Bản báo cáo dài 3.949 trang đã được phát hành cùng với bản “tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách” dài 42 trang. Ngay cả khi các nhà khoa học soạn thảo báo cáo tỏ ra thận trọng với các đánh giá của mình thì những gì đang diễn ra cũng đã nhấn mạnh thực tại khốc liệt của việc BĐKH. Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trên khắp châu Âu và Trung Quốc; những trận hạn hán đáng báo động khởi đầu bằng các trận cháy rừng lớn ở miền Tây nước Mỹ và Canada. Một trong những nơi lạnh nhất trên hành tinh - Siberia đã trải qua nắng nóng nghiêm trọng và cháy rừng… Đáng tiếc là hầu như tất cả những điều này đã xảy ra do tác động của con người. IPCC chỉ ra rằng, các tác động tổng hợp từ hoạt động của con người đã làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên khoảng 1,10C so với mức trung bình cuối thế kỷ XIX. Sự đóng góp vào quá trình nóng lên toàn cầu của các yếu tố tự nhiên, chẳng hạn như mặt trời và núi lửa, được ước tính là gần bằng 0. Theo báo cáo, trên thực tế, con người đã thải đủ khí nhà kính vào bầu khí quyển để đốt nóng hành tinh thêm 1,5°C, nhưng ô nhiễm hạt mịn từ nhiên liệu hóa thạch mang lại hiệu ứng làm mát bớt và giảm bớt một phần tác động.
Hai mươi năm trước, các nhà nghiên cứu không thể liên kết trực tiếp một sự kiện thời tiết cụ thể với sự thay đổi khí hậu do con người tạo ra, có nghĩa là không thể biết mối liên quan của một cơn bão hay một đợt nắng nóng cụ thể gắn với việc nhiệt độ ấm lên của Trái đất. Nhưng ngày này, mọi việc đã khác, các nhà khoa học có nhiều dữ liệu quan sát hơn (các phép đo nhiệt độ và các dữ liệu khác từ các thiết bị trên đất liền, trong đại dương và trong không gian) giúp dự đoán chính xác hơn về những gì đang xảy ra. Các mô hình máy tính mô phỏng khí hậu cũng đã được cải thiện đáng kể đã đem lại cho các nhà khoa học nhiều sức mạnh hơn. Các nghiên cứu liên quan có thể được thực hiện trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau sự kiện. Đơn cử như đợt nắng nóng chết người bao trùm bờ biển phía tây Bắc Mỹ vào tháng 6 vừa qua đã có bằng chứng xác thực về trách nhiệm của con người. World Weather Attribution - một nhóm nghiên cứu quốc tế cho biết, chỉ cần vài ngày sau khi nắng nóng bùng phát để kết luận rằng nhiệt độ bất thường sẽ “gần như không thể xảy ra” nếu không có BĐKH. Báo cáo của IPCC đã khẳng định một số điểm chính sau:
BĐKH hiện đang là một thực tế của cuộc sống hiện đại - và nó sẽ còn tồi tệ hơn: năm 2019, nồng độ CO2 trong khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 2 triệu năm qua và nồng độ khí mêtan và nitơ oxit (cả 2 đều là những khí nhà kính cơ bản), cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua. Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1970 so với bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm qua. Ví dụ, nhiệt độ trong thập kỷ gần đây nhất (2011-2020) vượt quá nhiệt độ ấm áp của nhiều thế kỷ gần đây nhất trong khoảng 6.500 năm trước. Báo cáo khẳng định: Mọi khu vực có con người sinh sống trên toàn cầu đều chứng kiến sự gia tăng của các đợt nắng nóng, mưa lớn hoặc hạn hán. Hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các sông băng kể từ năm 1990, sự tan chảy của băng ở Greenland và sự suy giảm của lớp tuyết phủ ở Bắc bán cầu kể từ năm 1950 - Không một nơi nào trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm carbon khủng khiếp do con người gây ra.
Mực nước biển dâng sẽ xảy ra nhanh hơn, thảm khốc hơn: trong thập kỷ qua, các nhà khoa học về khí hậu đã có những quan điểm bi quan hơn về mực nước biển dâng, và những quan điểm đó được phản ánh trong báo cáo này. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng, các đại dương sẽ dâng cao hơn so với dự kiến. Các dòng sông băng trên núi và ở các vùng cực sẽ tiếp tục tan chảy trong nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế kỷ, trong khi việc mất đi lượng carbon vĩnh cửu do tan băng là không thể đảo ngược khi xem xét trong khoảng thời gian một nghìn năm. Mực nước biển trung bình toàn cầu có thể tăng đến 2 m vào năm 2100 và 5 m vào năm 2150.
Con người vẫn còn cơ hội tuy rất nhỏ: sau khi đưa ra các kịch bản cho tương lai, báo cáo cho khẳng định, việc cắt giảm lượng khí thải mạnh mẽ, nhanh chóng và rộng rãi, bắt đầu từ bây giờ có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu vào sau năm 2050. Tuy nhiên để đạt được điều này sẽ cần chi phí khổng lồ và đặc biệt là những cam kết và ý chí chính trị thống nhất của các nhà lãnh đạo trên toàn cầu - điều mà gần như là không thể đạt được.
Thu Phương
Tài liệu tham khảo
1. https://news.un.org/en/story/2021/08/1097362.
2. https://www.ipcc.ch/report/ar6/wg1/.