Thứ năm, 08/07/2021 10:27

Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội ở Việt Nam

Những năm gần đây, nghiên cứu lý luận về phát triển xã hội đã trở thành chủ đề được nhiều nhà khoa học quan tâm. Các nhà nghiên cứu tập trung làm rõ khái niệm “phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội”, chỉ ra một số mô hình phát triển trên thế giới và đề xuất một số phương hướng cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phát triển xã hội được coi là phát triển lĩnh vực xã hội trong một tổng thể kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Phát triển xã hội xét đến cùng là phát triển con người, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa các giai tầng xã hội, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Đây cũng chính là những kết quả nổi bật mà đề tài nghiên cứu cấp nhà nước: “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam”, mã số KX.01.23/16-20 do PGS.TS Nguyễn Đức Chiện (Viện Xã hội học  - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chủ trì thực hiện.

Nhận diện tổ chức phi lợi nhuận

Khái niệm tổ chức phi lợi nhuận chưa được thống nhất ở Việt Nam với nhiều cách hiểu khác nhau. Trong nhiều trường hợp, các tổ chức này đồng nghĩa với “các tổ chức tự nguyện”, “các tổ chức cộng đồng”, “các doanh nghiệp xã hội”, và thậm chí “các tổ chức phi chính phủ”. Theo nhóm nghiên cứu của đề tài KX.01.23/16-20, “phi lợi nhuận” là đặc điểm chung của tất cả các tổ chức này. Các tổ chức phi lợi nhuận có thể tạo ra lợi nhuận và cần có lợi nhuận, nhưng toàn bộ lợi nhuận đó phải dùng để đầu tư cho các hoạt động của tổ chức chứ không phải chia cho các thành viên, hay sử dụng cho người sáng lập hoặc người có quyền kiểm soát tổ chức đó. Nguyên tắc này yêu cầu các tổ chức không phân chia lợi nhuận cho các thành viên mà sử dụng vì các muc tiêu xã hội. Hiện nay, khi đề cập tới tổ chức phi lợi nhuận, người dân còn nhắc đến các tổ chức phi chính phủ ngoài nước và nhiều tổ chức hoạt động thiện nguyện ở cộng đồng. Trên thực tế, còn nhiều loại hình tổ chức phi lợi nhuận khác, nhưng không được công nhận hoặc biết đến. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một khung pháp lý/chính sách cho các tổ chức phi lợi nhuận, và đương nhiên các tổ chức này gặp nhiều khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động.

Nhà nước và doanh nghiệp đều không khắc phục được những “khuyết tật của thị trường”. Doanh nghiệp do mục tiêu lợi nhuận nên chỉ làm những gì khi có lợi nhuận, và không muốn đầu tư cho xã hội nếu không đem lại lợi nhuận. Nhà nước có thể phần nào khắc phục được khuyết tật này thông qua đầu tư công, thu thuế và phân phối lại nguồn lực, song nhà nước không có khả năng giám sát hoạt động của khu vực tư nhân cũng như không đáp ứng được hết các nhu cầu đặc thù của các nhóm dân cư trong phát triển xã hội, nhất là ở cấp vi mô. Vì vậy, các tổ chức phi lợi nhuận có thể đáp ứng được vai trò này.

Tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam: thực trạng qua kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Đức Chiện - Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho thấy, có đến 87% người dân biết hoặc từng nghe đến các dự án hay tổ chức phi lợi nhuận, gần 82% cho biết địa phương của họ đã có các hoạt động phi lợi nhuận hỗ trợ cho người dân, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nghiên cứu cho thấy kết quả nổi bật qua khảo sát thực tế như sau:

Vai trò phát triển cộng đồng: hỗ trợ người nghèo về vốn, kinh nghiệm, kiến thức để vượt nghèo, cứu trợ nhân đạo trong những tình huống thiên tai, bão lũ, cho vay vốn, tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, đảm bảo an sinh và trợ giúp xã hội, phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhà nước nên khuyến khích các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong các lĩnh vực cung cấp hàng hóa/dịch vụ công (và có thể hạn chế chúng ở các dạng hoạt động không liên quan tới hàng hóa/dịch vụ công ích). Hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận rất đa dạng. Người dân đánh giá cao đối với các dự án, tổ chức phi lợi nhuận có nhiều hoạt động nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo, truyền thông.

Có thể nói, các tổ chức phi lợi nhuận tồn tại như một tất yếu khách quan, có chức năng bổ khuyết, khắc phục các khuyết tật của thị trường và chính phủ, góp phần đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng. Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản ở những nơi, những nhóm dân cư mà cả nhà nước và thị trường không làm hoặc làm không hiệu quả. Với chức năng tăng cường đoàn kết xã hội, mở rộng sự tham gia của người dân thông qua vận động chính sách, sự phát triển các tổ chức phi lợi nhuận là tích cực.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, các tổ chức phi lợi nhuận hiện gặp phải một số khó khăn như: 1) Nguồn tài chính hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam có được từ nhiều nguồn khác nhau (đóng góp của các mạnh thường quân, viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ), nhưng lại không ổn định, dẫn đến một số hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả; 2) Nguồn nhân lực của các tổ chức phi lợi nhuận thường xuyên biến động và thay đổi thường xuyên, gây ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của tổ chức; 3) Thiếu một khung pháp lý/chính sách cho các tổ chức phi lợi nhuận (mặc dù các tổ chức phi lợi nhuận đã phát triển nhanh ở Việt Nam theo thời gian nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thật sự thống nhất trong quan niệm cũng như phương thức quản lý nhà nước đối với các tổ chức này; khung pháp lý nước ta hiện chưa bao quát, thiếu nhất quán và chưa đề cập trực tiếp đến vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong quản lý và phát triển xã hội).

Đóng góp nổi bật

Thông qua việc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước: “Tổ chức phi lợi nhuận trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam”, mã số KX.01.23/16-20, PGS.TS Nguyễn Đức Chiện và nhóm nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ thêm về mô hình phát triển xã hội tổng quát theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, khi thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong mô hình phát triển xã hội tổng quát như vậy, cần phải xác định được vị trí, vai trò, chức năng và các tác động có thể có của các tổ chức phi lợi nhuận bên cạnh sự phát triển của khu vực nhà nước và khu khu vực doanh nghiệp, thị trường. Bên cạnh đó, kết quả đề tài cũng đem lại những hiểu biết mới về lý luận cho sự phát triển của khu vực phi lợi nhuận ở Việt Nam, đặc biệt là các chiều cạnh niềm tin xã hội, tinh thần cộng đồng, truyền thống tương thân, tương ái, các hoạt động quyên góp từ thiện vốn liên quan đến các hoạt động phi lợi nhuận trong xã hội.

Có thể nhận thấy, hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam khá đa dạng, song tập trung vào một số lĩnh vực chính như: cứu trợ thiên tai, từ thiện, tình thương, giáo dục, phát triển, hỗ trợ cộng đồng, giảm nghèo, phát triển giáo dục, hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng chống HIV/AIDS, biến đổi khí hậu… Trong khi đó các lĩnh vực như quyền con người, bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình... chiếm tỷ lệ thấp. Người dân đánh giá cao vai trò của các tổ chức này đối với phát triển gia đình và cộng đồng. Theo kết quả nghiên cứu, các tổ chức xã hội, các phong trào từ thiện có vai trò rất lớn đối với phát triển kinh tế và xã hội. Các tổ chức này không trực tiếp đem lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên thông qua các hỗ trợ từ các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhóm ngoài lề xã hội, hỗ trợ phát triển nông nghiệp… Các tổ chức này đã và đang đóng góp tích cực vào thực hiện “dân chủ cơ sở”, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, hỗ trợ về mặt kỹ thuật; tập huấn và xây dựng năng lực; cung cấp dịch vụ; góp phần xác định vấn đề và giải pháp, mở rộng sự hiểu biết của công chúng về các vấn đề phát triển; nâng cao dân trí, bảo vệ hội viên; tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các hoạt động từ thiện nhân đạo; thực hiện những dịch vụ xã hội không vụ lợi, phi lợi nhuận.

Từ kếu quả nghiêm cứu của mình, nhóm nghiên cứu khẳng định, hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận thường tập trung vào bảo vệ quyền cho các đối tượng ở tầng thấp trong tháp phân tầng xã hội. Đó là những người nghèo, những gia đình gặp rủi ro, những người thất nghiệp, có bệnh tật, hoàn cảnh sống khó khăn, có những thương tật hoặc khuyết tật bẩm sinh, những phụ nữ nghèo khổ... giúp cho họ kiên thức, tăng cường quản lý, biết cách làm ăn trong nền kinh tế thị trường, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Nâng cao nhận thức, năng lực của địa phương và người dân trong việc lập kế hoạch và thực hiện một số chương trình, dự án phát triển tại nông thôn.

XD

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)