Thứ năm, 27/05/2021 14:48

Miễn trừ hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin trong cuộc chiến chống Covid-19?

Tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất về việc miễn trừ tạm thời nghĩa vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các sản phẩm y tế phòng chống Covid-19, điển hình là vắc xin. Đề xuất này mới đây đã nhận được ủng hộ của Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu... Bài viết phân tích cơ sở của việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT, các đề xuất và vấn đề liên quan đang được thảo luận tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ngày 6/5/2021, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 của chính quyền Hoa Kỳ. Nhiều nước thành viên WTO và các tổ chức phi chính phủ, điển hình là Liên minh vắc xin nhân dân  đã bày tỏ quan điểm ủng hộ tuyên bố này. Mới đây nhất, ngày 20/5/2021, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua việc kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ đề xuất nêu trên. Về phía Việt Nam, ngày 13/5/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu thể hiện quan điểm ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 để vắc xin sớm được phổ biến rộng rãi đến tất cả các nước trên thế giới. Dưới đây là phân tích về cơ sở của miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT và các vấn đề đang được thảo luận tại WTO.

Cơ sở miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT trong Hiệp định TRIPS

Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) trong khuôn khổ WTO quy định các nước phải dành sự bảo hộ đầy đủ và thỏa đáng đối với hầu hết các đối tượng quyền SHTT, trên cơ sở kế thừa các điều ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực SHTT như Công ước Paris về quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Bern... Hiệp định cũng có quy định linh hoạt nhất định về nghĩa vụ trên để các nước có thể sử dụng đối tượng quyền SHTT mà không cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền SHTT trong một số tình huống nhất định, trong đó có tình huống cần thiết phải bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong quá trình thi hành Hiệp định TRIPS, các nước thành viên đã nhận thấy rằng, các quy định linh hoạt liên quan đến bảo hộ sáng chế trong Hiệp định chưa thực sự giải quyết được vấn đề tiếp cận dược phẩm cho người dân các nước chậm phát triển và đang phát triển bởi phần lớn các nước này không có đủ năng lực sản xuất dược phẩm. Vì vậy, Tuyên bố Doha về “Hiệp định TRIPs và sức khỏe cộng đồng” ngày 14/11/2001 (Tuyên bố số 254/WTO/VB) và tiếp sau đó là Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS đã được thông qua, trong đó bổ sung linh hoạt để các nước không có năng lực sản xuất dược phẩm có thể tiếp cận được nguồn cung từ bên thứ ba với giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, cùng với một số hiệp định khác của WTO, việc miễn trừ thực hiện nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS đã được các thành viên WTO thống nhất đưa ra tại khoản 3 Điều IX của Hiệp định Marrakesh về việc thành lập WTO. Theo đó, trong những trường hợp ngoại lệ, Hội nghị Bộ trưởng có thể quyết định miễn trừ một nghĩa vụ được bất kỳ một Hiệp định thương mại đa phương nào quy định cho một nước thành viên, với điều kiện quyết định này được thông qua bởi 3/4 số nước thành viên trừ khi có quy định khác. Đối với Hiệp định TRIPS, yêu cầu miễn trừ một nghĩa vụ nào đó trong Hiệp định này phải được đệ trình riêng rẽ lên Hội đồng TRIPS để xem xét trong thời hạn không quá 90 ngày, sau đó Hội đồng sẽ đệ trình báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng để ra quyết định cuối cùng.

Vấn đề đang được thảo luận tại WTO

Hoa Kỳ, EU hay một số nước phát triển gần đây tuyên bố ủng hộ miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với quá trình cả thế giới đang phải chống lại dịch bệnh do SARS-COV-2 gây ra. Tuy nhiên, mục tiêu mà nhiều nước chậm và đang phát triển đấu tranh để đạt được nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống Covid-19 này thì rộng hơn nhiều.

Ngày 2/10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã đệ trình tới Hội đồng TRIPS đề xuất về việc miễn trừ tạm thời nghĩa vụ bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm và công nghệ y tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 cho đến khi thế giới đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng. Các nghĩa vụ được đề xuất miễn trừ gồm nghĩa vụ tại mục 1 (Quyền tác giả và quyền liên quan), mục 4 (Kiểu dáng công nghiệp), mục 5 (Sáng chế) và mục 7 (Bảo hộ thông tin bí mật) thuộc phần II và nghĩa vụ thực thi các mục đó thuộc phần III của Hiệp định TRIPS. Theo đề xuất này, các nước thành viên được tạm ngưng việc bảo hộ SHTT trên toàn cầu đối với các sản phẩm liên quan đến Covid-19 bao gồm bộ chẩn đoán, thuốc điều trị, vắc xin và thiết bị y tế cần thiết để ngăn chặn sự lan rộng của SARS-CoV-2. Các quyền SHTT được áp dụng trong đề xuất gồm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thông tin bí mật.

Vấn đề này đã được thảo luận ở Hội đồng TRIPS và sau đó là Đại Hội đồng WTO. Đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi đã nhận được các phản ứng trái chiều từ các nước thành viên WTO với hai luồng ý kiến chính. Bên ủng hộ, gồm 2/3 số nước thành viên WTO ,  trong đó có Việt Nam và các tổ chức quốc tế liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ cho rằng, miễn trừ một số nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS là phương án toàn diện nhất hiện nay so với việc thực hiện cấp phép bắt buộc và các linh hoạt khác trong TRIPS, trong khi không làm giảm động lực sáng tạo vì các cơ sở nghiên cứu vắc xin đã nhận được nguồn tài trợ rất lớn cho việc phát triển vắc xin của họ. Đồng thời thế giới đã từng chứng kiến hậu quả khi không áp dụng đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền SHTT đối với thuốc điều trị HIV/AIDS trước đây. Bên phản đối, gồm một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sỹ, các nước châu Âu như Đức, Anh..., đưa ra các ý kiến ngược lại.

Ngày 6/5/2021, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ việc từ bỏ bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19 của chính quyền Hoa Kỳ. Tuyên bố này khẳng định, “Mỹ ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo hộ quyền SHTT đối với vắc xin Covid-19. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán với WTO để biến điều đó thành hiện thực”. Mới đây, ngày 20/5/2021, Nghị viện châu Âu đã thông qua việc kêu gọi EU ủng hộ quan điểm mới của Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, một số quan điểm, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất vắc xin cho rằng, đề xuất này không khuyến khích sáng tạo và cũng không giải quyết được vấn đề tiếp cận vắc xin trên toàn cầu, bởi vì khó khăn thực chất trong sản xuất vắc xin chất lượng tốt nằm ở việc thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu, nhân lực có trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại và quy trình công nghệ  để sản xuất chứ không chỉ là rào cản về SHTT đối với bản thân vắc xin Covid-19. Để minh chứng cho luận điểm này, Tập đoàn Pfizer đã chia sẻ công khai toàn bộ quy trình sản xuất vắc xin Covid-19 của họ. Theo đánh giá của giới khoa học, muốn thực hiện được toàn bộ quy trình này cần một nguồn cung nguyên liệu đầy đủ; và trình độ, cơ sở vật chất ở mức tiên tiến vì có nhiều công nghệ mới với các nước đang phát triển như công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.  

Vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Mặc dù vậy, động thái của Hoa Kỳ, EU và rất nhiều nước trong WTO là tín hiệu tích cực cho việc đạt được sự đồng thuận về đề xuất miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền SHTT, ít nhất là áp dụng đối với vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, quá trình đàm phán về việc miễn trừ bảo hộ quyền SHTT đối với cả các công nghệ cũng như vật tư, sản phẩm y tế liên quan đến Covid-19 như đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của các bên.

Đồng thời, với việc nỗ lực để đạt được sự đồng thuận trong WTO về vấn đề quyền SHTT vẫn còn nhiều giải pháp khác cần được thực hiện song song để tăng nguồn cung vắc xin như: thúc đẩy các thỏa hiệp giữa các nhà chế tạo vắc xin và các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển, tiếp tục phát triển cơ chế COVAX (cơ chế đa phương nhằm tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 do WHO và Liên minh vắc xin điều phối), xóa bỏ rào cản đối với xuất khẩu vắc xin ra nước ngoài...

Cục Sở hữu trí tuệ


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)