Thứ sáu, 04/06/2021 09:33

Mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tiếp tục cải thiện, nhưng có dấu hiệu chững lại

Kết quả khảo sát chỉ số công khai thông tin ngân sách địa phương năm 2020 (POBI 2020) cho thấy, đã có sự cải thiện về điểm xếp hạng so với năm 2019, nhưng mức độ cải thiện là không đáng kể. Điểm bình quân POBI 2020 là 69,09 điểm. Mặc dù có thay đổi về tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng so với năm 2019. Tuy nhiên nhóm các tỉnh có thành tích tốt trong các năm trước đây vẫn tiếp tục duy trì vị trí top đầu trong bảng xếp hạng. Đây là nhận định được nhóm khảo sát chỉ số POBI 2020 đưa ra tại hội thảo công bố POBI 2020. Hội thảo do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì; Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tiếp tục thực hiện khảo sát. POBI được áp dụng chu trình ngân sách 2020 của Việt Nam ở cấp tỉnh từ khâu lập ngân sách, phê duyệt ngân sách, thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách theo Luật Ngân sách hiện hành của Việt Nam và thông lệ tốt của quốc tế về công khai, minh bạch ngân sách.

Ghi nhận nhiều thực hành tốt về công khai ngân sách của 63 tỉnh thành

Điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09/100 điểm, tăng 3,54 điểm so với kết quả năm 2019. Năm 2020, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 3 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 29 tỉnh, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 5 và 2 tỉnh, giảm lần lượt 4 và 1 tỉnh so với năm 2019.

Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2020, Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng (đạt 93,68 điểm); tiếp đến là các địa phương trong top 5: Đà Nẵng xếp thứ hai (92,26 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ ba (90,45 điểm0, Hải Dương xếp thứ tư (89,35 điểm), Cao Bằng xếp thứ năm (88,88 điểm). Hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước (3,84 điểm) và Đắk Lắk (23,41 điểm). Tỉnh Lạng Sơn năm 2019 đứng áp chót bảng xếp hạng thì năm 2020 đã vươn lên thứ 16 với 82,3 điểm, thuộc nhóm tỉnh công khai đầy đủ thông tin.

Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân là tài liệu có sự cải thiện nhiều nhất về tính sẵn có. Mặc dù đây không phải là tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015 nhưng đã có 22 tỉnh có công khai tài liệu này trong năm 2020, tăng 8 tỉnh so với năm 2019.

Kết quả chấm POBI 2020 cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về tính thuận tiện khi 100% số tỉnh có thư mục công khai ngân sách và đa số các tài liệu được công khai dưới dạng Word/Excel hoặc định dạng PDF, dễ dàng sử dụng và chuyển đổi.

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện khảo sát về tính liên tục của các tài liệu được công khai. Kết quả khảo sát cho thấy có 49 tỉnh (77,78%) công bố tài liệu dự toán ngân sách tỉnh trình HĐND tỉnh liên tục trong ba năm, 52 tỉnh (82,54%) công bố tài liệu dự toán được HĐND tỉnh quyết định được duyệt liên tục trong ba năm và 51 tỉnh (80,95%) công bố báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh phê chuẩn liên tục trong ba năm.
Trong số 5 tài liệu khuyến khích công khai (không tính điểm POBI 2020), tài liệu được các tỉnh công khai nhiều nhất là Dự thảo kế hoạch tài chính tỉnh 05 năm 2021-2025 với 31 tỉnh có công bố. Dự thảo kế hoạch tài chính ngân sách tỉnh 03 năm 2021-2023 có 27 tỉnh công bố, tài liệu Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2021 có 24 tỉnh công bố, 16 tỉnh có công bố Báo cáo tài chính của tỉnh và chỉ có 02 tỉnh có công bố kết quả kiểm toán ngân sách tỉnh của Kiểm toán nhà nước trong ít nhất một năm 2017, 2018 hoặc 2019.

Hạn chế và khuyến nghị

Trên cơ sở phân tích kết quả khảo sát POBI 2020, nhóm khảo sát đã chỉ ra một số hạn chế và khuyến nghị đối với các địa phương:

Về tính đầy đủ: mặc dù có sự cải thiện so với năm 2019, nhưng tài liệu dự thảo dự toán và dự toán được quyết định vẫn có số lượng các tỉnh công bố đầy đủ tương đối thấp, lần lượt chỉ là 26 và 28 tỉnh. Đây là hai tài liệu rất quan trọng vì nó được sử dụng để lấy ý kiến góp ý không chỉ của các chuyên gia mà của cả người dân trong việc xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của địa phương. Bên cạnh đó, kết quả chấm POBI 2020 cho thấy vẫn còn có địa phương công bố thông tin không theo biểu mẫu của Thông tư 343. Chính vì vậy, các địa phương cần công bố công khai hai loại tài liệu này để đảm bảo việc công khai được minh bạch hơn và rõ ràng hơn. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên thực hiện việc chấm điểm công khai tài liệu về Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước năm 2017, 2018 hoặc 2019 và chỉ có 20 tỉnh có công bố tài liệu này. Nhóm nghiên cứu đề nghị các địa phương đã được cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán và ra kết luận cần công khai kết quả thực hiện trên các cổng TTĐT của tỉnh.

Tính tin cậy: kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy việc lập dự toán ngân sách của các tỉnh năm 2019 chưa đảm bảo tin cậy cho quá trình thực hiện thực tế. Đặc biệt là đối với dự toán thu ngân sách, chỉ có 9 tỉnh có mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán dưới 5% trong khi có tới 35 tỉnh có mức chêch lệch trên 15%. Tương tự như vậy, đối với dự toán chi đầu tư phát triển cũng chỉ có 8 tỉnh có mức chênh lệch dưới 5% và 35 tỉnh có mức chênh lệch trên 15%. Kết quả chấm POBI 2020 cho thấy, đa số các tỉnh có mức tăng hoặc giảm của chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và y tế, dân số chậm hoặc nhanh hơn so với mức tăng/giảm của tổng chi thường xuyên. Điều này cho thấy các địa phương vẫn chưa chú trọng trong việc đầu tư cho các hoạt động liên quan đến GD&ĐT, y tế và dân số. Do đó, việc lập dự toán trong các năm tiếp theo cần chú trọng tới các chỉ tiêu này. Đối với dự toán thu ngân sách và dự toán chi đầu tư phát triển trong quyết toán ngân sách năm 2019, mức độ tin cậy rất thấp, lần lượt chỉ đạt 9% và 8% do đó, việc lên kế hoạch lập dự toán cần được tính toán và xem xét một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng để đảm bảo mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán không nhiều hơn quá 5%.

Tính kịp thời: mặc dù các tỉnh đã chủ động hơn trong việc công bố kịp thời các loại tài liệu theo đúng quy định của Luật NSNN 2015 và Thông tư 343/2016/TT-BTC, nhưng vẫn còn khoảng trên 20% số tỉnh chưa thực hiện đúng theo quy định, tức công bố chậm hơn so với thời hạn. Các địa phương đã làm tốt cần làm tốt hơn nữa, các địa phương chưa làm tốt cần thực hiện đúng và đầy đủ việc công khai kịp thời các thông tin ngân sách. Đặc biệt, cần bổ sung thông tin về thời điểm công bố thông tin trên các trang thông tin điện tử của tỉnh/thành phố bằng hình thức tự động trên trang thông tin điện tử và có thể kiểm chứng được, hạn chế việc điền thông tin về thời điểm công bố một cách thủ công.

Sự tham gia: kết quả khảo sát POBI 2020 về mức độ tham gia của người dân cho thấy nhìn chung các địa phương vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 39,25 điểm, gần như không có sự cải thiện so với năm 2019 (38,02 điểm). Chỉ có 25/63 địa phương có công khai quy chế/quy trình cung cấp thông tin cho người dân; 16 địa phương sử dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo để dễ dàng hơn trong việc tương tác với người dân, thiết nghĩ việc làm này nên được nhân rộng ra các địa phương còn lại trên cả nước.

Tính thuận tiện: kết quả chấm POBI 2020 cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về tính thuận tiện khi mà 100% số địa phương có thư mục công khai ngân sách và đa số các địa phương công bố tài liệu dưới dạng word/excel dễ dàng sử dụng và chuyển đổi. Tuy nhiên, việc sắp xếp các tài liệu ngân sách trong các thư mục vẫn chưa thực sự thuận tiện khi mà vẫn có địa phương mặc dù có thư mục rõ ràng về tài liệu ngân sách nhưng tài liệu thực tế lại được công bố ở một thư mục khác, gây khó khăn cho việc tiếp cận và tìm kiếm thông tin. Do đó, tài liệu nào cần phải được để đúng và chính xác trong thư mục đó, kể cả đối với các tài liệu khuyến khích công khai.
Tính liên tục: đây là năm đầu tiên thực hiện khảo sát về tính liên tục của các tài liệu được công khai. Mặc dù kết quả khảo sát khá tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những địa phương không công khai bất kỳ tài liệu nào trong ba năm gần nhất. Việc duy trì công khai các tài liệu ngân sách của các năm trước đó là rất cần thiết, không những phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin mà còn sử dụng cho việc kiểm chứng về tính tin cậy của các thông tin ngân sách. Do đó, sẽ là cần thiết để các địa phương duy trì việc công khai liên tục tài liệu ngân sách qua các năm, tối thiểu là trong vòng ba năm gần nhất.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định: “Điểm số POBI của các tỉnh năm đầu tiên chúng tôi thực hiện nhìn chung rất thấp, trung bình cả nước chỉ có 30 điểm thôi (năm 2017). Nghĩa là hầu như không tỉnh nào quan tâm đến việc tuân thủ minh bạch ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách 2015. Tuy nhiên, sang năm tiếp theo, thì có sự cải thiện mạnh mẽ khi các địa phương nhận ra họ ở vị trí nào trong bảng xếp hạng, điểm số POBI trung bình cả nước tăng vọt lên đến 50 (năm 2018), và tiếp tục lên 65 điểm vào năm 2019. Điều đó cho thấy các địa phương đều có ý thức cải thiện tính minh bạch ngân sách của mình theo đúng luật Ngân sách cũng như theo sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên đến năm 2020 là năm thứ tư thực hiện xếp hạng thì chúng tôi thấy sự cải thiện về số điểm POBI có dấu hiệu chững lại. Điểm tích cực là nhiều địa phương trước đây thứ hạng rất thấp, chưa quan tâm thực hiện công khai minh bạch ngân sách thì năm 2020 đã có cải thiện đáng kể. Ngoài ra, nhóm điểm cao, nhóm các địa phương có truyền thống công khai minh bạch ngân sách, tuân thủ luật Ngân sách thì vẫn giữ được phong độ ổn định”.

*
*       *

Khảo sát POBI được thực hiện hàng năm. Kết quả khảo sát là công cụ giúp các địa phương và cơ quan Trung ương tham chiếu, đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước tại các tỉnh. POBI cũng là công cụ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và tài khoá tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.

Vũ Hưng

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)