Thứ bảy, 21/05/2022 10:53

Giải pháp phát triển bền vững không gian nước ngầm tại TP Hà Nội

PGS.TS Đoàn Văn Cánh


Giảng viên cao cấp trường đại học Mỏ Địa chất

Hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai quy hoạch không gian đô thị ven sông Hồng và đặc biệt quy hoạch không gian ngầm phục vụ phát triển kinh tế dân sinh và quốc phòng an ninh. Những quy hoạch phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng thường ít chú ý đến một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc cấp nước cũng như phát triển không gian mặt và ngầm, đó là địa chất thuỷ văn, những đặc điểm phân bố các tầng chứa nước dưới lòng đất tại các đô thị. Yếu tố này đóng vai trò đặc biệt đối với các thành phố lớn như Hà Nội. Với mục tiêu phát triển bền vững không gian nước ngầm, nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp cho bản quy hoạch không gian ngầm tại Hà Nội.

Thực trạng không gian nước ngầm tại Hà Nội

Hà Nội nằm trong một cấu trúc chứa nước phân bố rộng khắp Đồng bằng Bắc Bộ. Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều tầng chứa nước, nhưng có một tầng chuyên môn gọi là tầng chứa nước Pleistocen được khai thác rộng rãi, cung cấp nước cho thành phố với công suất khai thác có năm lên tới hàng triệu m3/ngày. Chiều sâu bắt gặp tầng chứa nước dao động từ 22,5 đến 54 m, trung bình 38,5 m; chiều sâu kết thúc từ 39 đến 94,6 m, trung bình 65,6 m. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ 8 đến 75 m, trung bình 27,8 m. Tầng chứa nước này ở Hà Nội hoàn toàn chứa nước nhạt, có giá trị cao trong cấp nước sinh hoạt cho Thủ đô. Tài nguyên nước dưới đất ở đây được hình thành bởi nguồn tích chứa trong tầng chứa nước và còn được bổ sung bởi nguồn nước sông Hồng, sông Đuống trong quá trình khai thác. Lưu lượng khai thác các nhà máy nước ven sông Hồng khai thác tầng chứa nước Pleisticen nhận được từ nguồn bổ sung đến 60% tổng trữ lượng khai thác, phần còn lại khai thác vào lượng nước tích chứa trong nó.

Sơ đồ khối phân bố các tầng chưa nước trên địa bàn TP Hà Nội.

Trữ lượng khai thác nước ngầm của Hà Nội không chỉ ở mức 734.000 m3/ngày. Đây là con số được Hội đông xét duyệt trữ lượng khoáng sản nhà nước phê duyệt theo kết quả thăm dò mỏ nước dưới đất phía Nam Hà Nội từ những năm 1993. Từ đó đến nay, rất nhiều đề án thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng nước dưới đất đã được thực hiện, hàng loạt các nhà máy nước mới được xây dựng, con số trữ lượng thăm dò và khai thác nước dưới đất đã vượt quá xa con số nêu trên. Những con số đó cũng đã được các hội đồng xét duyệt trữ lượng của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hàng năm.

Đồng thời, mực nước ngầm ở những vùng nằm sâu trong nội thành Hà Nội như Hạ Đình, Ngọc Hà, Mai Dịch… đã bị hạ thấp sâu (mực nước động sâu nhất hiện nay phân bố tại trung tâm bãi giếng Mai Dịch cách mặt đất khoảng 28 mét, gần đạt tới ngưỡng khai thác quy định), Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do thiết kế vị trí bãi giếng nằm sâu trong nội thành và đặt xa nguồn trữ lượng nước chính sông Hồng.

Đề xuất gải pháp

Trước thực trạng trên, với mục tiêu khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước một cách bền vững cho TP Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị, cụ thể:

Trước hết, công tác quy hoạch xây dựng thành phố phải xem xét đến mọi khía cạnh, trong đó cần chú ý đến đặc điểm địa chất thủy văn của Hà Nội. Như đã phân tích ở trên, ở Hà Nội nên dành quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống làm dải công viên cây xanh. Trên dải công viên cây xanh, xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất ven sông như giếng đứng, hành lang thu nước ven sông hoặc có thể xây dựng các tuynel thu nước dưới đáy lòng sông. Đặc biệt, quỹ đất nằm giữa sông Đuống và sông Hồng rất quan trọng về mặt địa chất thuỷ văn. Như vậy, nếu phát triển đô thị ngay sát bờ sông Hồng, sông Đuống thì sẽ làm cản trở nguồn cung cấp của nước sông cho nước dưới đất, do móng các nhà cao tầng sẽ làm thu hẹp không gian tích chứa nước.

Thứ hai, trong phát phát triển đô thị Hà Nội, cần phải xét đến điều kiện địa chất thuỷ văn, chú ý diện tích và chiều sâu phân bố tầng chứa nước Holocen và Pleisticen đang được khai thác sử dụng. Qua phân tích ở trên, tầng chứa nước Pleisticen đang khai thác sử dụng cấp nước có chiều sau 38 m kể từ mặt đất, tất cả các công trình móng cọc sâu quá 38 m đều làm thu hẹp thể tích, tích chứa nước, làm giảm trữ lượng tầng chứa nước. Đồng thời, cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá về tác động của các loại móng cọc của nhà cao tầng, công trình ngầm… gây tác động xấu đến chất lượng nước do công tác khoan, đào, nhất là công tác thi công khoan cọc nhồi gây ra.

Thứ ba, bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Đây là một giải pháp rất khả thi. Việc thực hiện giải pháp thu gom nước mưa từ các nhà cao tầng, đường phố, sân vận động, những khoảnh đất trống... thoát xuống tầng chứa nước, một mặt sẽ làm giảm thiểu úng ngập mặt đất, một phần nước đưa xuống tầng chứa nước sẽ lấp đầy khoảng không gian tầng chứa nước đã bị khô hạn. Giải pháp này đã được ứng dụng ở hầu khắp các quốc gia có điều kiện khí hậu, mưa nhiều tương tự như ở Việt Nam như: Vương Quốc Anh, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, Ấn Độ, Banglades, Nêpan, Hawaii…

Thứ tư, song song với làm quy hoạch thành phố, cần triển khai đề án điều tra chi tiết điều kiện địa chất thủy văn tại Hà Nội. Đồng thời làm rõ chi tiết chiều sâu phân bố các tầng chứa nước, vị trí có thể phát triển công trình ngầm mà không ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất. Kết quả đề án sẽ được một hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho Hà Nội xây dựng các dự án khai thác, sử dụng các nguồn nước một cách hợp lý và quy hoạch các công trình ngầm một cách phù hợp.

*

*            *

Có thể khẳng định, các tầng chứa nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự định cư của con người. Hiện nay, con người mới chỉ sử dụng 30% lượng nước mặt. Còn 70% là lượng nước ngầm lấy từ các tầng chứa nước. Bởi vậy, việc TP Hà Nội triển khai quy hoạch không gian phát triển đô thị ven sông Hồng và quy hoạch không gian ngầm phát triển giao thông và cơ sở dịch vụ đô thị cần chú ý khảo sát, đánh giá chính xác địa chất thủy văn, phát triển bền vững không gian nước ngầm.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)