Tổ chức bộ máy đầy đủ
Để năng suất trở thành ưu tiên quốc gia hàng đầu, một hệ thống chính sách phù hợp phải được thiết lập để thực hiện một PTNSQG toàn diện. Hệ thống này nên được sắp xếp như thế nào tùy thuộc vào bản chất chính trị, năng lực hành chính, sự năng động của khu vực tư nhân, cấu trúc xã hội, tư duy phổ biến và những yếu tố riêng biệt khác của mỗi quốc gia. Trong quá trình công nghiệp hoá, Nhật Bản đã phát triển một lớp dày các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy năng suất.
Trong hệ thống tổ chức bộ máy, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) là bộ chịu trách nhiệm và Cơ quan Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và Đổi mới sáng tạo vùng của Nhật Bản (SMRJ) thuộc METI chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quốc gia cho DNVVN. Cũng có rất nhiều bộ máy hỗ trợ tại các tỉnh và thành phố phối hợp với các cơ quan quốc gia. Hơn thế nữa, có rất nhiều tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các DNVVN và hỗ trợ các ngành, như ngân hàng địa phương, tổ chức tín dụng, hiệp hội công nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận về kinh doanh, các trường đại học và viện nghiên cứu. Về mặt nhân lực, Nhật Bản cũng có rất nhiều chuyên gia công nghiệp có kinh nghiệm (nhưng đã có tuổi) sẵn sàng làm việc với mức phí thấp vì mục đích chung.
Rất khó để Việt Nam xây dựng một hệ thống chính sách đầy đủ như của Nhật Bản trong thời gian ngắn. Vào thời điểm ban đầu, Việt Nam nên hình thành một hệ thống đơn giản hơn và dần dần đưa vào thêm các chức năng bổ sung khi đã có kinh nghiệm và sẵn có về ngân sách. Ở mức độ tối thiểu, phải có một tổ chức chính sách cấp cao chỉ đạo và giám sát chính sách nâng cao năng suất. Việt Nam nên thành lập Hội đồng Năng suất Quốc gia do Lãnh đạo Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên là lãnh đạo các bộ/ngành có liên quan. Cơ chế này sẽ phát huy tác dụng tích cực cho các mục đích hoạch định chính sách.
Về mặt thực thi, Việt Nam cần một cơ quan có thẩm quyền và năng động để thực hiện và giám sát các chính sách do Hội đồng Năng suất quốc gia quyết định. Có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án cho việc này: (1) Củng cố và nâng cấp Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), để trở thành cơ quan thực thi PTNSQG (điều này đòi hỏi phải tăng cường đáng kể năng lực của VNPI và nâng cao vị thế chính thức của VNPI); (2) Tạo ra một cơ quan mới do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo để thay thế (và tiếp nhận các chức năng hiện tại) của VNPI; (3) Thành lập một cơ quan mới thuộc một bộ (việc lựa chọn bộ nào cần được xem xét kỹ lưỡng) nhưng có đủ thẩm quyền để thực hiện một phong trào toàn quốc và điều phối các bộ, cơ quan liên quan, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo và cung cấp các chuyên gia công nghiệp có năng lực, có kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam, là những người có thể truyền đạt các kiến thức cơ bản cho các công ty, công nhân và các chuyên gia mới của Việt Nam một cách hiệu quả. Các chuyên gia được đào tạo phải được khuyến khích đúng cách để tham gia thực hiện các nhiệm vụ đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam trong một thời gian dài. Để tạo ra các chính sách và nguồn nhân lực cần thiết này, sự hợp tác của các tổ chức Nhật Bản như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC), Hiệp hội Tư vấn quản lý DNVVN Nhật Bản (J-SMECA)… sẽ rất hữu ích.
Thúc đẩy PTNSQG
Qua nghiên cứu PTNSQG của Nhật Bản, có thể rút ra một số đặc điểm và bài học cho Việt Nam:
Thứ nhất, PTNSQG của Nhật Bản không chỉ là một hoặc hai dự án kéo dài trong một vài năm mà nó là một gói chương trình toàn diện với nhiều thành phần, đòi hỏi nỗ lực nhất quán trong vài năm trở lên. PTNSQG của Nhật Bản cũng bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy, đây là giai đoạn đầu tiên và thường là khó khăn nhất.
Kinh nghiệm này của Nhật Bản cho thấy, Việt Nam cần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của năng suất đối với lợi ích của bản thân cũng như đối với quốc gia; tiếp theo là các chuyên gia hướng dẫn cải thiện năng suất tại chỗ cho tổ chức, doanh nghiệp. PTNSQG chỉ có thể đi đến thành công khi mà số lượng người thực hành cải thiện năng suất trong nước tăng mạnh ở tất cả các ngành và khu vực, đất nước có thể duy trì phong trào mà không cần sự giúp đỡ của nước ngoài và thậm chí bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia khác. Để tạo ra PTNSQG, Việt Nam cũng đã có Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa qua các giai đoạn. Đây rõ ràng không phải là một vài dự án rời rạc, tuy nhiên, điều quan trọng cần hướng đến là hiệu quả thực sự của Chương trình phải là tạo ra nền tảng thúc đẩy năng suất trong các tổ chức/doanh nghiệp nói riêng, quốc gia nói chung một cách bền vững, phát huy nội lực, không phụ thuộc vào bên ngoài.
Thứ hai, lãnh đạo quốc gia cao nhất (thường là Thủ tướng) có sự cam kết và tham gia mạnh mẽ vào PTNSQG của Nhật Bản. Ngoài cam kết từ lãnh đạo cao nhất, khát vọng quốc gia của mọi thành viên: Chính phủ, doanh nhân, kỹ sư, công nhân, học sinh và ngay cả những công dân bình thường có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy PTNSQG của Nhật Bản.
Đặc điểm này của PTNSQG của Nhật Bản cho thấy, đối với Việt Nam chính sách về năng suất là một sự pha trộn chính sách phức tạp và sẽ gặp phải các vấn đề chính trị, hành chính, tài chính và cả kỹ thuật trong quá trình tiến hành. Những vấn đề này không thể giải quyết được trừ khi lãnh đạo cấp cao nhất đích thân giám sát quá trình thực hiện. Lãnh đạo cấp bộ hoặc dưới cấp bộ không thể giải quyết được những khó khăn đòi hỏi sự hợp tác liên bộ. Từ những cam kết và hành động cụ thể, thiết thực của lãnh đạo cao nhất sẽ tạo ra khát vọng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng hướng đến mục tiêu chung là đưa năng suất lao động quốc gia ngày càng tiệm cận với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, không chỉ là nhận thức, cam kết của lãnh đạo cao nhất, PTNSQG của Nhật Bản còn được tạo nên bởi hệ thống chính sách phù hợp với ngân sách và nhân lực để hỗ trợ thực hiện ở tất cả các giai đoạn. Đối với bất kỳ chính sách nào, Chính phủ Nhật Bản có thể hỗ trợ trực tiếp cho khu vực tư nhân bằng cách cung cấp các dịch vụ khác nhau thông qua các cơ sở và nhân viên Chính phủ, hoặc gián tiếp bằng cách đặt ra các mục tiêu, định hướng, quy tắc... và chỉ dẫn các công ty thông qua ưu đãi và trợ cấp.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, ở một quốc gia với năng lực khu vực tư nhân còn hạn chế như Việt Nam thì nên bắt đầu bằng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp, dần dần chuyển sang các biện pháp gián tiếp khi khu vực tư nhân mở rộng và trở nên cạnh tranh hơn. Ngay cả ở Nhật Bản, nghệ thuật đưa ra các ưu đãi và trợ cấp cũng phải được học hỏi bằng cách so sánh các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất. Các phương pháp tiêu chuẩn bao gồm giảm thời gian nộp và/hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ (đặc biệt) và các nghĩa vụ thuế khác cũng như cung cấp các khoản vay mềm và trợ cấp trực tiếp, miễn là các doanh nghiệp đáp ứng một số điều kiện nhất định như đầu tư, đào tạo, công nghệ, xuất khẩu hoặc công nghệ thông tin truyền thông.
Thứ tư, để tạo ra PTNSQG, Nhật Bản đã tạo ra một số lượng lớn các công cụ và tài liệu thực hành từ việc học hỏi một cách tốt nhất, sau đó tạo ra một mô hình mới phù hợp nhất với thực tiễn trong nước thông qua chọn lọc, điều chỉnh và kết hợp với các thành phần nước ngoài. Những công cụ này có thể được thực hiện bởi các cơ quan thực thi năng suất hoặc có thể được thuê ngoài từ các viện và trung tâm riêng biệt, bao gồm: các thông tin và phân tích hữu ích để tạo lập một mô hình và tiêu chuẩn quốc gia; giáo trình, chương trình và những tài liệu chuẩn khác; chương trình đào tạo công nhân…
Kinh nghiệm này của Nhật Bản có thể áp dụng cho Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tạo ra các công cụ về PTNSQG như: i) Các khẩu hiệu, biểu tượng, áp phích... để nâng cao nhận thức; ii) Tạo dựng các tài liệu giảng dạy được chuẩn hóa, bao gồm chương trình đào tạo, khóa học, giáo trình, sách hướng dẫn, giáo cụ trực quan, nội dung điện tử, chương trình video, phim và các câu chuyện mô tả thành công của các doanh nghiệp và cá nhân; iii) Một hệ thống giáo dục và đào tạo ở cấp trung ương và địa phương dạy cả lý thuyết và thực hành cho các nhà quản lý, công nhân, sinh viên... và một hệ thống đào tạo cao hơn cho các giảng viên của họ; iv) Các hội thảo, bài giảng, hội nghị chuyên đề, lễ kỷ niệm và các sự kiện công khai khác được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo quốc gia và khu vực cũng như các chuyên gia năng suất; v) Cuộc thi giành giải thưởng năng suất ở cấp quốc gia, khu vực, ngành và thậm chí là doanh nghiệp để tôn vinh và thúc đẩy những con người và hành động xuất sắc…
*Nội dung của bài viết được trích từ một phần của sách chuyên khảo: Ohno Kenichi, Nguyễn Đức Thành, Phạm Thị Hương (2021), Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990-2020, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.