Đầu tư của nhà nước đối với dịch vụ y tế
Dịch vụ y tế bên cạnh các dịch vụ như giáo dục, vận tải, điện, nước, văn hoá thông tin… là dịch vụ công thiết yếu, phục vụ đời sống của nhân dân và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước. Cho đến hiện nay, vai trò của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ y tế nói riêng và các dịch vụ công nói chung đã chuyển từ hình thức bao cấp và độc quyền sang xã hội hóa cung ứng dịch vụ công; thực hiện sự công bằng và bình đẳng giữa các chủ thể cung ứng và đối tượng thụ hưởng. Dịch vụ y tế, hệ thống y tế của Việt Nam đã được xây dựng và phát triển từ cấp Trung ương, Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương, đến các tỉnh, huyện, xã đều có một mạng lưới các tổ chức về các dịch vụ phòng và chữa bệnh.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước luôn xác định ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực y tế, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho y tế cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước, đổi mới trong cơ chế phân bổ ngân sách y tế, trong đó 20% ngân sách y tế được sử dụng để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Trong giai đoạn 2008-2018, tỷ trọng đầu tư y tế trong tổng mức đầu tư của nhà nước có xu hướng giảm dần. Năm 2008, đầu tư nhà nước cho y tế là 7.799,5 tỷ đồng chiếm 7,38% tổng mức đầu tư nhà nước, là tỷ trọng lớn nhất trong giai đoạn 2008-2018. Năm 2018, đầu tư nhà nước cho y tế là 11.232,7 tỷ đồng (chiếm 4,01% tổng mức đầu tư nhà nước).
Dịch vụ y tế còn nhiều bất cập và bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực
Kết quả khảo sát của PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thanh (Chủ nhiệm đề tài KX.01.14/16-20) và cộng sự cho thấy, hiện nay nguồn ngân sách đầu tư cho dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế như cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, số giường bệnh không đủ so với nhu cầu bệnh nhân. Đội ngũ bác sỹ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn tới sự quá tải của các bệnh viện công. Nguyên nhân cơ bản được đánh giá của thực trạng này là do sự phân bổ ngân sách nhà nước chưa hợp lý với 75,0% số người được hỏi đồng ý. Việc ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện tuyến huyện hạn chế cũng chưa thực sự khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ bệnh viện ở tuyến dưới. Thực trạng này đòi hỏi nhu cầu đổi mới và cần có các cơ chế phân bổ tài chính hợp lý hơn cho các bệnh viện, làm thế nào để việc phân bổ kinh phí dựa trên hoạt động thực chất của bệnh viện, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ y tế tuyến dưới.
Dịch vụ y tế còn nhiều bất cập và bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.
Báo cáo tóm tắt của đề tài KX.01.14/16-20 khẳng định: chúng ta đã có nhiều chính sách đối với y tế từ các chính sách vĩ mô dành cho các cơ sở y tế, các đơn vị cung ứng dịch vụ y tế đến các chính sách đầu tư trực tiếp cho bệnh nhân. Nhà nước đã nỗ lực trong việc tạo ra một môi trường y tế tương đối tốt cho cả các đơn vị lẫn bệnh nhân. Tuy nhiên, trong thực hiện các chính sách đầu tư hiện nay vẫn có nhiều sự khác biệt giữa các chủ thể y tế cung ứng dịch vụ y tế công lập và ngoài công lập. Sự tiếp cận các nguồn lực của các chủ thể cung ứng dịch vụ có phần hạn chế. Đối với người dân (là người được thụ hưởng các chính sách đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực y tế mặc dù hiện nay) thì khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế tương đối dễ dàng nhưng trong thực tế thụ hưởng người bệnh vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng với các dịch vụ y tế nhất là đối với tuyến Trung ương. Các đơn vị cung ứng dịch vụ y tế ngoài công lập chưa có cơ hội tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, nguồn nhân lực một cách thuận lợi như các đơn vị cung ứng dịch vụ y tế công lập. Các tổ chức cung ứng dịch vụ y tế ngoài công lập hiện nay đều phải tự tìm kiếm và khai thác các nguồn lực, ngược lại các đơn vị công lập (được Nhà nước đầu tư gần như toàn bộ các nguồn lực). Các đơn vị y tế công lập được Nhà nước đầu tư hoàn toàn do vậy việc tiếp cận về nguồn lực đất đai của các đơn vị công lập tương đối thuận tiện. Đối với các cơ sở ngoài công lập, họ phải tự tìm kiếm các nguồn lực để phát triển cơ sở y tế và một trong những khó khăn rất lớn đó là nguồn lực về đất đai. Hầu hết các cơ sở y tế ngoài công lập đều thuê các địa điểm làm trụ sở làm việc.
Bên cạnh đó, người dân có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế từ tuyến cơ sở, huyện, tỉnh và Trung ương một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong việc thụ hưởng các dịch vụ y tế tại tuyến Trung ương có phần khó khăn hơn các tuyến tại địa phương. Tuy người dân đã có bảo hiểm y tế, nhưng khi lên tuyến Trung ương điều trị, nhiều khoản chi trả tương đối cao vẫn nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế và nằm ngoài khả năng chi tiêu của người dân, do đó việc thụ hưởng dịch vụ y tế tuyến Trung ương hiện nay của người dân còn nhiều hạn chế.
Đổi mới mô hình đầu tư theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển
Mục tiêu của hệ thống y tế nước ta hướng tới là công bằng, hiệu quả và phát triển. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta không thể phát triển mô hình hệ thống y tế dựa hoàn toàn vào thị trường, do thị trường quyết định hay mô hình dựa hoàn toàn vào bao cấp của nhà nước mà chúng ta phải lựa chọn một sự kết hợp giữa nhà nước và thị trường để vừa đảm bảo được tính công bằng đối với tiếp cận dịch vụ y tế của mọi người dân, đồng thời tạo được động lực cho các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ y tế tự hoàn thiện mình, cạnh tranh với nhau để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí khám chữa bệnh và người dân được tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của mình một cách tiện lợi nhất.
Theo nhóm nghiên cứu của đề tài, đối với cơ chế đảm bảo tài chính cho các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, cần thực hiện theo hướng đồng chi trả “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước thực hiện tài trợ có mục tiêu, chỉ cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản để mọi người dân có cơ hội tiếp cận, còn các dịch vụ khác nên theo nguyên tắc đồng chi trả. PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thanh cho rằng, để đảm bảo công bằng cho mọi người dân trong đó có nhóm người thiệt thòi, nghèo khổ không đủ kinh phí cho việc khám và điều trị bệnh tật, cơ cấu tài chính cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tài trợ của chính phủ (có mục tiêu) + Phúc lợi công ty + Chi phí của cá nhân và gia đình. Phấn đấu để chi phí y tế hộ gia đình giảm xuống còn khoảng 10-20% tổng chi tiêu y tế (hiện nay là gần 60%).
NVT