Thứ năm, 05/08/2021 13:37

Tổ chức quản lý chương Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030

Ngày 18/6/2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng đã ký ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BKHCN về việc Hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Chương trình). Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 2/8/2021 và thay thế Thông tư 09/2013/TT-BKHCN ngày 15/3/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị tham gia Chương trình

Nguyên tắc quản lý Chương trình của Thông tư 06/2021/TT-BKHCN được thực hiện theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia, thực hiện, quản lý Chương trình.

Thông tư được ban hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, đơn vị nhất là các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Theo đó, một số biểu mẫu, quy định đã được đơn giản hóa, một số nội dung mới có tính đột phá đã được đưa vào Thông tư và được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đồng tình như: “Sau khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và thời gian thực hiện nhiệm vụ, doanh nghiệp được triển khai các nội dung thuộc kinh phí đối ứng ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án”.

Bên cạnh đó, nội dung phân công trách nhiệm đơn vị quản lý nhiệm vụ (Cục Ứng và và Phát triển công nghệ) và đơn vị quản lý kinh phí (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia) theo hướng thống nhất một đầu mối và đơn giản hóa thủ tục cho các đơn vị tham gia. Cụ thể, đơn vị quản lý nhiệm vụ sẽ chủ trì các khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp, thẩm định kinh phí, tổ chức đấu thầu, đánh giá, nghiệm thu; đơn vị quản lý kinh phí phối hợp thực hiện các nội dung trên và chủ trì quản lý kinh phí chương trình, xác nhận kinh phí, cấp kinh phí, kiểm tra định kỳ, điều chỉnh kinh phí và thanh quyết toán nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ thuộc Chương trình

Nhiệm vụ thuộc Chương trình bao gồm các nhiệm vụ KH&CN, nhiệm vụ triển khai định kỳ nhằm hỗ trợ phát triển đổi mới công nghệ. Cụ thể:

1. Nhiệm vụ xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, gồm các đề tài, dự án, đề án: xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia; xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp; tổ chức đào tạo và hỗ trợ đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho doanh nghiệp; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ và thúc đẩy hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp.

2. Nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường, gồm các đề tài, dự án: nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính năng, chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN để tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ, giải mã các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới công nghệ; triển khai ứng dụng các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm.

3. Nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, gồm các dự án: tiếp nhận, chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, chiếm lĩnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số, khai thác dữ liệu công nghệ và chuyên gia công nghệ.

4. Nhiệm vụ đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, gồm các dự án: Ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn; đổi mới công nghệ trong phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức KH&CN.

5. Nhiệm vụ triển khai định kỳ nhằm hỗ trợ phát triển đổi mới công nghệ như điều tra, đánh giá, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng, trình độ và năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nhu cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ…; xây dựng mạng lưới tư vấn kết nối tự động; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, phục vụ đổi mới công nghệ; tổ chức các hoạt động truyền thông về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, tôn vinh, khen thưởng và các hoạt động hợp tác quốc tế trong ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Nguyên tắc lựa chọn nhiệm vụ

Nhiệm vụ phải đáp ứng mục tiêu, nội dung của Chương trình và các tiêu chí của đề tài, dự án. Kết quả của nhiệm vụ có tác động tích cực tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực, ngành, lĩnh vực. Nhiệm vụ triển khai có tính khả thi, trong đó tổ chức chủ trì có năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, tài chính hoặc chứng minh được khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện được nhiệm vụ.

Quy định tổ chức xác định và phê duyệt nhiệm vụ

Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ theo biểu mẫu của Chương trình; đề xuất đặt hàng được gửi trực tiếp, trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và các đơn vị chức năng tổng hợp, rà soát trình Lãnh đạo Bộ đưa ra hội động xác định nhiệm vụ.

Quy định về xác định và phê duyệt nhiệm vụ thực hiện theo các văn bản hướng dẫn đối với nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia tại Thông tư số 03/2017/TT-BKHCN ngày 3/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.

Thùy Dương

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)