Thứ sáu, 02/07/2021 09:52

Phát triển kinh tế xuyên biên giới khu vực tiểu vùng sông Mê Kông: Nhu cầu thiết yếu trong tiến trình hội nhập

Việc phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới (CBEZ) hiện nay đang là điểm nút của việc phát triển hành lang kinh tế trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông- GMS. Việt Nam có rất nhiều cửa khẩu nằm trên các hành lang này. Việc nghiên cứu các mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới khả thi sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế dọc theo các hành lang kinh tế, đóng góp cho sự phát triển chung của tiểu vùng. Đây cũng là kết quả quan trọng mà đề tài nghiên cứu cấp nhà nước mã số KX.01/09-16-20: “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ nhiệm.

Nhu cầu thiết yếu

Hiện nay, xu hướng hội nhập qua biên giới ngày càng lớn hơn ở nhiều khu vực trên thế giới đã làm cho các học giả ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu về kinh tế biên giới. Hợp tác kinh tế qua biên giới giữa các quốc gia láng giềng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ hoạt động phối hợp sản xuất, kinh doanh, trao đổi giữa hai bên để khai thác lợi thế so sánh đến việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế ở nhiều cấp độ phát triển, nhiều dạng thức khác nhau để mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên, tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị của vùng cũng như tạo ra tác động tràn tích cực cho các khu vực xung quanh. Các nghiên cứu về mối quan hệ hợp tác qua biên giới cho rằng ở mức độ hội nhập cao nhất là các quốc gia láng giềng loại bỏ phần lớn các rào cản chính trị, cũng như các rào cản về mặt thương mại và luân chuyển lao động qua biên giới. Mối quan hệ tương tác này được thiết lập một cách thuận lợi trong điều kiện cả hai quốc gia đều có sự ổn định về mặt chính trị, trình độ phát triển kinh tế tương đương và có sự tương đồng về mặt kinh tế.

Cho đến nay, vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về một khu kinh tế xuyên biên giới do các khu hợp tác kinh tế biên giới còn tồn tại dưới nhiều hình thức và nhiều tên gọi khác nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, CBEZ cần được hiểu là một hình thức phát triển cao hơn của khu hợp tác kinh tế biên giới. Nếu như các khu hợp tác biên giới hiện nay chủ yếu là các hợp tác liên quan đến tạo thuận lợi cho các hoạt động tại cửa khẩu như di chuyển con người và hàng hoá, CBEZ sẽ hướng tới các mục tiêu cao hơn bao gồm cả mục tiêu tạo thuận lợi cho đầu tư. Nếu như khu kinh tế cửa khẩu hiện nay nhằm thu hút sản xuất, đầu tư nhưng không có sự liên kết, kết nối với thị trường nước láng giềng, CBEZ sẽ hướng tới các thể chế hợp tác nhằm phát huy lợi thế của cả hai bên. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả xác định, CBEZ là khu hợp tác kinh tế hướng tới thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, và có sự hợp tác, hài hoà chính sách giữa hai bên. CBEZ không nhất thiết là một khu chung giữa hai quốc gia, trong đó có cơ quan điều hành, có chính sách chung mà có thể là hai khu riêng biệt, nhưng được quy hoạch dựa trên lợi thế của cả hai bên và có sự hợp tác, hài hoà về chính sách giữa hai bên. Quan điểm này rộng hơn rất nhiều so với mô hình hợp tác mà phía Trung Quốc đề xuất, đó là mô hình “hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”. Việc thống nhất quan điểm về nội hàm rộng hơn và linh hoạt hơn của CBEZ sẽ khiến mô hình này khả thi hơn, đặc biệt hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo được các yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Kinh nghiệm hợp tác kinh tế biên giới trên thế giới

Mỹ, Canada và Mexico đã có nhiều hoạt động hợp tác tại các khu vực biên giới như xây dựng các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách hợp tác biên giới cùng nhau, ký kết Hiệp định thương mại tự do, thực hiện sáng kiến hợp tác sản xuất chung ở khu vực biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho hoạt động thương mại biên giới.

Việc thành lập các khu vực qua biên giới ở châu Âu được thực hiện theo Công ước Madrid về Hợp tác qua biên giới năm 1980 với sự phê chuẩn của 20 quốc gia thành viên. Để thúc đẩy hợp tác qua biên giới, EU đã hoạch định và thực thi Chính sách Láng giềng châu Âu (ENP) và các quốc gia trong khu vực ký kết nhiều thỏa ước về hợp tác qua biên giới (CBC). Mục tiêu chính của các CBC là (i) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng hai bên biên giới; (ii) giải quyết các thách thức chung về môi trường, y tế công cộng, an toàn và an ninh; (iii) thúc đẩy lưu chuyển người, hàng hóa và vốn tốt hơn.

Tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á là nơi tập trung nhiều quốc gia đang phát triển, có trình độ cũng như một số đặc điểm tương đồng nhau về nhân công, lao động; điều kiện tự nhiên, khí hậu, tài nguyên và phương hướng phát triển. Trong bối cảnh thế giới gia tăng hoạt động thương mại quốc tế, toàn cầu hóa cũng như việc thúc đẩy giao thương giữa các quốc gia láng giềng và sự tích cực trong việc đẩy nhanh xây dựng và nhân rộng mô hình các khu kinh tế qua biên giới từ phía Trung Quốc, các quốc gia có chung đường biên giới có xu hướng tăng cường về cả chính sách hợp tác lẫn triển khai thành lập các khu kinh tế này.

Bài học cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của một số khu hợp tác kinh tế qua biên giới ở trên thế giới, nhóm nghiên cứu của đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể là:

Thứ nhất, cần xây dựng chương trình hợp tác biên giới dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự bình đẳng giữa các nước; đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia hướng tới một biên giới an toàn về an ninh và hiệu quả về kinh tế.

Thứ hai, cần chủ trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ biên giới, hài hòa hóa quy trình và thủ tục tại các cửa khẩu.

Thứ ba, trên cơ sở chương trình hợp tác tổng thể đề xuất các dự án theo phương pháp “dự án gương”; đồng thời nắm bắt sự đa dạng, đặc thù và thế mạnh của từng vùng biên giới, từng địa phương để từ đó hoạch định các chính sách phù hợp với thực tiễn và xây dựng các khu hợp tác qua biên giới nhằm tận dụng tối đa ưu thế của cả hai quốc gia.

Thứ tư, cần có những ưu đãi và chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư tại khu vực biên giới. Các quan điểm, chính sách và chương trình hợp tác có thể phải điều chỉnh qua từng thời kỳ, phù hợp với mục tiêu hợp tác và tình hình thực tiễn của thương mại biên giới giữa hai nước, cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế.

Thứ năm, cần tăng cường kết hợp hài hòa không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà cả văn hóa, giáo dục; ưu tiên giải quyết vấn đề buôn lậu, tội phạm biên giới.

Cuối cùng, cần kêu gọi sự đồng tài trợ từ nước đối tác nhằm gia tăng sự đóng góp và tinh thần trách nhiệm của các bên khi tham gia vào dự án.

Thay lời kết

Dựa trên các nghiên cứu trước đây cũng như các kinh nghiệm quốc tế về các khu hợp tác kinh tế biên giới, nghiên cứu này đã đưa ra một khái niệm về CBEZ cùng với một hệ thống các điều kiện để hình thành và phát triển CBEZ. Theo quan điểm của nhóm tác giả, CBEZ cần được định nghĩa tương đối mở, là khu hợp tác kinh tế hướng tới thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, và yếu tố quan trọng là có sự hợp tác, hài hoà chính sách giữa hai bên. CBEZ không nhất thiết là một khu chung giữa hai quốc gia, trong đó có cơ quan điều hành, có chính sách chung mà có thể là hai khu riêng biệt, nhưng được quy hoạch dựa trên lợi thế của cả hai bên và có sự hợp tác, hài hoà về chính sách giữa hai bên. Trên cơ sở đó, để hình thành và phát triển CBEZ cần 02 nhóm điều kiện: (i) Các điều kiện chung và (ii) 08 nhóm điều kiện cụ thể. Các điều kiện chung bao gồm: điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện thế chế chính sách, điều kiện an ninh quốc phòng. Các điều kiện cụ thể bao gồm (1) Điểm cửa khẩu tiên tiến; (2) Kết nối hạ tầng hiện đại; (3) Khu thương mại; (4) Khu doanh nghiệp; (5) Khu dịch vụ logistics; (6) Các chính sách ưu đãi; (7) Cơ chế quản lý hợp tác chung giữa hai nước; (8) Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết vùng.

AT

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)