Một vài nét về Hiệp ước Budapest
Hiệp ước Budapest được ký tại Budapest (Hungary) ngày 28/4/1977, được sửa đổi ngày 26/9/1980. Tính đến tháng 6/2021, có 85 quốc gia/vùng lãnh thổ trong tổng số 193 quốc gia/vùng lãnh thổ thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đang là thành viên của Hiệp ước Budapest và 48 cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế được đặt tại 26 quốc gia trên toàn thế giới.
Mục đích chính của Hiệp ước Budapest là nhằm đảm bảo sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế nào. Sự công nhận này tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao tính bảo mật cho việc nộp lưu chủng vi sinh, theo đó người nộp lưu chỉ cần nộp mẫu chủng vi sinh một lần tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế đặt tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên Hiệp ước.
Việc gia nhập Hiệp ước Budapest có ý nghĩa quan trọng đối với việc khuyến khích đầu tư và nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học của các nước nói chung, Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ sinh học hiện đang được xem là một trong những trụ cột chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh của thế giới.
Quyền lợi khi tham gia Hiệp ước Budapest
Khi trở thành thành viên của Hiệp ước Budapest, Việt Nam có thể được hưởng các quyền sau:
Thứ nhất, được tham gia Hội đồng các nước thành viên Hiệp ước Budapest và được đóng góp ý kiến khi xem xét lại các quy định của Hiệp ước, sửa đổi, bổ sung quy chế thi hành thông qua phiếu biểu quyết.
Thứ hai, có cơ hội thành lập cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế đặt tại lãnh thổ của nước ta và được các quốc gia thành viên Hiệp ước Budapest công nhận, qua đó giúp phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp của mình, đặc biệt là bảo hộ các sáng chế liên quan đến công nghệ sinh học.
Thứ ba, cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam (Cục Sở hữu trí tuệ) có thể yêu cầu cung cấp mẫu và các thông tin cần thiết của bất kỳ chủng vi sinh nộp lưu từ bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế nào bằng ngôn ngữ giao dịch chính thức của mình, không mất phí, nhằm tiến hành các thủ tục liên quan đến sáng chế một cách hiệu quả, đặc biệt là trong công tác thẩm định nội dung đơn sáng chế.
Thứ tư, người nộp đơn đăng ký sáng chế, trong đó có người Việt Nam khi nộp lưu mẫu chủng vi sinh chỉ cần nộp lưu tại một cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế duy nhất tại bất kỳ nước nào, và chỉ nộp khoản phí nộp lưu một lần, người nộp lưu được ghi nhận ngày nộp lưu, được công nhận việc nộp lưu chủng vi sinh và được chứng nhận về khả năng tồn tại và phát triển của chủng vi sinh nộp lưu đó. Thông tin về việc nộp lưu chủng vi sinh sẽ được bảo mật bởi cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế.
Người nộp đơn sáng chế về công nghệ sinh học gặp khó khăn ở thủ tục nộp lưu mẫu vật liệu sinh học được sử dụng để tạo ra sáng chế đó. Cụ thể là, theo pháp luật của nhiều nước trong đó có Việt Nam, để được coi là đã bộc lộ đầy đủ một sáng chế về công nghệ sinh học, ngoài bản mô tả thể hiện bằng văn bản, người nộp đơn phải nộp lưu mẫu vật liệu tại cơ quan có thẩm quyền lưu giữ vật liệu sinh học.
Hiệp ước Budapest giúp đơn giản hóa thủ tục nộp lưu chủng vi sinh cho người nộp đã giải quyết vấn đề nêu trên. Theo đó, người nộp lưu chỉ cần nộp mẫu chủng vi sinh một lần tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế đặt tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên Hiệp ước, và kết quả việc nộp lưu chung này phải được công nhận bởi tất cả các quốc gia thành viên.
Trước sự cần thiết và lợi ích của việc gia nhập Hiệp ước Budapest, đồng thời để thực hiện cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ngày 29/1/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-CP về việc gia nhập Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế. Ngày 1/3/2021, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Budapest và từ ngày 1/6/2021, Hiệp ước Budapest bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam.
Nguyễn Hạnh