Vấn nạn về chất thải rắn tại các vùng đảo Việt Nam
Qua quá trình khảo sát, đánh giá sinh hoạt của các hộ dân tại các vùng đảo ven bờ Việt Nam như Bạch Long Vỹ, Việt Hải tại Hải Phòng; Nhơn Châu tại Bình Định, nhóm nghiên cứu nhận thấy, có 2 nguồn phát sinh chất thải chủ yếu tại các đảo bao gồm nguồn nội sinh và nguồn ngoại sinh.
Nguồn nội sinh bao gồm các loại chất thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt của người dân trên đảo và chất thải phát sinh từ các tàu tránh, trú bão. Đối với các đảo đã có các bãi chôn lấp tạm thời thì lượng rác tương đối ít (Nhơn Châu, Bạch Long Vỹ, Việt Hải). Riêng đối với các đảo chưa có bãi chôn lấp thì rác phát sinh khá lớn, trôi nổi khắp nơi (Việt Hải). Các chất thải ngoại sinh bao gồm chủ yếu các loại chất thải nhựa theo dòng hải lưu trôi dạt vào ven đảo. Các loại chất thải này có nguồn gốc từ các tàu đánh cá từ trong và ngoài nước (chủ yếu từ tàu cá Trung Quốc).
Hầu hết các chất thải trên các vùng đảo hiện nay chủ yếu do nguồn nội sinh, xuất phát từ hoạt động sinh hoạt của người dân trên đảo. Các chất thải bao gồm: vô cơ, hữu cơ và số ít chất thải nguy hại. Trong đó, các loại chất thải hữu cơ chiếm 65%, bao gồm các thức ăn thừa, vỏ hải sản, rau củ quả, trái cây, bã trà, cà phê, cỏ, lá cây… Đây là lượng chất thải có thể xử lý ngay tại hộ gia đình, vì các loại chất thải này dễ ôi thiu, gây ô nhiêm mùi khi cho vào các thùng rác hoặc bãi chôn lấp.
Chất thải vô cơ chiếm 30% chủ yếu là vỏ lon, chai nhựa, đồ cao su, đồ sắt… tuy nhiên do khó khăn trong việc vận chuyển từ đảo vào đất liền, giá thành thu mua khá thấp, do đó các loại chất thải vô cơ này vẫn lẫn vào các chất thải khác, trôi nổi ở nhiều khu vực mà không được thu gom để tái chế. Các thùng xốp đựng hải sản tại các đảo sau khi không còn giá trị sử dụng vứt trực tiếp xuống biển, sau đó lại bị sóng đánh dạt vào bờ. Chỉ còn một số loại rác thải như nilon, vỏ bao bì, chất trơ được đưa ra bãi chôn lấp rác để xử lý. Đối với các đảo hoạt động du lịch, dịch vụ nhiều, đặc biệt là các đảo từ miền Trung trở vào miền Nam do điều kiện khí hậu đặc trưng là nắng nóng thì các loại ống hút nhựa và cốc nhựa sử dụng một lần phát sinh hàng ngày rất lớn, gấp 5-10 lần các đảo ở khu vực miền Bắc.
Cuối cùng là chất thải nguy hại chiếm 5% tổng số chất thải trong sinh hoạt thường gặp ở các đảo như các loại đèn huỳnh quang thải bỏ; ắc quy xe ô tô, xe máy, ắc quy dùng trong gia đình, các loại pin thải; dầu bôi trơn ô tô, xe máy, dầu phanh thải; các chất làm sạch, tẩy rửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân... Các chất thải nguy hại bị vứt bỏ lẫn vào chất thải sinh hoạt gây nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng.
Một trong những tác động của chất thải rắn đối với môi trường đó là ảnh hưởng đến các hệ sinh thái (đặc biệt là hệ sinh thái san hô, các loài sinh vật biển) do ăn phải hoặc bị rác thải nhựa dính vào có thể khiến chúng không thể phát triển được hoặc làm chết các loài sinh vật. Chất thải rắn tại các bãi biển gây mất mỹ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển du lịch, cải thiện thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, các loại chất thải sau khi trôi nổi ngoài biển có thể mắc vào các lưới đánh cá của ngư dân làm tăng chi phí đánh bắt lên 10-20% do phải chi trả phí cho người gỡ lưới tại khu vực biển.
Đặc biệt, các loại chất thải khi không được xử lý gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản ở quanh đảo. Chất thải rắn mắc vào các lưới của các bè nuôi gây khó khăn trong việc trao đổi của nước, khi phân hủy làm phân tán các hạt nhựa khiến vật nuôi ăn phải, điều này có thể sẽ tác động đến sức khỏe con người khi sử dụng.
Nguồn chất thải rắn tại đảo Bạch Long Vỹ do tàu cá trong nước và tàu nước ngoài đưa vào bờ.
Giải pháp đối với chất thải rắn tại các vùng đảo Việt Nam
Với mục tiêu “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, chủ đề của Ngày Đại dương năm 2022 và thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với các thành phần chất thải được phân tích ở trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai mô hình cấm rác thải nhựa tại các đảo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân về tác hại của các sản phẩm nhựa một lần sau khi thải vào môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái. Thay vào đó, cần khuyến khích và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút giấy, ống hút bột gạo vì mỗi ống hút tương đương với 50 calo. Nó sẽ tự phân hủy trong 3 tháng thay vì hàng trăm năm như ống hút bình thường. Ngoài ra, chúng còn dễ dàng phân hủy hoàn toàn thành H2O, CO2 và mùn hữu cơ có lợi cho cây trồng và đất. Chỉ mất từ 90 ngày để ống hút gạo phân hủy, do đó chúng đặc biệt thân thiện với môi trường. Điều này rất quan trọng trong việc góp phần bảo vệ môi trường. Hay các sản phẩm túi giấy, túi phân hủy sinh học vì túi được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên giúp con người giảm thiểu được nguy cơ bị phơi nhiễm các chất độc hại như: BPA, phthalates. Để xử lý túi phân hủy sinh học hoàn toàn sẽ không cần đốt, chỉ cần chôn ủ nên không tạo ra các khí độc hại gây ung thư và dị tật bẩm sinh như dioxin, furan.
Thứ hai, đối với các loại chất thải vô cơ có thể tái chế cần phân loại triệt để và thu gom để đưa vào đất liền. Tuy nhiên, các loại chất thải này giá trị còn tương đối thấp. Ví dụ như đối với xã đảo Nhơn Châu, Bạch Long Vỹ vỏ lon bia được thu mua với giá là 1.000 đồng/5-7 vỏ lon, giá chai nhựa 1.000-2.000 đồng/kg, các loại thiết bị điện tử không được thu mua. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ tiền nhiên liệu cho tàu bè vận chuyển hàng hóa ra đảo, khi trở về vận chuyển rác tái chế. Qua đó, giúp giảm thiểu số lượng lớn chất thải vô cơ bị ùn ứ qua mỗi ngày sinh hoạt trên đảo.
Thứ ba, cần triển khai sớm mô hình phân loại rác thải tại nguồn và triển khai mô hình ủ phân hữu cơ tại các hộ gia đình bằng các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trên đảo. Đây là giải pháp nhằm xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, giúp phân loại rác thải tại nhà một cách triệt để, giảm mùi và ô nhiễm cũng như số lượng khi đưa ra bãi chôn lấp, đồng thời vừa tạo một lượng phân bón hữu cơ cho mỗi hộ gia đình. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên tại các đảo, các bãi chôn lấp tạm thời cần phải được thiết kế đạt tiêu chuẩn môi trường. Cần có các lớp lót kỹ thuật để nước rỉ rác và các thành phần nguy hại không đi vào môi trường.
Ngoài ra, cần triển khai hoạt động tuyên truyền về chất thải nguy hại. Giáo dục cho các em học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường về tác hại của chất thải nguy hại và hướng dẫn thu gom chất thải nguy hại để đưa vào đất liền xử lý theo đúng quy định.
*
* *
Đại dương được coi như “lá phổi” của hành tinh, bởi nó cung cấp hầu hết lượng oxy cho toàn bộ hành tinh. Ngoài ra, môi trường biển và đại dương cung cấp cho lục địa một lượng hơi nước rất lớn, sinh ra mây, mưa để duy trì cuộc sống cho con người, sinh vật trên Trái đất và có tác dụng điều hòa khí hậu. Vì vậy, bảo vệ môi trường biển và đại dương là một trong những nhiệm vụ cần thiết để xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ sau này.