Thứ năm, 01/07/2021 15:18

Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ

Đề tài “Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ”, mã số KX.01.42/16-20 do PGS.TS Đoàn Triệu Long - Học viện Chính trị khu vực 3 làm chủ nhiệm hướng đến mục tiêu: i) làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập; ii) đánh giá thực trạng niềm tin xã hội ở vùng Trung Bộ trong giai đoạn hiện nay, từ đó, chỉ ra các nhân tố tác động đến niềm tin xã hội ở khu vực này. Kết quả thực hiện đề tài đã dự báo các xu hướng biến đổi và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm củng cố niềm tin xã hội ở khu vực này trước những tác động của phát triển và hội nhập.

Xây dựng, củng cố niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập

Theo PGS.TS Đoàn Triệu Long thì niềm tin xã hội là động lực tư tưởng, tinh thần, đạo đức của sự phát triển đất nước. Vì vậy, trong quản lý và phát triển xã hội, cần quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của niềm tin xã hội. Niềm tin xã hội dưới góc độ chính trị - xã hội, thực chất là mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, mối quan hệ cá - nước, gắn bó bền chặt thành “ý Đảng, lòng dân”. Xây dựng niềm tin xã hội là xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước thông qua hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, đoàn kết xã hội, là chìa khoá để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, nhằm mục tiêu chung là xây dựng một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu đề tài “Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ”.

Từ kết quả triển khai, nhóm nghiên cứu của đề tài khẳng định, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, niềm tin của nhân dân Trung Bộ vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố và tăng cường; nhân dân Trung Bộ đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh xu chung, trước tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, ảnh hưởng của tình hình thế giới và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, một bộ phận nhân dân Trung Bộ biểu hiện suy giảm niềm tin của, đó là sự thờ ơ, hoài nghi, không quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, sự thoái hoá, biến chất của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý; tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, hạch sách dân đang diễn ra ở một số địa phương; tình trạng chạy chức, chạy quyền; sự thiếu bình đẳng trong việc phân bổ các nguồn lực xã hội cùng những bất công đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày đã khiến cho một số quần chúng nhân dân cảm thấy hoang mang, dao động.

Những yếu tố khách quan và chủ quan trên đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đặt trước những thách thức mới đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đang và nhân dân, tạo ra sự đồng thuận xã hội, bảo đảm phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài của Đảng và nhân dân ta.

Giải pháp xây dựng và củng cố niềm tin xã hội ở vùng Trung Bộ

Từ căn cứ lý luận chung và thực tiễn vùng Trung Bộ, trước thách thức của phát triển và hội nhập hiện nay, nhóm nghiên cứu của đề tài kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các ban ngành Trung ương và các địa phương các giải pháp về xây dựng và củng cố niềm tin xã hội ở khu vực Trung Bộ như sau:

Đối với Đảng (Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư)

Thứ nhất, Đảng ta phải tiếp tục công tác tự chỉnh đốn, tự đổi mới, tự hoàn thiện nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, lối sống; không ngừng củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình phát triển của đất nước.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm loại bỏ những phần tử thoái hoá, biến chất ra khỏi Đảng, khỏi hệ thống công quyền. Phải xoá bỏ các “vùng cấm”, “vùng an toàn”, giữ gìn sự trong sáng của Đảng, của thể chế chính trị. Xây dựng các chế tài đủ mạnh, đủ khả năng ngăn chặn các trường hợp vi phạm, đồng thời nêu gương người tốt, việc tốt để khích lệ những cán bộ, đảng viên hết lòng vì nước, vì dân.

Thứ ba, tăng cường công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm duy trì và giữ vững sự ổn định niềm tin trong nhân dân. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, chia rẽ và làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng và xã hội.

Đối với Chính phủ

Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, có chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng Trung Bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân. Cụ thể là: 1) Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện tự nhiên và lịch sử, văn hóa vùng Trung Bộ nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh và nâng cao hiệu quả quá trình phát triển vùng; 2) Hoàn thiện thể chế, cơ chế và chính sách đột phá để phát triển kinh tế bền vững; 3) Tiến hành xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm, xây dựng các chương trình, kế hoạch tập trung vào các nội dung (quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng của vùng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung; ứng phó với tác động của biển đổi khí hậu); 4) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch các tỉnh Trung Bộ phát triển; 5) Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững; 6) Kết hợp phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; 7) Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo con người phù hợp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước; 8) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với phát triển xã hội, nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống; 9) Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh và quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển.

Đối với các bộ, ban, ngành

Ban Tuyên giáo cần làm tốt công tác tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào của dân tộc và tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân, từ đó, khẳng định các giá trị truyền thống của dân tộc, củng cố niềm tin trong cộng đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội trong củng cố và xây dựng niềm tin xã hội. Thứ nhất, phát huy vai trò của truyền thông qua việc định hướng dư luận xã hội và xây dựng niềm tin cho con người. Thứ hai, phát huy tối đa vai trò của truyền thông trong việc xây dựng đời sống xã hội, đề cao vị thế và tiếng nói của quần chúng nhân dân. Thứ ba, phát huy vai trò của truyền thông trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Thứ tư, nâng cao ý thức và trách nhiệm cho mỗi người về việc tiếp thu, tiếp biến các nguồn thông tin, hạn chế các âm mưu truyên truyền, xuyên tạc của các lực lượng đối lập, chống đối.

Ban Dân vận cần đổi mới công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, không ngừng đổi mới và nâng cao vai trò, vị thế trong đời sống xã hội. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận phù hợp với tình hình mới, hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân. Tiếp tục đổi mới công tác quần chúng của các đoàn thể; đẩy mạnh phong trào quần chúng, góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hội theo hướng: phát huy vai trò trong công tác tập hợp quần chúng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng các điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể.

Phát huy vai trò chủ động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây là giải pháp phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tăng cường vai trò của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong quá trình xây dựng xã hội mới.

Nâng cao năng lực và chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm và đẩy mạnh xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở, phát huy vai trò của những người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, kinh doanh, quản lý. Kiên quyết không bố trí những người không đủ năng lực, trình độ và không có uy tín làm công tác dân vận.

Đối với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương vùng Trung Bộ

Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương vùng Trung bộ cần:

Một là, quan tâm xây dựng chính quyền từng địa phương trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Hai là, lãnh đạo và tổ chức thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh và bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục…

Về kinh tế: có quyết sách nhằm kích cầu cho nền kinh tế khu vực phát triển, từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là ở những vùng chiến lược, vùng núi, vùng biên giới, hải đảo. Thu hút vốn đầu tư, hình thành các trung tâm công ngiệp nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẳn có của vùng.

Về văn hoá: xây dựng chiến lược nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hoá mang tính chủ lưu của khu vực; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá mới từ bên ngoài nhằm làm phong phú hơn nền văn hoá khu vực. Nâng cao ý thức tự hào và trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hoá, xã hội truyền thống của khu vực.

Về xã hội: nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho nhân dân; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm lo đời sống nhân dân lao động. Về giáo dục: phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chú trọng công tác xoá nạn mù chữ tại các vùng núi, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo. Nâng cấp cơ sở trường học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Định hướng cho ngành giáo dục phát triển theo đúng nhu cầu của xã hội. Khai thác tối đa các trung tâm đào tạo, dạy nghề đóng trên địa bàn nhằm xây dựng nguồn lực cho quá trình phát triển.

Về y tế: nâng cao hiệu quả công tác nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế, đề cao y đức của người bác sỹ, nguồn thuốc. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng y tế (bệnh viện, trạm xá), hỗ trợ ngân sách y tế, đội ngũ y, bác sỹ cho các vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Về quốc phòng, an ninh: tích cực triển khai các hoạt động đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội; giữ gìn tình hình an ninh, trật tự trên từng địa bàn, từng khu vực. Tích cực, chủ động trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với biển, đảo trước những thủ đoạn và hành động của các lực lượng ngoại xâm.

Nguyễn Thị Hiền

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)