Tiền điện tử pháp định và sự khác biệt so với tiền mã hóa
Tiền điện tử pháp định là hình thức điện tử của tiền pháp định, dùng để chỉ các loại tiền tệ được các quốc gia, tổ chức phát hành tiền thông thường phát hành nhưng chỉ tồn tại dưới hình thức điện tử/kỹ thuật số (lưu trữ trong thẻ ATM, ví điện tử, tài khoản ngân hàng...) chứ không tồn tại dưới dạng vật lý. Thông thường, tiền điện tử pháp định có giá trị trao đổi ngang bằng 1-1 với tiền giấy pháp định thông thường.
So với các loại tiền mã hóa đang nổi lên trong thời gian gần đây như đồng Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), DigiByte (DGB)..., tiền điện tử pháp định có sự tương đồng và khác biệt như sau:
Về tính đảm bảo: đây là đặc điểm khác biệt cơ bản của tiền điện tử pháp định so với tiền mã hóa. Tiền điện tử pháp định do chính phủ phát hành và đảm bảo quyền sở hữu, giá trị và sự lưu hành… bằng những chế định pháp luật cụ thể. Đây là đặc điểm mà tiền mã hóa chưa có cho đến thời điểm này.
Về bảo mật: tiền điện tử pháp định tương tự như tiền mã hóa, tức là sử dụng lưu trữ dữ liệu phi tập trung trên nền tảng của blockchain, mã hóa theo chuỗi và khi mã hóa có sự kế thừa. Do đó, tiến trình ghi nhận giao dịch là liên tục và không thể sửa chữa.
Về bảo vệ môi trường và tiêu hao năng lượng: ở đặc điểm này thì tiền điện tử pháp định vượt trội hoàn toàn so với tiền mã hóa. Do được chính phủ bảo trợ nên hệ thống máy tính sẽ hoạt động vừa đủ với công suất cần thiết. Còn đối với tiền mã hóa, do phải trả thu nhập/trả thưởng cho các máy tính tham gia hệ thống (quá trình đào - mining) với phần thưởng cố định theo thời gian. Do đó, khi các máy tính (máy đào) tham gia hệ thống càng nhiều và càng tăng tốc độ xử lý thì xác suất nhận thu nhập/phần thưởng ngày càng giảm. Điều này đồng nghĩa với việc công suất vô công của cả hệ thống ngày càng lớn, gây lãng phí năng lượng.
Về tính ẩn danh: tiền điện tử kế thừa một phần của tiền mã hóa, đó là tính ẩn danh của hai bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, chính phủ của một quốc gia sẽ nắm quyền quản lý thông qua ngân hàng trung ương, nghĩa là chính phủ có quyền truy cập, nắm rõ thông tin chính danh của những giao dịch này và điều chỉnh những hành vi phạm pháp như mua bán hàng cấm, rửa tiền, sử dụng tiền giả…
Về thanh toán: tiền điện tử pháp định hay tiền mã hóa đều có thể thanh toán không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, có thể thực hiện việc chuyển tiền trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp... Hiện nay, việc chuyển tiền truyền thống ra nước ngoài cần phải qua nhiều thủ tục và thời gian (thường từ 1 đến 8 ngày làm việc) với phí xử lý tương đối cao. Chính phủ cũng có quy định cụ thể về hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài đối với mỗi đối tượng cụ thể.
Hiệu quả về mặt chính sách và phát hành của tiền điện tử
Về mặt thanh toán: tiền điện tử pháp định đã tạo ra một mô hình thanh toán và thanh toán liên ngân hàng hoàn toàn mới, có thể tối ưu hóa chức năng thanh toán; nếu nó được tích hợp hiệu quả với các công cụ tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, thị trường vốn..., tiền điện tử của ngân hàng trung ương phát hành sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả không chỉ đối với nhà nước mà còn đối với các đơn vị trung gian như ngân hàng, các tổ chức tín dụng...
Về chính sách tiền tệ: lãi suất tiền điện tử của ngân hàng trung ương có thể trở thành một công cụ chính sách tiền tệ mới. Ngân hàng trung ương có thể thông qua việc điều chỉnh lãi suất tiền điện tử để điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thương mại.
Về phát hành: chi phí phát hành tiền điện tử sẽ ít hơn nhiều lần chi phí in ấn, bảo quản, vận chuyển và phát hành tiền mặt. Đồng thời cũng giảm thiểu rất nhiều nhân viên kiểm đếm, gói buộc cũng như các công việc hậu kỳ của tiền mặt như kiểm tra, lập biên bản thu hồi những tờ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và quy trình tiêu hủy. Việc phát hành hay thu hồi cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, khi có lệnh phát hành, gần như tức thời các ngân hàng thương mại có ngay tiền để chi dùng. Ngân hàng trung ương giữ vai trò phát hành và đưa ra lưu thông, duy trì sự tồn tại và tính trung lập của toàn hệ thống.
Hiện trạng tiền điện tử pháp định trên thế giới
Đồng e-Euro sắp phát hành
Đồng e-Euro sẽ được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng quốc gia. Đồng e-Euro sẽ không thay thế tiền mặt, mà tồn tại song song với hệ thống tiền mặt.
Báo cáo về đồng e-Euro của ECB (tháng 10/2020) cho thấy, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đang thay đổi nhanh chóng do cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo đó, những người trẻ tuổi ở châu Âu sử dụng thanh toán điện tử ngày càng nhiều, tuy nhiên họ vẫn lo ngại về vấn đề bảo mật, bao gồm cả đảm bảo sự riêng tư cho người sử dụng và tốc độ kết nối, sự ổn định của kết nối. ECB cũng cho biết e-Euro được phát hành để thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, do đó đồng tiền này phải theo kịp tốc độ với công nghệ hiện đại mọi lúc, để giải quyết tốt nhất các nhu cầu liên quan đến thị trường. Bên cạnh đó là khả năng sử dụng thuận tiện, tốc độ, chi phí hiệu quả. Mục đích phát hành e-Euro là để góp phần giảm bớt giao dịch tiền mặt nên nó phải thực hiện được các giao dịch thanh toán mà không cần kết nối mạng. Ngoài ra, nó phải dễ sử dụng cho cộng đồng thiểu số như người già, người khuyết tật; hoàn toàn miễn phí cho các giao dịch cơ bản trong cuộc sống của người dân và đảm bảo quyền riêng tư. Trong tương lai, đồng e-Euro phải từng bước trở thành đồng tiền thay thế cho đồng tiền Euro vật lý hiện tại trên nhiều lĩnh vực: là phương tiện trao đổi và là phương tiện để tích trữ (để dành, tiết kiệm…). Muốn vậy, cần phải đảm bảo việc cung cấp thanh toán điện tử cho các ngân hàng trung ương nước ngoài hoặc các cá nhân, tổ chức nằm ngoài khu vực châu Âu. Công dân châu Âu phải có thể sử dụng đồng tiền e-Euro ở bất kỳ đâu trên mạng thanh toán điện tử toàn cầu...
Kế hoạch phát hành đồng e-Euro là một bước tiến quan trọng của Liên minh châu Âu trong việc hình thành môi trường thanh toán không dùng tiền mặt và không phụ thuộc vào mạng internet. Châu Âu cũng có tham vọng rất lớn về việc phổ biến e-Euro ra toàn cầu.
Thử nghiệm tiền điện tử của Trung Quốc
Theo thông tin từ cổng thông tin Tencent QQ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đợt thử nghiệm thứ hai của đồng tiền Nhân dân tệ điện tử (e-CNY) đang được triển khai ở 6 thành phố của Trung Quốc. Trong quá trình thử nghiệm, e-CNY chưa có giới hạn nào trong việc sử dụng. Tuy nhiên, trong tương lai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có những dự kiến về giới hạn sử dụng như giới hạn tổng số tiền chi tiêu trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày hoặc miễn phí cho những giao dịch nhỏ và không lặp lại, tính phí cho những giao dịch lớn hoặc lặp lại. Dự kiến sẽ có 4 mức/loại ví khác nhau, mỗi loại ví có giới hạn số tiền giao dịch hàng ngày, hàng năm và các giới hạn tương ứng.
Về đặc điểm kỹ thuật và phát hành, đồng e-CNY được phát hành trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên nó khác với blockchain truyền thống là tất cả các máy thành viên ngang hàng chứa sổ cái - dữ liệu lưu trữ quá trình giao dịch - đều thuộc quyền quản lý của chính phủ. Mỗi đồng e-CNY đều được gắn số thứ tự (serial number) tương tự như trên tiền giấy/polymer và có mệnh giá tương ứng. Như vậy, trên mỗi ví sẽ có lưu trữ cụ thể số tờ giấy bạc, serial tờ giấy bạc từ đó suy ra tổng số tiền. Tiền lẻ phát hành và lưu trữ như tiền xu, chỉ có số lượng đồng xu theo mệnh giá và không có số serial.
Về ví điện tử, cũng như các ví điện tử khác, ví điện tử e-CNY là một app được cài đặt vào điện thoại di động của người dùng, có bảo mật bằng mật khẩu, chỉ sử dụng khi có internet, thực hiện các thao tác quét QR Code của người nhận tiền và nhập số tiền cần trả như các ví điện tử khác. Ví điện tử có định danh người sử dụng.
Về ví cứng, được thử nghiệm ở Thượng Hải, sử dụng công nghệ NFC (Near-Field Communications, tạm dịch: công nghệ kết nối trường gần), là một giao thức kết nối giữa hai thiết bị điện tử ở khoảng cách gần. Thanh toán bằng cách quẹt thẻ trên thiết bị quẹt thẻ tín dụng của người nhận tiền/người bán/người cung cấp dịch vụ, việc thanh toán không yêu cầu các thao tác phức tạp và không cần mang theo điện thoại thông minh, không cần internet, mật khẩu để thanh toán. Việc chuyển tiền từ ví điện tử vào ví cứng hoặc từ ví cứng vào ví điện tử sẽ thao tác trên điện thoại thông minh thông qua kết nối bluetooth hoặc NFC. Và như vậy, khi mất ví cứng nghĩa là mất tiền, ai cũng có thể sử dụng được, ví cứng không có định danh với người dùng.
Quá trình thanh toán bằng ví cứng và thiết bị thanh toán tích hợp bằng công nghệ NFC, không cần kết nối internet (nguồn: www.new.qq.com)
Trung Quốc đã thử nghiệm e-CNY ở nhiều địa phương khác nhau để xác định tính ổn định và độ tin cậy của đường truyền và hệ thống. Đồng thời qua đó cũng thử nghiệm nhiều loại ví khác nhau ở trong những khu vực nhỏ khác nhau. Trong thời gian tới, với tham vọng lớn, Trung Quốc sẽ tiếp tục thử nghiệm e-CNY liên kết với các quốc gia khác, hiện đã có Thái Lan và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA) đồng ý tham gia kế hoạch tiền điện tử toàn cầu của Trung Quốc.
Liên hệ đối với Việt Nam
Từ xu thế và thực tiễn trên thế giới, chúng tôi cho rằng, các vấn đề về kỹ thuật, pháp lý, tính chất và lợi ích trong việc nghiên cứu để phát hành đồng tiền điện tử pháp định ở Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chín muồi. Cụ thể:
Về kỹ thuật, nền tảng blockchain đã được chứng thực qua quãng thời gian dài và qua một số lượng khổng lồ (hơn một triệu đồng tiền mã hóa đã phát hành) đã cho thấy tính ổn định và đảm bảo của kỹ thuật blockchain. Do đó, đồng tiền điện tử pháp định hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ blockchain để phát triển.
Về pháp lý và tính chất của đồng tiền điện tử pháp định do các quốc gia, khu vực đã nghiên cứu và thử nghiệm bước đầu đã có những thành công, chúng ta có nhiều cơ hội để kế thừa.
Về lợi ích, rất nhiều lợi ích đã được nêu trên. Các vấn đề về mong muốn toàn cầu hóa các đồng tiền điện tử pháp định trong quá trình thử nghiệm vẫn luôn được đặt ra, vì sự tiện lợi trong thanh toán của nó. Nếu chúng ta không khẩn trương có đối trọng với các đồng tiền điện tử pháp định trong khu vực thì chúng ta có thể bị lấn lướt trong thanh toán ở khu vực biên giới.
Như vậy, cần khẩn trương nghiên cứu về đồng tiền điện tử pháp định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành (e-VND). Về chính sách cho đồng e-VND, xin được đề xuất như sau:
Nghiên cứu và xây dựng cụ thể các khái niệm
Như đã nêu ở trên, hiện nay trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về tiền điện tử. Việc dịch/chuyển ngữ sang tiếng Việt cũng tạo nên nhiều tranh luận. Hiện tồn tại hai cách hiểu về tiền điện tử như sau: (1) Tiền điện tử tương đương với tiền ảo, tiền mã hóa, (2) Tiền điện tử là công cụ thanh toán điện tử và là một loại tiền tệ.
Với sự tồn tại hơn 10 năm của Bitcoin và những giá trị mà nó đang nắm giữ, lần đầu tiên tiền điện tử được tồn tại với định danh là “Crypto Currency” hay “Cryptocurrency” - tiền mã hóa. Trên thực tế, các đồng tiền (coin) này và ngay cả Bitcoin cũng không thể định nghĩa là tiền điện tử do nó hoàn toàn không có sự kiểm soát và đảm bảo của nhà nước.
Đối với định nghĩa tiền điện tử pháp định là công cụ thanh toán điện tử và là một loại tiền tệ, đặc điểm tiên quyết là phải chịu sự quản lý của chính phủ. Tiền điện tử pháp định hoàn toàn đáp ứng tốt hơn khi mà các giao dịch có thể diễn ra không cần internet và không cần có tài khoản ngân hàng. Các công cụ thanh toán điện tử đang sử dụng như chuyển khoản online, quét thẻ ATM/thẻ tín dụng hay các ví điện tử như MoMo, Viettel Pay… cũng đều phải xoay quanh đồng tiền gốc là Đồng Việt Nam thông qua tài khoản ngân hàng. Thế nên khái niệm Tiền điện tử pháp định là một loại tiền tệ và là công cụ thanh toán điện tử là hợp lý.
Đối với tiền mã hóa
Đối với tiền mã hóa như Bitcoin, Pi... quan điểm của phần lớn các quốc gia trên thế giới trong đó có nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và ngay cả Liên minh châu Âu cũng không thừa nhận nó là một phương tiện thanh toán, một loại tiền tệ hay tài sản. Các quy định hiện nay ở Việt Nam cũng giống vậy. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm sở hữu, cho tặng hay tìm kiếm (đào để sở hữu). Các quy định này là tương đối đầy đủ, tạm thời có thể tiếp tục sử dụng. Điều bất cập là định nghĩa trong hệ thống pháp luật đang gộp chung tất cả các loại hình đều là tiền ảo, về vấn đề này hy vọng sẽ được hoàn thiện và giải quyết khi có các kết quả nghiên cứu của các bộ/ngành theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Đối với tiền điện tử pháp định
Tiền điện tử pháp định do ngân hàng trung ương của quốc gia hay khu vực phát hành, có đầy đủ các đặc điểm và tính chất của tiền giấy/tiền polymer/tiền xu thông thường và có nhiều tiện ích vượt trội, do đó, đây là hình thức tiền tệ cần phát triển trong tương lai.
Theo pháp luật về ngoại hối, nếu đồng tiền điện tử pháp định của một quốc gia hay khu vực được nhà nước, chính quyền công nhận và sử dụng rộng rãi sẽ trở thành ngoại tệ của Việt Nam. Trong trường hợp đó, các giao dịch liên quan đến tiền điện tử pháp định đó trên lãnh thổ Việt Nam với tư cách là tiền pháp định của một quốc gia/khu vực khác sẽ phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Như vậy, trong tương lai gần, hệ thống luật pháp Việt Nam cần sớm nghiên cứu và ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi này. Nếu chậm trễ, với sự thuận lợi của việc sử dụng tiền điện tử pháp định, người dân tại khu vực biên giới với các quốc gia lân cận mà quốc gia đó có sử dụng tiền điện tử pháp định sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng nó. Các đề xuất cụ thể như sau:
Một là, đối với đồng tiền điện tử pháp định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành với những đặc tính tương đương các đồng tiền điện tử pháp định khác đang thử nghiệm (e-Euro, e-CNY...), rất cần nghiên cứu và sớm đề ra khung pháp lý cho vấn đề này. Khi được thừa nhận là tiền tệ, nó sẽ đương nhiên trở thành tài sản trong pháp luật dân sự và phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hai là, cần nghiên cứu và sớm đề ra khung pháp lý cho việc thừa nhận đồng tiền điện tử pháp định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là tiền, vì các lý do cấp bách sau đây: (i) là cơ sở cho việc nghiên cứu và phát hành đồng tiền điện tử do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành; (ii) là cơ sở cho việc quy định tổ chức và người dân Việt Nam trong việc sở hữu ngoại tệ dưới dạng đồng tiền điện tử. Tổ chức nào, người dân nào được phép tạo ví để chứa ngoại tệ dưới dạng đồng tiền điện tử, các quy định về giao dịch...; (iii) quy định của pháp luật Việt Nam với ngân hàng trung ương phát hành đồng tiền điện tử trong việc truy vết giao dịch, thanh toán.