Thứ ba, 01/06/2021 15:02

Nghiên cứu hoàn thiện quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ

Với mục tiêu: 1) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; 2) Đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; 3) Cung cấp luận cứ khoa học cho dự án luật về hội trình Quốc hội, kết quả của đề tài “Hoàn thiện quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX.01.32/16-20 đã đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Tăng cường nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học để sớm ban hành Luật về Hội

Trong Hiến pháp 2013 (Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”), còn văn bản có hiệu lực trực tiếp điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các hội là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (thay thế cho Nghị định 88/2003). Nghị định này được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khẳng định vai trò của quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, của trí thức như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (số 25-NQ/TW) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và nhiều văn kiện quan trọng khác.

Theo nhóm nghiên cứu của đề tài “Hoàn thiện quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX.01.32/16-20 thì trong những năm vừa qua, ở Việt Nam cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến các tổ chức xã hội và việc phát huy tính tích cực chính trị của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, các hội quần chúng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những hoạt động nghiên cứu đó đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và công chúng. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, dự án Luật về Hội - đạo luật cơ bản về quyền lập hội, tổ chức và hoạt động của hội và tổ chức phi chính phủ, quản lý nhà nước đã được soạn thảo và trình 2 lần tại 3 nhiệm kỳ của Quốc hội (Khóa XI, XIII và XIV) nhưng đều không được thông qua. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường mạnh mẽ công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học để sớm ban hành và thực thi Luật về Hội.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hạn chế cơ bản của dự thảo Luật là chưa thể chế hóa đầy đủ những quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò của hội và các tổ chức phi chính phủ, về quyền của công dân, trách nhiệm và phương thức quản lý nhà nước về hội. Luật thiên về tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhưng chưa tạo điều kiện thuận lợi để các hội, tổ chức phi chính phủ phát triển và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung quan trọng về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, khái niệm về hội, quyền và nghĩa vụ của hội, hội viên và nhiều nội dung khác đều có những bất cập và vì vậy không đạt được sự tán thành của các đại biểu Quốc hội.

Trước hết phải thấy rằng, tâm lý e ngại sự phát triển của các hội sẽ tạo ra nguy cơ gây khó cho quản lý kiểu “thả gà ra đuổi” hay dẫn đến “diễn biến hoà bình”, hoặc theo kiểu “từ đa hội đến đa đảng” vẫn còn nặng nề, gây trở ngại cho những nỗ lực cải cách chính sách và pháp luật về hội. Việc Luật về Hội được khởi động soạn thảo từ hàng chục năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể thông qua cho thấy rõ điều này.

Cho đến nay, trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội vẫn chưa bao gồm dự án Luật về Hội. Việc hoàn thiện dự án Luật về Hội để sớm trình Quốc hội thông qua là yêu cầu không thể trì hoãn. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này thì công tác nghiên cứu đóng vai trò nòng cốt và cần thực hiện trước một bước.

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tự do hiệp hội, cần tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề khoa học, từ lý luận đến thực tiễn:

Một là, xem việc tăng cường tự do hiệp hội như là một trong những ưu tiên trong chính sách tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân hiện nay.

Hai là, tự do hiệp hội nên được quan niệm là một quyền dân sự, một dạng tự do hợp đồng của các cá nhân, chủ yếu do luật dân sự điều chỉnh. Cách tiếp cận này sẽ giúp tối thiểu hoá các thủ tục hành chính cho việc cấp phép thành lập các hội.

Ba là, để hoạt động của các hội được thuận tiện, cũng là để tôn trọng quyền tự do hiệp hội, các quy định về gây quỹ, nhận tài trợ, về triển khai các hoạt động (nhất là hội thảo, tập huấn), có hoặc không liên quan đến nước ngoài, nên được điều chỉnh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của các hội.

Khuyến nghị chính

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học của một đề tài cấp nhà nước, nhóm nghiên cứu có điều kiện nghiên cứu vấn đề về hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ một cách hệ thống, phân tích sâu sắc những mặt tích cực trong xu hướng vận động và phát triển của các hội và tổ chức xã hội. Từ đó, đề xuất xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ, khả thi, đặc biệt là Luật về Hội; tổ chức triển khai thực thi luật một cách đúng đắn theo chủ trương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm thực thi quyền công dân trong bối cảnh chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Việc nâng cao vị thế, vai trò, khơi dậy và phát huy tiềm năng, nguồn vốn xã hội của hội, tổ chức phi chính phủ, đồng thời phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, từ kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất các khuyến nghị sau:

Đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách

Theo nhóm nghiên cứu, Quốc hội cần thúc đẩy nhanh việc soạn thảo và thông qua Luật về Hội để làm cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hội và tổ chức phi chính phủ. Cần chỉ đạo, các cơ quan tham mưu của Quốc hội có sự tham vấn của giới trí thức, các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về hội và tổ chức phi chính phủ, tổng hợp các ý kiến tư vấn, phản biện mang tính xây dựng chuyển giao đến cơ quan xây dựng dự thảo Luật về Hội để sớm hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội trình Quốc Hội xem xét, ban hành.

Bộ Nội vụ cần sớm nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật về Hội để trình Quốc hội khóa XV. Cần nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các hội và tổ chức phi chính phủ dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể giảm bớt các thủ tục gây khó khăn, phiền hà trong việc xác định tên, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động hội, phê duyệt Điều lệ hội, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc các hoạt động liên quan đến hoạt động hội như trong các vấn đề tài chính, thuế, tiếp cận dịch vụ công. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về giám sát và xử lý các vi phạm trong quản lý nhà nước về hội.

Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp tham gia quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành mình trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hội và phi chính phủ phù hợp với pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu và định hướng hoạt động quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ theo một số nguyên tắc sau: i) Cần đẩy mạnh hoạt động và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, dịch vụ công tạo động lực cho hoạt động hội và tổ chức phi chính phủ; ii) Cần nghiên cứu, ban hành bộ quy chuẩn chuyên môn, nghề nghiệp cho các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của các hội và tổ chức phi chính phủ; iii) Cần tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về các hội, tổ chức phi chính phủ, xây dựng ngân hàng chuyên gia trong các lĩnh vực.

Đối với các hội và tổ chức phi chính phủ

Đối với các nhà quản lý hội và tổ chức phi chính phủ cần phải nghiên cứu đổi mới, xây dựng và kiện toàn môi trường chính sách, cơ chế quản lý hoạt động của đơn vị mình. Gắn hoạt động quản lý với sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích, phạm vi hoạt động ở mỗi cơ quan, tổ chức với các hoạt động chung trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội và tổ chức phi chính phủ hướng đến chất lượng, hiệu quả.

Cần xác lập các tiêu chí công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng hội viên trong các cơ chế và nguyên tắc quản lý, sử dụng lao động, đãi ngộ và trả công xứng đáng cho chuyên gia, cán bộ đang làm việc chuyên trách tại cơ quan, tổ chức của họ.

Đối với các hội và tổ chức phi chính phủ có quy mô hoạt động lớn cần có những biện pháp sàng lọc, tinh gọn bộ máy, giải thể, sáp nhập những bộ phận hoạt động kém hiệu quả để các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Gắn hoạt động tổ chức với nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục ý thức chính trị cho hội viên, đào tạo nâng cao năng lực hội viên, mở rộng khả năng hợp tác trong và ngoài nước.

Cần xây dựng ý thức kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của tổ chức, kết hợp với hệ giá trị hiện đại của xã hội, từ đó từng bước củng cố vị thế, vai trò của tổ chức đối với xã hội. Tuân thủ việc thực hiện điều lệ, khắc phục những điểm hạn chế của tổ chức, tăng cường giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo việc phát triển đúng định hướng và lành mạnh cho các hội và tổ chức phi chính phủ.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)