Khái niệm bị thay đổi
KGCC là không gian chung của mọi người. Đây là khái niệm được “ăn sâu” vào tâm thức của người Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam thì dường như các KGCC hiện nay chưa được đánh giá một cách đúng mức và đã có những thay đổi về quan niệm. Ở đó việc quy hoạch đô thị, hay xây dựng các khu đô thị mới hiện nay chưa đề cao các KGCC, không gian xanh, không gian mặt nước hay các không gian thư giãn đô thị. Nguyên nhân là các nhà đầu tư tư nhân thì chỉ quan tâm tối đa đến lợi ích kinh tế, sao cho có thể tạo ra nhiều nhất các quỹ đất thương mại và thương phẩm đạt được mật độ cao nhất để nhanh chóng thu hồi vốn. Trong khi đó, các nhà quản lý thì có vẻ như mất kiểm soát bởi các lý do về kinh nghiệm hay các điều luật chưa được chặt chẽ… Có chăng tồn tại đâu đó một số KGCC quy mô nhỏ, nằm trong các tiểu khu nhà ở, trong các dự án bất động sản. Thực tế hiện nay, các KGCC đô thị đúng nghĩa vẫn chỉ tồn tại trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… là do được thừa hưởng từ thời Pháp để lại. Còn các không gian phát triển sau này, để có được một KGCC đô thị quả là điều xa xỉ. Đáng buồn hơn, chính những người dân đang trực tiếp thụ hưởng các KGCC cũng hoài nghi về khái niệm “của công, của tư”.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, chúng ta rất cần phải suy nghĩ lại về chức năng của không gian công cộng. Trong cuộc “đấu tranh” để giành lại các không gian công cộng và vận hành nó tốt trong thành phố thì sự tham gia của cộng đồng là điều phải làm chứ không phải là một sự lựa chọn. Bên cạnh đó, theo bà Phương, nguyên nhân là vấn đề nhận thức của người quản lý. Họ vẫn chưa coi không gian công cộng là cấp bách, vẫn có tâm lý cơm áo gạo tiền còn chưa đủ thì chơi cái gì. Nhưng thực ra họ không hiểu chất lượng thực sự cuộc sống của người dân đang đi xuống. Các nhà quản lý theo nhiệm kỳ, nhiều khi do không tham khảo các nhà Hà Nội học, kiến trúc sư và dân gốc Hà Nội nên họ dễ dàng phá bỏ những gì Hà Nội cần lưu giữ, như là việc vội vã chặt phá cây, việc xây dựng các chung cư, các toà cao ốc, đô thị hoá chưa đảm bảo quy hoạch chung cho TP dẫn tới Hà Nội bây giờ nhiều chỗ thật lôm nhôm, khập khiễng.
Cảnh quan bị chi phối
KGCC hiện nay không chỉ bị thu hẹp mà cũng đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố làm mất đi sự gắn kết giữa không gian, địa danh và sinh hoạt cộng đồng trong tổng thể chung. KTS Nguyễn Phú Đức nhìn nhận, thời gian vừa qua, Hà Nội đã triển khai thí điểm thành công không gian đi bộ vào cuối tuần khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm (từ ngày 1/9/2016), đoạn phố bích họa Phùng Hưng (ngày 2/2/2018) và phố Trịnh Công Sơn quận Tây Hồ (ngày 11/5/2018)… là những nỗ lực góp phần bổ khuyết KGCC Thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nội đô lịch sử. Mặc dù bộ mặt các tuyến phố xung quanh hồ Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay được cải tạo chỉnh trang nhưng chủ yếu vẫn chỉ là bổ sung các chức năng dịch vụ, loại hình văn hóa nghệ thuật tại các không gian chứ chưa thực sự bổ khuyết các hạng mục đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đô thị, nâng cao và phát huy giá trị cảnh quan khu vực trung tâm này. Ngoại trừ quảng trường Ba Đình, công viên Lý Thái Tổ được thiết kế, sử dụng đúng nghĩa quảng trường, các KGCC khác là không gian trước các công trình lớn, khi có sự kiện, lễ hội mới xây dựng biểu trưng văn hóa hay sân khấu tạm, dỡ bỏ sau dịp lễ. Chưa kể có một thực tế là nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng những tác phẩm nghệ thuật được đặt trong KGCC. Nhà điêu khắc Phan Gia Hương chia sẻ, mỹ thuật Việt Nam không hề thiếu các tác phẩm nghệ thuật phù hợp, thậm chí sau nhiều lần tổ chức các trại sáng tác điêu khắc, lần nào cũng “tồn đọng” hàng trăm tác phẩm được chắt lọc từ sáng tạo của các nghệ sỹ và đã đoạt giải thưởng, xong lại bị “xếp kho”, chất đống lên hoặc mục nát dần dưới nắng mưa, không hề được sắp đặt, trưng bày cho đúng nơi, đúng chỗ, đúng tầm, đạt hiệu quả về thẩm mỹ và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Điển hình cho thấy do không đặt vào vị trí hợp lý mà cả một “vườn tượng Bách Thảo” đã bị lãng quên với nhiều tác phẩm có giá trị.
Có thể thấy, chính vì những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan mà các KGCC đang bị ứng xử một cách “thô bạo”. Chính nguyên nhân này đã dẫn đến các địa điểm như phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian phố cổ vào các dịp cuối tuần, lễ Tết luôn rơi vào tình trạng quá tải. Thậm chí, khái niệm KGCC cũng đã dần thay đổi khi đó là những trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí... Nhìn chung, quá trình phát triển KGCC tại các đô thị Việt Nam chưa được quan tâm đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng và tiến bộ của khoa học công nghệ. Việc đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến sự hình thành các công trình này hiện nay tuy muộn nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để học tập kinh nghiệm của các nước phát triển mà vững vàng lựa chọn giải pháp đặc thù cho từng khu đô thị.
Văn hóa trong không gian công cộng
Theo PGS.TS Trịnh Văn Tùng, KGCC từ xưa tới nay luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, cho sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với vật chất, cho sự lưu giữ ký ức chung và góp phần tạo dựng nên các biểu tượng gắn bó của cộng đồng dân cư với khu phố, thành thị và cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tương tác, hòa nhập xã hội và thể hiện bản sắc văn hóa, lối sống qua các biểu hiện về ứng xử, thực hành văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kéo theo là đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ cao. Từ một xã hội tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, sau hơn 30 năm “Đổi mới”, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có 819 đô thị các loại bao gồm cả các đô thị đặc biệt gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế.
Về mức độ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, KGCC còn là nơi con người đối mặt với nhau và có thể nhận thức được sự tồn tại của nhau, còn là nơi mà ai cũng có thể tiếp cận được nhưng không phải trả phí hoặc trả phí một cách tượng trưng. Nó không phải là của riêng cá nhân nào, mà là tài sản chung của tất cả mọi người. Nhìn tổng thể, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực với sự đóng góp của các tổ chức xã hội và cộng đồng đã tạo cải tạo, mở rộng KGCC, tuy nhiên vai trò của KGCC đô thị chưa thực sự đáp ứng nhu cầu (thụ hưởng văn hóa) của các tầng lớp nhân dân trong đời sống xã hội.
Ứng xử phù hợp theo thời cuộc
Có hai xu hướng biến đổi khuôn mẫu ứng xử của người Việt Nam hiện nay so với 5 năm trước. Xu hướng thứ nhất cho rằng, có một sự tiếp diễn, liên tục và tiếp biến văn hóa giữa lối sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn sang một lối sống đô thị đã và đang được đô thị hóa. Xu hướng thứ hai cho rằng, giữa nông thôn và thành thị luôn có một khoảng cách, từ đó có sự chuyển dịch, xâm nhập của lối sống nông thôn vào đô thị tạo nên sự biến đổi khuôn mẫu ứng xử theo chiều hướng tiêu cực (tức là sự xâm nhập lẫn nhau giữa các giá trị văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị, giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại).
Cũng theo PGS.TS Trịnh Văn Tùng, với phương pháp thu thập thông tin xã hội học định tính và định lượng trên phạm vi 8 tỉnh/thành phố đại diện cho toàn quốc đã mang lại sự hiểu biết tương đối toàn diện, có hệ thống cả trên phương diện lý luận và thực tiễn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay trong KGCC cũng như giúp chúng ta có thể hiểu được mức độ cân bằng và hài hòa của người Việt Nam trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay của đất nước. Đặc biệt, lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã viết được một công thức toán học để mô hình hóa các điều kiện lý thuyết cần bằng tổng thể ứng xử của con người trong xã hội, góp phần quan trọng xây dựng lối ứng xử văn hóa trong không KGCC, mở ra một hướng nghiên cứu mới về ứng xử của con người Việt Nam trong KGCC ảo và sự tương tác giữa giữa KGCC thực và KGCC ảo hiện nay.
VT