Thứ năm, 07/04/2022 15:46

Thiết bị theo dõi và phát hiện sớm bệnh Parkinson

Mới đây, Viện Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard John A. Paulson và Viện Nghiên cứu Sinh học Wyss (Đại học Harvard, Mỹ) đã công bố dự án nghiên cứu công nghệ áp dụng cảm biến exosuit để đo độ căng cơ - MyoExo. Thiết bị đeo MyoExo giúp hỗ trợ theo dõi từ xa cho bệnh nhân Parkinson điều trị tại nhà và chẩn đoán sớm các dấu hiệu của bệnh.

MyoExo tích hợp nhiều cảm biến vào một thiết bị đeo có khả năng phát hiện những thay đổi nhỏ về độ căng, phồng cơ, cho phép đo lường và theo dõi các triệu chứng của bệnh Parkinson (ảnh: Oluwaseun Araromi).

Bệnh Parkinson đặc trưng bởi tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não sản xuất chất dẫn truyền thần kinh dopamine, có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động, bao gồm run cơ, cứng chân và khó đi lại. Hiện không có phương pháp chữa khỏi bệnh này, các phương pháp điều trị hiện tại cũng bị hạn chế do thiếu dữ liệu định lượng về sự tiến triển của bệnh.

Công nghệ MyoExo bao gồm một loạt các cảm biến được tích hợp vào một thiết bị có thể đeo được, mỗi cảm biến có khả năng phát hiện những thay đổi nhỏ về độ căng và phồng cơ. Bệnh Parkinson, đặc biệt ở giai đoạn sau, biểu hiện như một chứng rối loạn vận động, vì vậy, các cảm biến có thể phát hiện những thay đổi về hình dạng của cơ khi người bệnh di chuyển.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu khả quan của dự án MyoExo, các công ty dược phẩm có thể sử dụng dữ liệu đo được từ hệ thống để định lượng tác dụng của thuốc đối với các triệu chứng Parkinson. Các bác sỹ lâm sàng sẽ có thể xác định xem một chế độ điều trị có hiệu quả hay không và bệnh nhân có thể sử dụng thiết bị này để theo dõi quá trình điều trị của bản thân.

Bắc Lê (lược dịch theo Wyss Institute)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)