Thứ tư, 29/09/2021 09:28

Tiêm vắc xin Covid-19: Có nên tiêm trộn, rút ngắn thời gian tiêm giữa 2 liều và thay đổi đường tiêm?

Trần Đình Bình, Trần Thanh Loan

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế

Để thực hiện thành công chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung vắc xin khó khăn, nhiều chủng loại được sản xuất theo những công nghệ khác nhau, yêu cầu tiêm chủng bao phủ tỷ lệ cao…, các tác giả cho rằng, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm của vắc xin AstraZeneca đến 6 tuần, có thể tiêm trộn một số loại vắc xin (nếu thật sự không thể giải quyết được nguồn cung), nhưng tuyệt đối không thể thay đổi đường tiêm và liều lượng của một mũi tiêm nhằm đảm bảo hiệu lực bảo vệ của vắc xin.

Có tiêm trộn các loại vắc xin được không?

Hiện tại, các loại vắc xin Covid-19 được sản xuất theo các nhóm kỹ thuật khác nhau và cơ chế gây đáp ứng miễn dịch của cơ thể cũng khác nhau:

Vắc xin mRNA (Moderna, Pfizer): phân tử RNA được vắc xin này đưa vào để tổng hợp tế bào của cơ thể. Phân tử mRNA của vắc xin sẽ hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường virus sẽ tổng hợp loại protein này). Đến lượt protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại protein của virus.

Vắc xin protein (Abdala): thành phần của vắc xin này gồm các mảnh protein tinh khiết của virus SARS-CoV-2. Sau khi cơ thể được tiêm vắc xin, hệ miễn dịch sẽ ghi nhận protein này như một “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Vắc xin sẽ giúp tế bào nhớ nhận diện, tiêu diệt những tác nhân gây bệnh nếu bị tấn công trong tương lai.

Vắc xin vector (AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V): vắc xin được sản xuất dựa vào việc sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên (mã di truyền của vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 là các protein gai trên bề mặt của virus), khi được tiêm vào trong cơ thể, vắc xin sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng nguyên để kích hoạt đáp ứng miễn dịch.

Vắc xin virus bất hoạt (Vero cell, Hayat - Vax): thành phần của vắc xin này là virus SARS-CoV-2 bất hoạt (bằng nhiệt hay hóa chất) và được bổ sung hydroxit nhôm để tăng cường đáp ứng của hệ thống miễn dịch. Virus bất hoạt trong vắc xin được tiêm vào cơ thể, chúng kích thích các tế bào miễn dịch sản xuất các kháng thể tương ứng để sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Ngoại trừ vắc xin Johnson&Johnson được hướng dẫn tiêm một liều duy nhất, các loại vắc xin Covid-19 khác đều được hướng dẫn tiêm 2 liều cách nhau khoảng 3-4 tuần và riêng vắc xin AstraZeneca mũi tiêm lần 2 được hướng dẫn sau 8-12 tuần. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn cung vắc xin do ưu tiên cho các nhóm đối tượng cần tiêm chủng trược, do triển khai tổ chức tiêm chủng rộng rãi… mà có thể xuất hiện thiếu vắc xin cho mũi 2. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến và nghiên cứu về việc tiêm loại vắc xin khác cho mũi 2 (gọi là tiêm trộn vắc xin). Các nghiên cứu cho rằng, việc tiêm trộn 2 mũi vắc xin khác loại chỉ được khuyến cáo hạn chế, tốt nhất là 2 mũi vắc xin cùng loại. Việc kết hợp tiêm các loại vắc xin khác nhau có thể là giải pháp tình thế trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nguồn cung vắc xin đang ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng ở nhiều nước. Theo nguyên lý, các vắc xin sản xuất theo cùng loại kỹ thuật thì có tác động kích hoạt hệ thống miễn dịch tương tự, vì vậy một số loại vắc xin có thể tiêm mũi 1 loại này và mũi 2 loại khác. Còn về lâu dài, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn trên những nhóm lớn để tìm hiểu và đánh giá khả năng bảo vệ thực tế của mô hình tiêm kết hợp vắc xin này. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các quốc gia thận trọng khi quyết định tiêm kết hợp các vắc xin Covid-19, vì chưa đủ dữ liệu khoa học.

Tại Việt Nam, từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin, để tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2. Theo đó, nếu tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer hoặc Moderna; nếu tiêm mũi 1 vắc xin Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer và ngược lại. Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca sau 8-12 tuần (tại Quyết định số 3588 ngày 26/7/2021 và Công văn số 6030 ngày 27/7/2021).

Có nên thay đổi đường tiêm vắc xin?

Từ 20/9/2021, các bác sỹ ở Thái Lan được cho phép tiêm vắc xin Covid-19 vào dưới da, thay vì tiêm vào cơ bắp như trước đây nhằm tiết kiệm vắc xin. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, phương pháp tiêm mới này được tìm ra hồi tháng 8. Các bác sỹ có quyền lựa chọn áp dụng phương pháp tiêm mới hoặc tiếp tục tiêm bắp như hướng dẫn của nhà sản xuất. Một liều vắc xin có thể tiêm làm 5 mũi dưới da. Lý giải việc làm này, về phía chuyên môn và chiến lược tiêm chủng, một số ý kiến không đồng ý là: nhà sản xuất đã sử dụng đường tiêm là tiêm bắp, liều phổ biến là 0,5 ml vắc xin chứa đủ số đơn vị kháng nguyên (tùy theo loại vắc xin). Theo nghiên cứu, liều lượng này sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể để sản xuất kháng thể chống lại SARS-CoV-2 sau 10-14 ngày tiêm và nhà sản xuất cũng quy định khoảng thời gian tương đối cố định để tiêm mũi thứ 2 nhằm củng cố miễn dịch. Nếu sử dụng đường tiêm dưới da với liều nhỏ hơn thì khả năng kích hoạt đáp ứng miễn dịch có thể không xảy ra, như vậy mục tiêu của sử dụng vắc xin sẽ không đạt được. Việc thay đổi đường tiêm từ tiêm bắp đến tiêm dưới da có thể làm chậm quá trình khuếch tán thuốc vào cơ thể, duy trì sự hiện diện của vắc xin lâu dài hơn, tác động lâu hơn trên hệ miễn dịch. Vì vậy, việc giảm liều còn 1/5 để tiêm dưới da thay cho liều tiêm bắp 0,5 ml nhằm tiết kiệm vắc xin sẽ dẫn đến không đạt hiệu quả miễn dịch bảo vệ.

Có thể rút ngắn khoảng cách giữa mũi 1 và 2 không?

Dù đang có rất nhiều loại vắc xin phòng Covid-19 hiện nay, hầu hết đều cần 2 liều tiêm. Các nhà sản xuất đã nghiên cứu các mũi tiêm nhắc lại là rất cần thiết để đảm bảo miễn dịch bền vững. Vì vậy cần phải tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin và tuân thủ khoảng cách của mũi tiêm thứ hai để đạt được hiệu quả bảo vệ cao. Các vắc xin đều có khoảng cách 2 liều tiêm là 3-4 tuần, riêng vắc xin AstraZeneca có khoảng cách giữa liều tiêm thứ nhất đến liều tiêm thứ hai được khuyến cáo của nhà sản xuất là 8-12 tuần (2-3 tháng). Kết quả nghiên cứu cho thấy, liều vắc xin AstraZeneca thứ hai tiêm dưới 6 tuần thì có hiệu lực bảo vệ đối với người có triệu chứng là 55,1%; hiệu quả này tăng lên 59,9% khi khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 6-8 tuần; 9-11 tuần là 63,7% và từ 12 tuần trở lên thì lên đến 81,3%. Như vậy, rõ ràng nếu khoảng cách giữa 2 lần tiêm không đảm bảo khuyến cáo của nhà sản xuất thì hiệu quả bảo vệ của vắc xin được chứng minh là thấp...

Do yêu cầu bao phủ dân số đã được tiêm chủng trên 70% và với nhiều loại vắc xin được sử dụng, trong đó chủ yếu là vắc xin AstraZeneca. Đối với các loại vắc xin có khoảng cách giữa 2 liều tiêm 3-4 tuần thì ít bị ảnh hưởng, tuy nhiên khi sử dụng vắc xin AstraZeneca thì thời gian tiêm mũi 2 quá dài. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng có thể rút ngắn khoảng thời gian giữa 2 liều. Về mặt chuyên môn, việc rút ngắn khoảng cách này sẽ giảm hiệu lực bảo vệ của vắc xin hoặc hiệu quả không cao. Vì vậy, có lẽ nên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chúng ta nên duy trì khoảng cách 2 liều tiêm ít nhất là 8 tuần, không nên rút ngắn dưới 4 tuần. Bởi vì khi rút ngắn khoảng cách 2 liều, thì có thể nhanh chóng bao phủ tỷ lệ tiêm chủng, nhưng hiệu quả thấp, đó là một kiểu lãng phí và có thể nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm, diễn tiến nặng và tử vong vẫn có thể cao, mất thương hiệu của vắc xin.

Ngày 24/9/2021, trong tình hình diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, Bộ Y tế đã có ý kiến chỉ đạo, thống nhất cho phép người tiêm mũi 1 bằng loại vắc xin AstraZeneca sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 bằng vắc xin này hoặc Pfizer sau thời gian tối thiểu là 6 tuần. Như vậy là vừa rút ngắn được khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm, vừa thực hiện tiêm trộn vắc xin, giúp TP Hồ Chí Minh nhanh chóng tiêm chủng Covid-19 đạt tỷ lệ bao phủ cao để chuyển hoạt động của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung sang trạng thái bình thường mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. M. Voysey, et al. (2021), “Single dose administration and the influence of the timing of the booster dose on immunogenicity and efficacy of ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) vaccine: a pooled analysis of four randomised trials”, The Lancet397(10277), pp.881-891.

2. P.M. Folegatti, et al. (2020), “Safety and immunogenicity of the ChAdOx1 nCoV-19 vaccine against SARS-CoV-2: a preliminary report of a phase 1/2, single-blind, randomised controlled trial”, The Lancet, 396(10249), pp.467-478.

3. M.N. Ramasamy, et al. (2021), “Safety and immunogenicity of ChAdOx1 nCoV-19 vaccine administered in a prime-boost regimen in young and old adults (COV002): a single-blind, randomised, controlled, phase 2/3 trial”, The Lancet396(10267), pp.1979-1993.

4. M. Voysey, et al. (2021), “Safety and efficacy of the ChAdOx1 nCoV-19 vaccine (AZD1222) against SARS-CoV-2: an interim analysis of four randomised controlled trials in Brazil, South Africa, and the UK”, The Lancet, 397(10269), pp.99-111.

5. Trần Thanh Loan và cộng sự (2019), Miễn dịch học cơ bản, Nhà xuất bản Đại học Huế.

6. Bộ Y tế (2021), Quyết định 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

7. Bộ Y tế (2021), Quyết định 1467/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022.

8. https://baomoi.com/can-luu-y-gi-khi-tiem-ket-hop-2-loai-vaccine-Covid-19/c/4030 9223.epi?

9. https://thanhnien.vn/the-gioi/thai-lan-chia-nho-lieu-vac-xin-de-tiem-duoi-da-14531 83.html.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)