Thứ sáu, 27/08/2021 10:25

Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai

 “Việt Nam số hóa: con đường đến tương lai” là báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/8/2021. Theo đó, với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt khoảng 4,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (6,5%). Theo các chuyên gia của WB thì, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do COVID-19 gây ra đã đẩy nhanh sự trỗi dậy của kinh tế số. Báo cáo của WB cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới.

Triển vọng tích cực nhưng nhiều rủi ro cao

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả bên trong và bên ngoài do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và đã lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4/2021. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khu vực công nghiệp với tốc độ khoảng 8%, nhờ mở rộng sản xuất chế biến, chế tạo. Ngược lại, khu vực dịch vụ vẫn chưa quay lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch, một phần do khu vực này nhạy cảm với các biện pháp hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Về triển vọng, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7,0% từ năm 2022 trở đi. Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng, đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới. Trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ. Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các dự án này hiện đang gặp những khó khăn ban đầu do các hạn chế đi lại liên quan đến đợt bùng phát dịch, nhưng dự kiến sẽ được triển khai hết tốc lực trong quý IV. Các cấp có thẩm quyền cũng cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7, mặc dù kết quả triển khai có tốt hay không còn phụ thuộc vào phạm vi của gói hỗ trợ và khả năng tiếp cận của những người lao động bị mất việc làm. Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, dự báo của WB giả định rằng quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra đảm bảo duy trì nhu cầu cao đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.

Mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, nhưng có những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội cần xử lý, bao gồm:

Một là, những hệ quả xã hội của đại dịch. Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động và các hộ gia đình đã trở nên trầm trọng hơn sau đợt bùng phát dịch tháng 2 và tháng 4/2021. Đại dịch không chỉ làm giảm thu nhập của người lao động mà còn tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn do có tác động khác nhau đến các nhóm thu nhập, ngành nghề, giới và địa bàn. Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng cường các chương trình đảm bảo xã hội, phạm vi bao phủ, đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ nhằm đảm bảo những nạn nhân hiện tại và tương lai của cú sốc kinh tế và dịch bệnh nhận được sự hỗ trợ đầy đủ.

Hai là, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Mặc dù tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu cung cấp sự hỗ trợ đáng khích lệ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính. Cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch. Đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).

Ba là, cảnh giác với rủi ro tài khóa. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa (tỷ lệ nợ công trên GDP khoảng 55,3% vào cuối năm 2020), nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt bùng phát dịch hiện nay không sớm được kiểm soát hoặc các đợt dịch mới lại nổ ra trong những tháng tiếp theo. Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa (vốn còn khiêm tốn đến thời điểm này), trong khi thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng. Tại thời điểm này, rủi ro tài khóa vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng cần tiếp tục được theo dõi sát sao, đặc biệt là vì rủi ro này liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhà nước, dễ trở thành nợ tiềm tàng.

Kinh tế số: lộ trình với ba hành động

Nếu chúng ta tin vào sức mạnh dự báo của thị trường tài chính, thì công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Trong năm vừa qua, giá trị của một số công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng COVID-19, rõ ràng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có uy thế về công nghệ số, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện mong muốn tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Việt Nam coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 (ảnh: WB).

Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành nền kinh tế số tiên tiến. So sánh với một số quốc gia tương đương và đi trước chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia được kết nối tốt nhất trên thế giới, nhất là khi xét đến mức thu nhập với tỷ lệ sử dụng thiết bị di động, internet cao, các công cụ và nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) được các doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều. Việt Nam cũng đã có sự hiện diện của một số tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đi sau ở một số khía cạnh: kỹ năng, tài chính, môi trường pháp lý (trong đó có tiếp cận và an ninh dữ liệu sẽ gây cản trở việc tận dụng tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng).

Để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần tiến hành một lộ trình với ba hành động:

Hành động thứ nhất: nâng cao kỹ năng số. Người lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số và phân bố kỹ năng không đồng đều có thể gia tăng bất bình đẳng. Tỷ lệ người lao động có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp, chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống. Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tìm kiếm và giữ chân các chuyên viên phân tích dữ liệu, lập trình viên và chuyên viên mô hình hóa giỏi ngày càng khó. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự bất định về yêu cầu của việc làm trong tương lai, sự phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân có thể giúp xác định và dự báo những kỹ năng nào sẽ có nhu cầu cao nhất. Việt Nam có thể cân nhắc năm phương án bổ trợ cho nhau: i) bồi dưỡng những tài năng trẻ về công nghệ số thông qua chương trình học bổng quy mô lớn để chuẩn bị cho sinh viên ở giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sẵn sàng trước thời đại số (giống như Indonesia đã làm); ii) xây dựng các chương trình kết hợp phát triển kỹ năng liên quan đến kinh tế số với tài trợ và cố vấn cho các doanh nhân số (như tại Singgapore); iii) đưa công nghệ vào giáo dục từ các giai đoạn đầu (như tại Hà Lan); iv) thu hút nhân tài từ những kiều bào đang tham gia các lĩnh vực số khắp thế giới (như tại Philippines và Pháp); v) khuyến khích phát triển kỹ năng mềm cho người lao động, như kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, truyền thông, làm việc nhóm, sáng tạo, và quản lý (bằng cách đào tạo cho giảng viên trong các lĩnh vực trên và sửa đổi chương trình học).

Hành động thứ hai: bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo. Để duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc. Chu kỳ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) ngắn nghĩa là công nghệ trong ngành này có thể được phát minh, thử nghiệm và ứng dụng nhanh hơn nhiều so với các ngành công nghệ khác, chẳng hạn công nghệ y học. Cũng vì lẽ đó, CNTT&TT có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời. Ngày nay, hầu hết hỗ trợ của Chính phủ đều hướng vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, thay vì tạo điều kiện thuận lợi để lan tỏa, áp dụng và thích ứng công nghệ mới của các doanh nghiệp. Để tái cân bằng chính sách trên, Chính phủ có thể i) hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt đối với các công ty có năng lực công nghệ cao bằng cách triển khai thực hiện những hiệp định thương mại tự do khu vực thông qua gần đây; ii) cải thiện chính sách cạnh tranh và việc triển khai thực hiện chính sách; iii) thúc đẩy khởi nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ trong ngành công nghệ số với các hỗ trợ có mục tiêu để tạo điều kiện tiếp cận tài chính, thông tin và phát triển kỹ năng tốt hơn.

Hành động thứ ba: đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh. Nhiều lợi ích của một nền kinh tế ảo có thể được xác định bằng khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin mà các công cụ số mới mang đến cho người dùng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt kết quả thấp về tiếp cận thông tin do Chính phủ cung cấp. Hơn nữa, khả năng lưu động dữ liệu, khả năng trao đổi và sử dụng dữ liệu còn hạn chế, cho dù Chính phủ đã ra mắt cổng thông tin dữ liệu nội bộ vào giữa năm 2020. Chính phủ cần có các giải pháp cân bằng giữa quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu số, đồng thời học hỏi kinh nghiệm các quốc gia khác trong khu vực cũng đang từng bước chuyển từ giảm bớt chủ nghĩa bảo hộ dữ liệu sang tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nhóm chuyên gia của WB

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)