Thứ tư, 25/05/2022 14:04

Chuyển đổi số trong ngành dịch vụ logistics: Thực trạng và kiến nghị chính sách

Mới đây, tại Hà Nội, Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự tài trợ của FNF Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp... Chủ đề của báo cáo thường niên kinh tế tế năm nay là “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại hội thảo là: Chuyển đổi số (CĐS) trong ngành dịch vụ logistics: Thực trạng và kiến nghị chính sách.

Thực trạng CĐS trong ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam

Theo các chuyên gia của VEPR thì CĐS trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. CĐS trong doanh nghiệp không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với sự thay đổi tư duy, chiến lược, chuẩn hóa quy trình kinh doanh và quy trình quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ CĐS là sự thay đổi của doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh, có thể đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh.

CĐS trong ngành dịch vụ logistics được nhìn nhận và tham khảo theo khung đánh giá năng lực CĐS của TM Forum và Bộ Chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp dùng chung trên toàn quốc theo Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 6 trụ cột chính và các tiêu chí cấu thành (1) Trải nghiệm số cho khách hàng, (2) Chiến lược, (3) Hạ tầng và công nghệ số, (4) Vận hành, (5) CĐS văn hóa doanh nghiệp, và (6) Dữ liệu và tài sản thông tin.

Các chuyên gia cho rằng, vai trò của CĐS trong hoạt động của ngành dịch vụ logistics, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vận tải là một trọng những động lực và công cụ quan trọng để các doanh nghiệp vận tải cung cấp dịch vụ hiệu quả. CĐS trong logistics mang lại nhiều hiệu quả trong hoạt động kiểm soát lô hàng, quản lý mạng lưới… Trong các hoạt động này, việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong công nghệ thông tin như blockchain và big data để phân tích, truy vết, lựa chọn các phương thức vận tải sẽ giúp cho việc thực hiện dịch vụ logistics hiệu quả hơn.

Đánh giá về thực trạng CĐS trong các doanh nghiệp logistics, báo cáo khẳng định, các doanh nghiệp tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm và đánh giá vai trò quan trọng của CĐS, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp một số rào cản và vấn đề khó khăn như: (1) Thiếu nhận thức về vai trò của CĐS; (2) Hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) chưa hoàn thiện; (3) Rủi ro khi triển khai công nghệ và quan tâm tâm đến lợi tức đầu tư; (4) Chi phí đầu tư CĐS cao; (5) Thiếu sự đảm bảo về an ninh mạng; (6) Hệ thống thông tin của doanh nghiệp không đồng nhất; (7) Thiếu nguồn lực đầu tư; (8) Thiếu sự phối hợp và cộng tác, chia sẻ; (9) Sự phản kháng của nhân viên và quản lý với những thay đổi do CĐS mang lại; (10) Thiếu năng lực CĐS và nhân lực có trình độ công nghệ thấp; (11) Thiếu nhận thức, tầm nhìn và chiến lược…

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp GTVT đã tăng trưởng trung bình 14-16% một năm. Các doanh nghiệp cung cấp dịch giao nhận, vận tải đang rất tích cực trong ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... vào công việc hàng ngày cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics, tìm cách hạ thấp chi phí logistics, qua đó nâng cao một bước năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các nhà xuất nhập khẩu trong và sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cũng cho rằng, các nhà quản lý doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm, đánh giá để đầu tư vào công nghệ phù hợp theo nhu cầu kinh doanh, đảm bảo sự hiệu quả trong việc thực hiện CĐS.

Doanh nghiệp có yêu cầu truy vấn cao với đa dạng thông tin như thông tin số hóa doanh nghiệp, năng lực vận tải, thị trường vận tải… đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cảng vụ hàng hải và hàng không. Hiện nay, thông tin về chính sách, luật pháp được đánh giá rất nhiều, và manh mún, không tập trung, có tính hệ thống dẫn đến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện đúng các quy trình yêu cầu.

Báo cáo của ban tổ chức tại Hội thảo khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu đều đánh giá cao ảnh hưởng của CĐS đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp với mức trung bình đánh giá đồng ý cho các tác động tích cực là 30%. Áp dụng CĐS đã làm gia tăng cơ hội được chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài, cải thiện sự hợp tác với các bên liên quan thông qua sự chia sẻ thông tin, tăng sự sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ "xanh", chống biển đổi khí khậu và giảm phát thải khí CO2, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động vận tải gia tăng.

Kiến nghị chính sách

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy quá trình CĐS trong ngành dịch vụ logistics, các chuyên gia của VEPR cho rằng, doanh nghiệp logistics cần có những kế hoạch hành động và chiến lược phù hợp, hiệu quả và nhanh chóng. Một số giải pháp vi mô, áp dụng với doanh nghiệp có thể thực hiện bao gồm:

Một là, doanh nghiệp phải có quy trình vận hành chuẩn; quyết tâm của ban lãnh đạo; giải pháp công nghệ phù hợp.

Hai là, cần có sự thay đổi đồng bộ và có sự tư vấn của chuyên gia và nhận thức của doanh nghiệp.

Ba là, có sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS và lựa chọn được lộ trình (roadmap) phù hợp với doanh nghiệp.

Bốn là, cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để đầu tư theo các lộ trình được hoạch định và tiến hành đánh giá tác động cũng như hiệu quả sau mỗi giai đoạn.

Từ góc độ quản lý nhà nước, để nâng cao hiệu quả CĐS trong ngành dịch vụ logistics, báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải. Theo đó, sửa đổi một số quy định, bổ sung về dịch vụ logistics và vận tải tại Luật Thương mại, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động Logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, giao hàng chặng cuối. Bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...

Thứ hai, có cơ chế và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển 3PL theo hướng “thông minh”: tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cơ chế về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ kết nối ứng dụng công nghệ thông tin…

Thứ ba, tái cấu trúc ngành dịch vụ logistics, trong đó thúc đẩy sự phát triển các loại hình logistics (3PL, 4PL, 5PL...) trong nước, xem đây là tiền đề phát triển thị trường logistics của Việt Nam. Những yếu tố nổi bật thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường logistics bên thứ 5 bao gồm sự gia tăng thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng hoạt động ngày càng hiệu quả. Hơn nữa, sự tiến bộ công nghệ và blockchain ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường logistics bên thứ 5.

Thứ tư, gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt khâu thủ tục hải quan và tại biên giới; tăng cường tổ chức, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ..., phát triển các cổng thông tin logistics, EDI, e-logistics...

Thứ năm, phát triển đa dạng các trung tâm phân phối thông minh tại các thành phố, đô thị lớn trên cả nước nhằm phục vụ thị trường bán lẻ, các trung tâm logistics gần các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong vận hành các trung tâm này.

Thứ sáu, áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, khuyến khích thuê ngoài logistics, điều chỉnh bổ sung luật, chính sách tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp logistics trong nước; triển khai các hệ thống EDI và hệ thống giao dịch không giấy tờ tại các điểm hải quan, cửa khẩu, cải cách hành chính và minh bạch các dịch vụ công...

Thứ bảy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành dịch vụ logistics, một mặt đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho ngành, mặt khác đẩy nhanh chương trình đào tạo các chuyên gia logistics có kỹ năng ứng dụng và triển khai các thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển, đáp ứng xu hướng toàn cầu cấu hóa và CĐS.

Thứ tám, cơ quan quản lý Nhà nước nên chú trọng vào việc phát triển hạ tầng số và nhân lực công nghệ thông tin, tăng cường khả năng EDI giữa các nền tảng, tăng cường quản lý và đầu tư về an toàn, an ninh mạng, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác số hóa với một quyết tâm cao độ (hỗ trợ tài chính, công nghệ, các nguồn lực khác…), với những sáng kiến như Trung tâm hỗ trợ - nơi tập trung các chuyên gia đầu ngành để cùng sát cánh cùng doanh nghiệp trong công cuộc CĐS. Có như vậy, công cuộc CĐS mới được triển khai một cách mạnh mẽ, hiệu quả trên diện rộng và thực sự trở thành một đòn bẩy cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Thu Hà

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)