Thứ sáu, 04/06/2021 14:50

Mở đầu cho thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Cứ mỗi ba giây, thế giới lại mất đi một khoảng rừng đủ để che phủ một sân bóng đá.  Trong thế kỷ qua, chúng ta đã phá hủy một nửa diện tích đất ngập nước. Khoảng 50% rạn san hô đã không còn và với tốc độ như hiện tại, sẽ có tới 90% rạn san hô biến mất vào năm 2050. Chúng ta không thể quay ngược thời gian, nhưng chúng ta có thể trồng cây, phủ xanh thành phố, thay đổi chế độ ăn hay làm sạch sông và bờ biển... Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề cho Ngày môi trường thế giới năm nay là “Phục hồi hệ sinh thái”, với mong muốn ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói, giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.

Đầu tư vào hệ sinh thái là đầu tư vào tương lai

Ngày Môi trường thế giới năm nay sẽ mở đầu cho thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO). Đây là một sứ mệnh toàn cầu nhằm hồi sinh hàng tỷ hecta, từ rừng đến đất nông nghiệp, từ núi cao đến biển sâu. Cứ mỗi ba giây, thế giới lại mất đi một khoảng rừng đủ để che phủ một sân bóng đá.  Trong thế kỷ qua, chúng ta đã phá hủy một nửa diện tích đất ngập nước. Khoảng 50% rạn san hô đã không còn và với tốc độ như hiện nay, sẽ có tới 90% rạn san hô biến mất vào năm 2050. Hiện tại, khoảng 3,2 tỷ người (40% dân số thế giới) đang phải chịu tác động xấu từ sự suy thoái liên tục của các hệ sinh thái, như mất khả năng tiếp cận nước sạch và đất đai màu mỡ. Sự xuất hiện của COVID-19 cũng cho thấy hậu quả của việc mất hệ sinh thái có thể tai hại như thế nào. Bằng cách thu hẹp diện tích môi trường sống tự nhiên của động vật, chúng ta đã tạo điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh, bao gồm cả virus corona lây lan.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh: “Năm 2020 là một năm đáng suy ngẫm khi chúng ta phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải chú trọng các bước đi để chuyển từ khủng hoảng sang chữa lành. Và khi làm như vậy, chúng ta phải nhận thức rằng, việc phục hồi tự nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh chúng ta và loài người”. Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đây cũng là thời hạn cho các mục tiêu phát triển bền vững và là mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là rất quan trọng để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Hành động của Việt Nam

Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.

Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái hồ, sông suối, hệ sinh thái biển và ven biển. Cụ thể như thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản…

Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Minh Nguyệt

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)