Thứ tư, 26/01/2022 11:28

10 nhà khoa học nổi bật của thế giới năm 2021

Cuối tháng 12 năm 2021, Tạp chí Nature đã công bố danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng quan trọng đến nền khoa học và công nghệ (KH&CN) thế giới. Đây là những nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với những khám phá mang tính đột phá, thu hút được sự chú ý của toàn xã hội.

Winnie Byanyima: Chiến binh vắc xin

Năm 1981, Byanyima tham gia một phong trào du kích đấu tranh để khôi phục dân chủ và nhân quyền cho quê hương của bà là Uganda và được bầu vào Quốc hội Uganda năm 1994. Với vai trò là người đứng đầu Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, bà luôn nỗ lực để bảo vệ sự bình đẳng trên toàn cầu. 

Năm 2020, bà Winnie Byanyima là một trong số ít người lên tiếng cảnh báo các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không thể chỉ dựa vào các khoản đóng góp để tiêm vắc xin cho người dân. Bà lập luận rằng, cách duy nhất để có vắc xin cho mọi người là giúp nhiều công ty sản xuất chúng và thiết lập hệ thống phân phối để đưa đến những nơi cần. Tuy nhiên, các công ty phát triển vắc xin như Pfizer - BioNTech và Moderna đã kiểm soát chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ (IP), các quốc gia giàu có thì nhanh chóng sử dụng hầu hết lượng vắc xin. Một số quốc gia hiện đang phân phối các mũi tiêm nhắc lại, trong khi chỉ có khoảng 6% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm một liều duy nhất.

Bà Winnie Byanyima là đồng sáng lập nhóm vận động Liên minh vắc xin nhân dân với chiến lược thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quyền lực bằng cách lập luận rằng, việc hỗ trợ công bằng vắc xin sẽ giúp các quốc gia này đạt được những mục tiêu mà họ đang theo đuổi. Nhờ chiến lược này, Mỹ mới đây đã đã tuyên bố từ bỏ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ xung quanh vắc xin điều trị Covid-19 với hy vọng sẽ tăng cường năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vắc xin.

Friederike Otto: Chuyên gia thời tiết

Bên cạnh công việc nghiên cứu tại Viện Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường (Vương quốc Anh), GS Friederike Otto đã thành lập tổ chức World Weather Attribution vào năm 2015 với mục đích phân tích liệu biến đổi khí hậu có góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không. Cô và nhóm nghiên cứu của mình đã phân tích vai trò của biến đổi khí hậu trong đợt nắng nóng ở phía tây bắc của Mỹ, trận lũ lụt kinh hoàng ở Đức và Bỉ (tháng 7/2021), đợt lạnh vào tháng 4/2021 ở Pháp và hạn hán dai dẳng ở Madagascar.

Kết quả các nghiên cứu của bà và nhóm nghiên cứu cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng đã làm cho một số thời tiết khắc nghiệt - đặc biệt là nắng nóng khắc nghiệt - thường xuyên hơn và khốc liệt hơn. Báo cáo này được đưa ra ngay trước Hội nghị lần thứ 26 của các bên (COP26) về hiệp ước biến đổi khí hậu toàn cầu, được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Các nghiên cứu về khí hậu thường ít được thực hiện ở Nam bán cầu - nơi  thiếu dữ liệu khí hậu đáng tin cậy và năng lực nghiên cứu của địa phương còn hạn chế. Nhưng đây là khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. GS Friederike Otto  hy vọng rằng các quốc gia có thu nhập thấp hơn sẽ có thể tăng cường các nghiên cứu  trong lĩnh vực này trong những năm tới, với sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có hơn.

Zhang Rongqiao: Nhà thám hiểm sao hỏa

Ngày 15/5/2021, ông Zhang Rongqiao đã rất xúc động khi tàu Tianwen-1 của Trung Quốc với sứ mệnh khám phá sao Hỏa hạ cánh an toàn xuống hành tinh đỏ, đánh dấu sự kết thúc chuỗi hành trình dài 475 triệu km đầy hiểm nguy của ông và Cơ quan Quản lý không gian quốc gia Trung Quốc.

Đây là 1 trong 3 sứ mệnh đến sao Hỏa của Trung Quốc trong năm 2021. Mục tiêu chính của Tianwen-1 là phát triển và chứng minh sức mạnh của Trung Quốc trong các sứ mệnh không gian sâu du hành bên ngoài Mặt trăng.

Được phóng vào ngày 23/7/2020, Tianwen-1 đến hành tinh đỏ vào tháng 2 và thả tàu đổ bộ và tàu thăm dò vào tháng 5. Hiện tại, tàu Tianwen-1 đang hướng tới khu vực có thể từng là bờ biển của một đại dương cổ đại, nơi các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm manh mối về sự tiến hóa của sao Hỏa.

Timnit Gebru: Nhà nghiên cứu về đạo đức của AI

Sau khi nghỉ việc tại Google, chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) đã thành lập một viện độc lập để đặt ra các câu hỏi về đạo đức trong công nghệ.

TS Timnit Gebru là một nhà nghiên cứu về đạo đức của AI với sự quan tâm đặc biệt về chống phân biệt người da đen trong AI và xung quanh những tác hại mà công nghệ này có thể gây ra cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Bà và nhà khoa học máy tính Joy Buolamwini đã nhận thấy, phần mềm nhận dạng khuôn mặt hoạt động kém hơn trong việc xác định giới tính của những người không phải là đàn ông da trắng - một phát hiện thu hút nhiều sự chú ý hơn đến sự thiên vị của AI.

TS Timnit Gebru gia nhập Google vào năm 2018, nơi bà đồng lãnh đạo nhóm AI của công ty với Margaret Mitchell. Họ đã tạo ra một môi trường làm việc hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu da màu tại công ty. Nhóm của bà đã nghiên cứu những tác hại tiềm ẩn của AI, giúp Google có cái nhìn sâu sắc hơn về những rủi ro xã hội của các sản phẩm công nghệ.

Tulio de Oliveira: Người theo dõi biến thể

Ngày 25/11/2021, Tulio de Oliveira - nhà tin sinh học ở Nam Phi thông báo đã phát hiện ra một biến thể mới của SARS-CoV-2. Omicron được phát hiện trong các mẫu lấy từ Botswana, Nam Phi và Hồng Kông (Trung Quốc) với gai đột biến có thể tránh được khả năng miễn dịch. Trước đó, việc nhóm của ông phát hiện ra biến thể beta đã khiến chính phủ nước ngoài hạn chế du lịch đến và đi từ Nam Phi nhiều tháng sau đó. Cả hai biến thể đều được phát hiện sau khi các bác sĩ và nhân viên phòng thí nghiệm nhận thấy sự gia tăng bất ngờ số ca lây nhiễm ở những khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Mặc dù biết rằng nếu báo cáo thêm một biến thể khác, Tulio de Oliveira có nguy cơ phải chịu các lệnh trừng phạt mới, khi các thông tin này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế ở các quốc gia ở miền nam châu Phi. Nhưng với anh, đây là việc làm đúng đắn bởi cách ngăn chặn đại dịch tốt nhất là hành động nhanh chóng.

Jeremy Farrar - Giám đốc Tổ chức từ thiện nghiên cứu y sinh Wellcome (trụ sở tại London) cho biết, việc xác định nhanh chóng 2 loại biến thể beta và omicron ở miền nam châu Phi đã củng cố tầm quan trọng của việc giám sát dịch bệnh trên toàn thế giới.

John Jumper: Người dự báo cấu trúc protein

John Jumper và các đồng nghiệp tại DeepMind ở London đã phát hành công khai phần mềm AlphaFold, sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để dự đoán cấu trúc protein với độ chính xác đáng kinh ngạc.

Protein là các chuỗi axit amin có thể xoắn và uốn cong thành nhiều hình dạng khác nhau. Hình dạng của protein sẽ xác định chức năng của hầu hết các quá trình sinh học quan trọng. Các nhà nghiên cứu có thể khám phá quy luật đằng sau những quá trình đó một khi đã hiểu cách thức protein hoạt động: cách insulin kiểm soát lượng đường trong máu, việc kháng thể chống lại corona virus cũng do cấu trúc protein quyết định.

Ông và nhóm của mình đã phát hành mã cơ bản của mạng, cũng như các cấu trúc dự đoán cho hầu hết các protein ở người và 20 sinh vật mô hình khác - tổng cộng là 250.000 cấu trúc. Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch công bố cấu trúc của gần một nửa tổng số protein đã biết - tổng cộng 130 triệu cấu trúc - vào năm 2022.

Hiện tại, một trong những dự án mà ông và nhóm nghiên cứu hào hứng nhất là bản đồ của phức hợp lỗ hạt nhân, một cỗ máy phân tử khổng lồ đóng vai trò là người gác cổng cho bộ gen của tế bào nhân chuẩn.

Victoria Tauli-Corpuz: Hậu vệ bản địa

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh, một số quốc gia giàu có và các tổ chức từ thiện đã cam kết cung cấp 1,7 tỷ USD để giúp các dân tộc bản địa trên khắp thế giới bảo tồn rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu bằng cách giữ các-bon trong thực vật và đất. Đó là một khoảnh khắc quan trọng đối với các nhóm Bản địa và phần lớn công lao được ghi nhận trong nhiều thập kỷ làm việc của bà Victoria Tauli-Corpuz, một nhà lãnh đạo Bản địa đến từ Philippines, người đã từng có 6 năm làm báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền của người Bản địa.

Bà Victoria Tauli-Corpuz đã dành nhiều năm đi khắp thế giới để thuyết phục các chính phủ, các nhà bảo vệ môi trường và các tổ chức từ thiện rằng người bản địa là những người quản lý rừng tốt nhất và đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn đa dạng sinh học. Hiện tại, bà đang tiếp tục làm việc với các cộng đồng bản địa trên khắp thế giới, giúp họ hiểu được quyền của mình và giá trị của vùng đất của họ. Bà cũng giúp các cộng đồng bản địa củng cố hệ thống quản trị riêng, điều này sẽ rất quan trọng khi họ tìm cách đề xuất các dự án và tiếp cận các quỹ quốc tế mới được cam kết.

Guillaume Cabanac: Người phát hiện gian lận

Guilaume Cabanac - một nhà khoa học máy tính người Pháp đã xây dựng một trang web để theo dõi vấn đề bài báo khoa học giả mạo đang mọc lên như nấm. Cuộc săn lùng các bài báo giả mạo của Cabanac bắt đầu vào năm 2015, khi anh bắt đầu cộng tác với TS Cyril Labbé - một nhà khoa học máy tính tại Đại học Grenoble Alpes (Pháp). TS Cyril Labbé đã phát triển một chương trình để phát hiện các bài báo khoa học máy tính vô nghĩa được tạo tự động bằng SCIgen, một phần mềm ban đầu được tạo ra như một trò đùa. Công việc của Labbé đã khiến các tạp chí rút hơn 120 bản thảo. Cabanac đã giúp cập nhật chương trình của Labbé để tìm các bài báo do SCIgen chỉ viết một phần và xác định vị trí của chúng bằng Dimensions - một công cụ tìm kiếm cho tài liệu học thuật. Năm nay, họ báo cáo đã tìm thấy thêm hàng trăm bài báo có chứa văn bản vô nghĩa, được xuất bản trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị và dưới dạng bản in trước.

Để nâng cao nhận thức, Cabanac và các đồng nghiệp của ông đã gửi email cho các nhà xuất bản và đăng những phát hiện của họ trên phương tiện truyền thông xã hội và trên PubPeer, một trang web bình duyệt sau khi xuất bản. Cabanac cũng tạo ra Problematic Paper Screener, một trang web để gắn cờ và báo cáo các bản thảo có vấn đề.

Cho đến nay, Cabanac và các đồng nghiệp  đã xác định chính xác gần 400 cụm từ bị sai lệch trong hơn 2.000 bài báo, bao gồm cả những bài báo trong các tạp chí của các nhà xuất bản nổi tiếng như Elsevier và Springer Nature.

Meaghan Kall: Nhà phát ngôn về Covid-19

Nhận thấy sự nhầm lẫn về các biến thể của coronavirus đang ngày càng gia tăng trên mạng, Meaghan Kall -  nhà dịch tễ học của Chính phủ Anh đã hoàn thiện một tài liệu tóm tắt về biến thể SARS-CoV-2 đang lây lan ở đông nam nước Anh đầu tháng 1/2021. Sau đó, cô đã đăng lên Twitter chia sẻ những điểm chính của báo cáo này mà không có sự cho phép của lãnh đạo.

Thông qua các dòng trạng thái được chia sẻ hàng ngày, cô đã trở thành gương mặt cung cấp nhiều câu trả lời sớm cho những câu hỏi nóng bỏng về Covid-19 vào năm 2021 cho chính phủ Anh. Meaghan Kall cho biết, một trong những mục tiêu chính của cô là cố gắng và đảm bảo mọi người được trao quyền và có quyền hiểu dữ liệu để đưa ra quyết định của riêng họ từ một nguồn thông tin đáng tin cậy.

Janet Woodcock: Nhà lãnh đạo bản lĩnh của ngành dược phẩm Mỹ

Chỉ vài ngày sau khi Joe Biden trở thành Tổng thống nước Mỹ, ông đã bổ nhiệm TS Janet Woodcock làm quyền ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Chẳng bao lâu, những lá thư được gửi về để ủng hộ quyết định này, một trong số đó được ký bởi 82 tổ chức vận động bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp ca ngợi khả năng lãnh đạo và sự tập trung của bà trong việc lồng ghép tiếng nói của bệnh nhân trong các quyết định phê duyệt thuốc.

TS Janet Woodcock là một cựu bác sỹ y khoa đã dành phần lớn sự nghiệp của mình tại FDA để điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Thuốc, nơi chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các loại thuốc an toàn và hiệu quả trước khi được phê duyệt vào thị trường. Bà đã giúp hiện đại hóa quy trình đánh giá thuốc của trung tâm, mở ra các thiết kế thử nghiệm lâm sàng tiên tiến và các con đường dẫn đến phê duyệt thuốc cùng với các xét nghiệm chẩn đoán phức tạp.

Bắc Lê (lược dịch theo Nature)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)