Thứ hai, 21/06/2021 15:17

Chính quyền địa phương và tôn giáo: Cần ổn định và đồng thuận

Tình hình quốc tế, trong nước và bản thân các tôn giáo đã có sự chuyển biến mới, đòi hỏi Nhà nước, chủ thể lãnh đạo đất nước cần có sự nhìn nhận, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách về tôn giáo nói riêng cho phù hợp. Đề tài KX.01.35/16-20: “Xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và tôn giáo nhằm đảm bảo ổn định và đồng thuận xã hội” do TS Trần Thị Hồng Yến (Viện Dân tộc học) làm chủ nhiệm đã góp phần đưa ra các kiến nghị nhằm xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và tôn giáo một cách ổn định và đồng thuận xã hội.

Khoảng trống trong nghiên cứu về tôn giáo

Từ kết quả nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu của TS Trần Thị Hồng Yến khẳng định, lịch sử của tất cả các quốc gia trên thế giới đều chỉ ra rằng, muốn đất nước phát triển bền vững, muốn xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thì phải có sự ổn định về chính trị và sự đồng thuận cao của xã hội. Đó chính là sức mạnh của quốc gia, của khối đại đoàn kết dân tộc. Bất ổn sẽ làm cản trở sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, thậm chí có thể làm sụp đổ chế độ hiện hành, làm tiêu tan toàn bộ thành quả của cách mạng, của nhân nhân trong quá trình dựng và giữ nước.

Toàn cầu hóa được khởi đầu bằng sự giao thương về kinh tế, văn hóa, giáo dục; tuy nhiên, đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống như chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của tất cả các quốc gia. Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, tín ngưỡng. Theo đó, bức tranh trong đời sống tôn giáo Việt Nam có nhiều biến động, thay đổi, đa màu sắc, gia tăng sự phức tạp. Một số tôn giáo lớn trên thế giới đang có mặt tại Việt Nam hiện đang đẩy mạnh hoạt động. Đặc biệt, Tin Lành đang mở rộng địa bàn ảnh hưởng lên các dân tộc thiểu số vùng núi cao, vùng biên giới Việt - Trung, Việt - Lào; một số hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ xuất hiện từ nội tại trong nước hoặc do nhu nhập từ bên ngoài vào theo nhiều con đường khác nhau.

Các tôn giáo lớn thế giới hiện đang có mặt ở Việt Nam, có những bước chuyển hướng hoạt động, đi sâu vào thực chất nhằm nâng cao vị thế của mình trong xã hội dân sự; xu hướng nhập thế trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, Hồi giáo (Islam) và Phật giáo Nam tông Khơ-me hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng thế giới những nước đồng đạo (đồng tôn giáo).

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài KX.01.35/16-20 khẳng định, mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo ở Việt Nam những năm gần đây có những biểu hiện khá phức tạp. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ việc lợi dụng tôn giáo vào các mục đích chính trị. Những hình thức lợi dụng này bao giờ cũng được triển khai tại các địa phương và các tộc người thích hợp, bao gồm: (i) Sử dụng tôn giáo, dân tộc như một công cụ quan trọng để thực hiện Chủ nghĩa giải lãnh thổ (Chủ nghĩa ly khai mới); (ii) Sử dụng tôn giáo nhân quyền làm sức ép trong các quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế với Việt Nam, ví như trường hợp Tin Lành ở miền núi phía Bắc; (iii) Tuyên truyền việc cải đạo trong các dân tộc thiểu số (Hmông, Dao) qua các đài phát thanh nước ngoài, gây bất ổn chính trị xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy khác (làn sóng di cư tự do vào Tây Nguyên, đến Tây Bắc, kèm theo nạn phá rừng, mua bán, tranh chấp đất đai với các dân tộc tại chỗ, gây khó quản lý dân cư cho chính quyền cơ sở…); (iv) Gây rối trật tự, an ninh xã hội...

Như vậy, tình hình quốc tế, trong nước và bản thân các tôn giáo đã có sự chuyển biến mới, đòi hỏi Nhà nước, chủ thể lãnh đạo đất nước cần có sự nhìn nhận, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách về tôn giáo nói riêng cho phù hợp, nhằm tạo ra sự ổn định và đồng thuận xã hội. Mặt khác, thu hút và sử dụng tốt nguồn lực xã hội này vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tránh những xung đột tôn giáo trong nội bộ quốc gia tạo điều kiện để tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Qua tổng quan tư liệu nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của đề tài cho biết, hơn 30 năm qua từ sau Đổi mới đến nay, vấn đề mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và tôn giáo trên thực tế được nghiên cứu còn ít ỏi và thiếu tính tổng thể. Đây cũng là khoảng trống khi nghiên cứu về tôn giáo. Chính vì vậy, kết quả của đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và tôn giáo nhằm đảm bảo ổn định và đồng thuận xã hội” sẽ góp phần giải quyết các vấn đề còn trống này.

Khuyến nghị chính

Từ kết quả nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể:

Một là, tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tình hình tôn giáo ở Việt Nam và tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người và quyền tự do tôn giáo. Trước hết, cần khẳng định, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/1/2018 ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện đến nay được 3 năm cho thấy, cần phải bổ sung, điều chỉnh để Luật này sao cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cần phải thể chế hóa trong các Luật chuyên ngành như: Luật dạy nghề, Luật Giáo dục, Luật khám chữa bệnh, Luật đất đai, Luật Xây dựng… để tạo cho tôn giáo một địa vị pháp lý trong các hoạt động xã hội thích hợp.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp trong công tác tôn giáo giữa các cơ quan ở Trung ương (Ban Tôn giáo Chính Phủ với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân vận Trung ương) và giữa các cơ quan ở Trung ương với địa phương (đặc biệt, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Ban Tôn giáo Chính phủ với các thành tố của hệ thống chính trị ở địa phương). Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát sửa đổi bổ sung các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự đồng bộ trong các quy định của pháp luật, thống nhất trong nhận thức và thực hiện.

Ba là, kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ làm công tác tôn giáo của các cấp, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, đặc biệt quan tâm ở cấp cơ sở. Trong thời gian tới, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo đủ mạnh để đảm bảo hướng dẫn và quản lý hoạt động tôn giáo được thống nhất, nhằm ổn định, đồng bộ, có hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương, thống nhất trong chỉ đạo và hoạt động. Tăng cường củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng nhiệm vụ được giao. Ở cấp xã, cần bố trí cán bộ chuyên môn chuyên sâu về tôn giáo và công tác tôn giáo thay vì cán bộ xã phụ trách công tác tôn giáo bán chuyên trách như hiện hay.

Bốn là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể và các cán bộ đảng viên về các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và hệ thống luật pháp tôn giáo.
Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần được coi trọng: xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng gắn với nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo, xác định đây là một trong những tiêu chí xem xét quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.

Tập trung đào tạo và đào tạo lại cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong các học viện, viện, trường đại học xã hội và các lóp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức để có đội ngũ cử nhân và các bậc trên đại học chuyên ngành tín ngưỡng, tôn giáo, có nghiệp vụ công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần phù hợp đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm xây dựng đội ngũ có trình độ, có “tư tưởng sự nghiệp” gắn bó và trách nhiệm với ngành.

Năm là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm về tôn giáo, dân tộc. Cụ thể là: i) Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; ii) Tiếp tục củng cố và phát huy tính hiệu quả, chú ý đến đội ngũ công chức làm công tác tôn giáo ở các cấp; iii) Tăng cường công tác tiếp xúc tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo; iv) Cán bộ làm công tác tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được bồi dưỡng, huấn luyện để hiểu biết về phong tục tập quán, tiếng nói của dân tộc nơi mình công tác; v) Tăng cường nhân lực quản lý nhà nước ở những địa bàn trọng điểm.

Sáu là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là bà con dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn:

Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là bà con dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cụ thể là: tăng cường đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng ngân sách nhà nước, vì ở những nơi này dân còn nghèo, không đóng góp được; tăng cường công tác đào tạo, chế độ nuôi dưỡng học sinh các trường dân tộc nội trú; mở rộng vùng cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học và cao đẳng.

Nhà nước cần xây dựng nhà máy, khu công nghiệp ở những vùng có đông đồng bào tôn giáo để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng. Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ rất nghèo. Do đó, tâm lý của đồng bào là theo đạo đời sống sẽ được nâng cao. Theo đạo cũng nhận được sự giúp đỡ của những người đồng đạo, đồng thời, khi có sự vụ đã có tổ chức tôn giáo lo và bênh vực. Chính vì vậy, cần nâng cao đời sống kinh tế có đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào có đạo nói riêng. Hiện nay, ở những vùng phên dậu của đất nước, vùng 3 Tây, phần lớn lực lượng lao động trẻ tại các bản làng đã bỏ nhà đến các trung tâm đô thị, các thành phố lớn để kiếm việc làm. Do đó, ở địa phương chỉ còn lại người già và trẻ em. Do đó, kiến nghị nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 “Tây” nhằm tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời củng cố vững chắc vùng biên cương phên dậu của đất nước.

Đầu tư cơ sở thờ tự cho một số tôn giáo ở vùng phên dậu của đất nước. Đối với dân tộc Khơ-me và Chăm, cơ sở thờ tự không chỉ là nơi sinh hoạt, hoạt động tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi chôn cất người mất. Hiện nay, mỗi ngôi chùa của người Khơ-me, hoặc mỗi ngôi thánh đường Hồi giáo (Islam) xây dựng cần khoảng 10-15 tỷ đồng. Do bà con nghèo nên suốt đời phải đóng góp, đôn đáo đi sang Campuchia, hoặc các nước Hồi giáo trên thế giới để xin giúp đỡ. Vấn đề này gây ra những hệ lụy liên quan đến an ninh quốc gia nếu đối tượng cho tiền là các thế lực phản động, điều này rất nguy hiểm. Ở vị thế của mình, Nhà nước có thể trợ cấp được cho dân tộc Khơ-me và Chăm bởi đây là vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội ở vùng biên giới.

Nguyễn Thị Hiền


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)