễn giải các xu hướng và dự báo về TSGTKS tại Việt Nam.

Ba là, xử lý hệ quả dài hạn của MCBGTKS: i) Cần có hệ thống gia đình linh hoạt hơn, giảm tập tục phụ nữ xuất giá tòng phu và phổ cập hôn nhân, để ứng phó với tác động của vấn đề chênh lệch nam nữ độ tuổi kết hôn; ii) Các luật mới (như Luật Dân số) cần thích ứng và giảm nhẹ tác động bất lợi, dài hạn của tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong cơ cấu dân số (như chênh lệch nam nữ độ tuổi kết hôn, bạo lực, buôn người, kinh doanh tình dục, bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, và tăng hành vi liều lĩnh).

Về chính sách

Một là, chính sách cần xử lý nguyên nhân gốc rễ của tâm lý chuộng con trai ở Việt Nam: i) Thiết kế các chiến dịch và chính sách xoay quanh vấn đề thờ cúng tổ tiên nhằm cho phép con gái thực hiện nghi lễ với người đã khuất như con trai; ii) Triển khai và đảm bảo tuân thủ Bộ luật dân sự và các luật gia đình liên quan, cho phép con gái hưởng quyền gia đình như con trai về nối dõi, thừa kế, và tiếp cận tài sản; iii) Tăng cường các chương trình phúc lợi và an sinh xã hội thông qua sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội và các điều chỉnh tương ứng trong Luật Dân số; iv) Xử lý vấn đề việc làm dễ tổn thương ở Việt Nam và đầu tư phát triển các thị trường bảo hiểm và đảm bảo sự tham gia của các nhóm dân vào các tổ chức tài chính chính thức.

Hai là, xóa bỏ các chính sách điều chỉnh quy mô dân số và kiểm soát mức sinh: i) Các chính sách kiểm soát mức sinh làm tăng áp lực khiến người dân phải thực hiện lựa chọn giới tính nhằm chủ động về cơ cấu gia đình và để sinh được con trai; ii) Các bài học quốc tế cho thấy nới lỏng áp lực sinh sản có thể là một phương thức phòng chống LCGT; iii) Xóa bỏ chính sách gia đình có hai con và các chính sách điều chỉnh quy mô dân số liên quan, đồng thời thúc đẩy tự chủ về sinh sản; iv) Đầu tư cho các chương trình chăm sóc trẻ mầm non và chế độ cha mẹ nghỉ phép chăm con do Nhà nước đảm bảo hoặc trợ cấp.

Ba là, kiểm soát công nghệ và nâng cao hiểu biết của nhân viên y tế: i) Tiếp cận công nghệ là điều cần làm để đảm bảo quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục cho phụ nữ; ii) Cần nỗ lực tăng cường việc đảm bảo tuân thủ các lệnh cấm xác định giới tính và lựa chọn gới tính, nhất là ở các cơ sở tư nhân; iii) Nâng cao hiểu biết của nhân viên y tế thông qua công tác vận động, đào tạo và tăng cường năng lực; iv) Đầu tư vào đào tạo và tăng cường năng lực cho cán bộ hành pháp để họ hiểu được vai trò của mình trong phòng chống LCGT và chênh lệch TSGTKS.

Về công tác vận động

Một là, hài hòa các thông điệp và tạo sức mạnh cộng hưởng: i) Xây dựng quan hệ đối tác có vai trò quan trọng để hài hòa các thông điệp, tránh thông điệp mâu thuẫn nhau, tối đa hóa nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả công tác vận động và chiến dịch phòng chống LCGT; ii) Cân nhắc thành lập cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý vấn đề LCGT dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (TCDS-KHHGĐ); iii) Đảm bảo các chính sách quốc gia được chuyển thành kế hoạch sát thực tế ở cơ sở với cơ chế phối hợp rõ ràng để triển khai các chiến dịch vận động ở địa phương; iv) Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò trong công tác vận động.

Hai là, tăng cường tiếp cận và tính liên tục của các chiến dịch vận động: i) Đảm bảo các chiến dịch tiếp cận được các tuyến cơ sở, tận dụng hạ tầng của chính quyền và các tổ chức cộng đồng, đặc biệt ở các vùng nông thôn; ii) Tăng cường đối thoại dựa vào cộng đồng; iii) Thử nghiệm và thí điểm các thông điệp trước khi triển khai rộng, theo dõi và đánh giá thường xuyên những thông điệp đó để tránh vấp phải chống đối và phản ứng ngược; iv) Đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho việc thiết kế, thử nghiệm, triển khai, và đánh giá các tài liệu và chiến dịch thông tin và giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi.

Minh Trang

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)