Thứ năm, 10/06/2021 10:05

Vai trò của khoa học và công nghệ trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững

Mới đây, CropLife châu Á - Hiệp hội phi lợi nhuận, đại diện cho tiếng nói của ngành khoa học thực vật đã gửi đi một thông điệp nêu bật vai trò của các công cụ và công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến cho phép quản lý và bảo vệ tốt môi trường sống. Theo CropLife châu Á, việc sản xuất nông nghiệp nói chung, thực phẩm nói riêng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân loại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt... Do vậy, khoa học và công nghệ sẽ là một giải pháp chủ chốt giải quyết những thách thức này.

Thách thức trong sản xuất thực phẩm bền vững

Hiện nay, chúng ta đang lo lắng hơn bao giờ hết về nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ hàng ngày với những câu hỏi như chúng gieo trồng như thế nào và có tác động thế nào tới môi trường? Sự bền vững trong các hệ thống thực phẩm đang trở thành một vấn đề được quan tâm và là kỳ vọng của xã hội. Kỳ vọng đó ngày một tăng cao do quan ngại về tài nguyên thiên nhiên đang ngày một suy kiệt, chúng ta đang tập các chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn và nhận thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của sản xuất lương thực đối với môi trường xung quanh.

Mức độ nhận thức đó tăng cùng lúc với dân số toàn cầu tăng. Ước tính đến năm 2050, sẽ có hơn 9 tỷ người trên Trái đất. Điều này có nghĩa là sản lượng lương thực sẽ cần tăng song song để đáp ứng nhu cầu. Trong báo cáo “Cách thức để nuôi sống thế giới tới năm 2050”, Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) dự báo rằng, để đủ lương thực cho dân số toàn cầu vào năm 2050, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại. 

Tuy nhiên, để tăng sản lượng lương thực của toàn thế giới lên 70%, thì sản lượng canh tác được tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước tại Nam Á và Đông Nam Á sẽ cần phải tăng gần gấp đôi. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, 80% mức tăng cần thiết sẽ phải tạo ra từ tăng năng suất và cường độ canh tác lớn hơn, nhưng chỉ 20% đến từ việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Do vậy, công nghệ sẽ là một giải pháp chủ chốt giải quyết các thách thức này.

Vai trò của khoa học và công nghệ

Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và điều này đã thúc đẩy năng lực của nông dân. Ngày càng có nhiều nền tảng nông nghiệp chính xác đang cung cấp trực tiếp cho nông dân công cụ, dữ liệu và những phân tích có ý nghĩa. Nhiều trong số đó (cùng với thực hành phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nông nghiệp không cày xới, các hoạt chất sinh học, hóa chất xanh và thực hành canh tác có trách nhiệm...) đang cho phép nông dân không chỉ tăng năng suất mà còn bảo vệ đa dạng sinh học và các vùng đất tự nhiên.

Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy năng lực của nông dân

Việc sử dụng máy bay không người lái (drone) trong hoạt động phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang cho thấy đây là một công cụ hữu hiệu giúp nông dân giải quyết một số thách thức. Cụ thể, khi người trồng phải đối mặt với áp lực sâu bệnh ngày càng tăng, drone cho phép họ theo dõi sức khỏe cây trồng và chọn phun loại thuốc BVTV chính xác hơn. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, công nghệ này giúp giảm chi phí lao động và nhiên liệu đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào. Sử dụng drone để phun thuốc BVTV cũng giảm tiêu thụ nước và mức độ tiếp xúc của người vận hành.

Những thành tựu trong nghiên cứu về thực vật tiếp tục cho phép nông dân sản xuất thực phẩm an toàn và bổ dưỡng hơn, đồng thời hạn chế bớt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trong đó, cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) đã được phát triển với các đặc tính cải tiến như tăng năng suất, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và/hoặc cải thiện hàm lượng dinh dưỡng hay cho phép hấp thụ carbon trong đất thông qua các hoạt động như canh tác không cày xới. Các đặc tính CNSH trên các cây trồng chủ lực như ngô, lúa và bông đã giúp tiết kiệm nước, thậm chí vẫn cho ra năng suất cao hơn trong điều kiện hạn hán. Một giải pháp quan trọng khác giúp chúng ta giải quyết những thách thức toàn cầu đang tồn tại như mất an ninh lương thực, tác động môi trường và biến đổi khí hậu là việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm thuốc BVTV.

Nông dân dựa vào những sản phẩm này để trồng nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn và nâng cao năng suất trên mỗi đơn vị diện tích. Nếu không có công cụ BVTV, 40% sản lượng lúa và ngô thu hoạch toàn cầu có thể bị mất hàng năm, tổn thất đối với trái cây và rau quả có thể lên tới 50-90%. Khi được sử dụng đúng cách, thuốc BVTV cũng giúp bảo tồn môi trường, chúng cho phép nông dân sản xuất nhiều cây trồng hơn trên một đơn vị diện tích giảm nạn phá rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế xói mòn đất. Chúng rất quan trọng để kiểm soát các loài xâm lấn và cỏ dại độc hại, đồng thời giúp nông dân sử dụng nước hiệu quả hơn bằng cách giảm khả năng hút ẩm của cỏ dại.

Tuy nhiên, một công nghệ cho dù có tầm quan trọng như thế nào đối với sản xuất thực phẩm và bảo vệ môi trường thì đều cần có các quy định pháp lý phù hợp để chúng có thể được nông dân tiếp cận và phát huy lợi ích trong thực tế. Cụ thể, một hệ thống pháp lý có tính khoa học, minh bạch và đáng tin cậy sẽ là nền tảng khuyến khích đổi mới công nghệ và quá trình nghiên cứu, đầu tư của các doanh nghiệp trong khi vẫn cung cấp khung chuẩn về an toàn và tính bền vững. Ngược lại, việc thực thi không đầy đủ hoặc thiếu vắng hệ thống pháp lý này có thể tạo ra hiệu ứng ngược.

Thu Vinh (lược dịch)


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)