Thứ ba, 29/06/2021 14:16

Pháp luật về thuế trong kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

TS Lê Thị Thúy Nga

Trường Đại học Công đoàn

Xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ (KTCS)* là xu hướng chung của toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày càng có nhiều loại hình, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tàng công nghệ. Quản lý để thúc đẩy phát triển hiệu quả và bền vững nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển công bằng và thúc đẩy cải cách khu vực kinh doanh truyền thống là bài toán đặt ra cho mọi quốc gia. Bài viết giới thiệu về pháp luật thuế trong KTCS - kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam.

Kinh nghiệm một số nước trên thế giới

Sự thành công trong việc đưa KTCS vào trong từng quốc gia được góp phần từ văn hóa chia sẻ của nước ngoài cũng như cơ sở hạ tầng có nhiều điều kiện thuận lợi như ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khá phổ biến trên các thiết bị điện tử, tỷ lệ tội phạm thấp, hệ thống quản lý pháp luật chặt chẽ của chính phủ… Đó cũng là lý do mô hình KTCS dù đã phát triển khá lâu tại Mỹ nhưng lại chưa phổ biến và được ưa chuộng tại các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) nói riêng ở nhiều nước châu Á - vốn có hệ thống quản lý luật pháp, xã hội chưa được tốt như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã có khá nhiều start up khai thác mô hình này tại nhiều quốc gia và chính sách của mỗi nước đối với mô hình kinh tế này cũng khác nhau.

Điển hình như tại Singapore, chính phủ nước này coi KTCS là một cơ hội để nâng cao hiệu quả và phát triển kinh tế bền vững. Mọi người dân đều có thể sử dụng các ứng dụng trên internet và thiết bị di động để cho thuê, thuê và trao đổi hàng hóa dịch vụ với nhau, từ đó giảm bớt việc mua mới, góp phần giảm lượng rác thải và khí thải. Chính phủ luôn đưa ra các chính sách quản lý phù hợp để khuyến khích KTCS và vận dụng KTCS trong hoạt động quản lý đô thị của mình để thực sự trở thành một quốc gia chia sẻ. Từ cuối năm 2017, Singapore áp dụng những quy định mới cho phép cơ quan quản lý thực hiện việc thanh tra các công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe về việc tuân thủ quy định như: lái xe phải có chứng chỉ hành nghề và phải có bảo hiểm. Với dịch vụ cho thuê nhà, cơ quan quản lý nhà Singapore cũng ban hành quy định thời gian cho thuê căn hộ không được ít hơn 6 tháng và nhà chức trách có quyền kiểm tra các bất động sản cho thuê qua những nền tảng như Airbnb để đảm bảo người dân cho thuê tài sản của mình một cách hợp pháp.

Tại Úc, Chính phủ đặc biệt chú ý đến quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trong nền KTCS. Cục thuế Liên bang Úc đặt ra những quy định rất cụ thể đối với nghĩa vụ thuế của những hoạt động vì mục đích thương mại trong KTCS. Các thông tin này được hướng dẫn rất cụ thể trên trang Website của Cục thuế Liên bang. Theo quy định, mọi công dân Úc cung cấp hàng hóa và dịch vụ thông qua bất kỳ hình thức nào trong các giao diện ứng dụng KTCS đều cần xem xét việc họ sẽ phải nộp: thuế thu nhập, thuế hàng hóa và dịch vụ hay bất kỳ khoản thuế nào khác áp dụng cho thu nhập của họ.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul đã tuyên bố Seoul là “thành phố chia sẻ”. Năm 2012, chính quyền thành phố Seoul đã ban hành Luật địa phương để tạo thuận lợi cho nền KTCS và đưa ra một “Trung tâm chia sẻ” để hoạt động như một cổng thông tin và thông tin chia sẻ các dịch vụ kinh tế.

Bài học cho Việt Nam

Với sự bùng nổ của KTCS, nền tảng, thương mại điện tử trong xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh của thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình KTCS thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý về KTCS nói chung và pháp lý quản lý thuế đối với KTCS nói riêng. Có thể chưa cần thiết tạo bộ luật riêng, nhưng cũng cần phải có những điều khoản quy định ngay từ ban đầu trong việc hình thành, tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ liên quan đến KTCS. Kinh nghiệm rút ra từ 1 số quốc gia cho Việt Nam đó là:

Thứ nhất, trong quản lý nhà nước, cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp, tuy nhiên, không nhất thiết phải xây dựng một luật cụ thể quy định về mô hình KTCS.

Thứ hai, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tạo quy định rõ ràng, tạo thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp, cơ chế quản lý thuế minh bạch cho các hoạt động phát sinh liên quan.

Thứ ba, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Luật quản lý thuế, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại điện tử, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình KTCS bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Cuối cùng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và kinh tế truyền thống, các chính sách thuế tương thích để tạo sự công bằng.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

 

*Trong điều kiện của Việt Nam, có thể hiểu KTCS là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)