Phát huy hơn nữa nguồn lực của kiều bào
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu cho biết: “Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban, hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn. Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng (là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam) đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới mà một số gương mặt điển hình chính là các diễn giả tham gia Hội thảo ngày hôm nay”.
Thứ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội thảo.
Việc đưa startup Việt ra thế giới tiếp cận với các hệ sinh thái phát triển trên thế giới cũng như việc thu hút các chuyên gia, trí thức, kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, với vai trò “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ” Ủy ban Nhà nước về NVONN đã phối hợp cùng nhiều bộ ngành và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ mở đường cho việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam thông qua nhiều sự kiện như: diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” (San Francisco, Hoa Kỳ, tháng 12/2017) và “Diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” (TP Hồ Chí Minh, tháng 6/2018)… Năm 2019, TECHFEST Quốc tế tại Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên tổ chức cũng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư ở tại các quốc gia này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định: “Những hoạt động trên là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ nắm bắt được thực trạng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp ĐMST, đưa các giải pháp này về Việt Nam và hỗ trợ cho Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam”.
Xây dựng Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Quốc gia
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong những năm gần đây, thông qua việc Thực hiện Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với sản phẩm, giải pháp ĐMST đã bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh được năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận; nhiều doanh nghiệp, chuyên gia có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cũng đã quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam và tạo được những tác động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa sự tham gia của trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với khởi nghiệp ĐMST trong nước thì cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống.
Tọa đàm tại Hội thảo.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung 1 số trọng tâm hoạt động trong việc triển khai Đề án 844 tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Sửa đổi Quyết định số 844 (Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025), cụ thể là cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST trong nước nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong nước mở rộng thị trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận vốn nguồn lực, nguồn trí tuệ của toàn cầu. Đồng thời, Mạng lưới cũng sẽ lắng nghe phản hồi từ kiều bào để kiến nghị các giải pháp góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi phát triển doanh nghiệp, tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam.
Để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, tại Hội thảo, Ban điều hành Đề án 844 và Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho việc tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, người Việt tại nước ngoài và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, với hai định hướng chính: 1) thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; 2) sự hợp tác giữa 2 bên sẽ là đòn bẩy giúp thu hút và thúc đẩy vai trò, sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước.
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Uỷ ban Nhà nước về NVNONN và Ban điều hành Đề án 844.