Mở đầu
Truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản nói riêng, đời sống xã hội toàn dân nói chung. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản tại tỉnh Quảng Ngãi đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này nên chủ động triển khai nhằm hỗ trợ kiểm soát chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa thông tin với đối tác và người tiêu dùng, nâng cao hình ảnh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, xem là giải pháp đột phá, phù hợp với tình hình chung và yêu cầu mới khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số bất cập, khó khăn như: truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm; hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác; việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống; có hiện tượng “không xác định được tem truy xuất nguồn gốc” trên thị trường. Từ thực tiễn đó, chúng tôi nghiên cứu thực trạng ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản tại tỉnh Quảng Ngãi và đề xuất một số giải pháp ứng dụng nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đóng trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm nông sản đặc trưng và thực trạng ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản
Sản phẩm nông sản đăc trưng của tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu là tỏi, hành Lý Sơn, hành tím Bình Hải, nén Bình Phú, trái cây Nghĩa Hành, cá bống Sông Trà, Đường phèn, đường phổi, ớt xiêm, bò khô… theo Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 18/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Toàn tỉnh có 46 hợp tác xã đang thực hiện một số chuỗi giá trị hàng nông sản như tỏi, hành, trái cây, rau có chiều hướng phát triển tốt. Kết quả khảo sát các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi về nhận thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm được trình bày ở bảng 1.
Bảng 1. Anh/chị có biết, quan tâm về truy xuất nguồn gốc không?.
Nội dung
|
Số lượng
|
Tỷ lệ
|
Có
|
30
|
60%
|
Không
|
15
|
30%
|
Không quan tâm
|
5
|
10%
|
Kết quả bảng 1 cho thấy, trong toàn bộ mẫu, 60% (30/50) doanh nghiệp nhận biết, quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, còn lại là không biết (15/50) và không quan tâm (5/50). Trong 30 đơn vị đã biết, quan tâm đến truy xuất nguồn gốc thì có 13 đơn vị đã ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc (bảng 2).
Bảng 2. Các đơn vị đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản tại tỉnh Quảng Ngãi.
TT
|
Đơn vị
|
Sản phẩm
|
1
|
Công ty Cổ phần Dori
|
- Tỏi Lý Sơn
- Hành tím Lý Sơn
|
2
|
Công ty TNHH MTV hải đảo Lý Sơn
|
- Tỏi Lý Sơn
- Hành tím Lý Sơn
|
3
|
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Hải (Bình Sơn)
|
- Hành tím Bình Hải
|
4
|
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Phú (Bình Sơn)
|
- Nén Bình Phú
|
5
|
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Long
|
- Kiệu Bình Long
|
6
|
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thu Ba
|
- Bò khô Thu Ba
|
7
|
Hợp tác xã nông nghiệp Hành Nhân
|
- Trái cây Nghĩa Hành
|
8
|
Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao QNASAFE
|
- Rau quả an toàn QNASAFE
|
9
|
Hợp tác xã nấm Đức Nhuận (Mộ Đức)
|
- Nấm Đức Nhuận
|
10
|
Cơ sở Nguyễn Anh Tiến
|
- Mạch nha Kim Hồng
|
11
|
Cơ sở Huy Ny
|
- Bánh mè Huy Ny
|
12
|
Cơ sở sản xuất rượu Quang Hải
|
- Rượu trái cây
|
13
|
Hợp tác xã Mẫm Việt
|
- Rau an toàn
|
Nguồn: tổng hợp của tác giả.
Tuy nhiên, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là tem truy xuất chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống; các doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn có những khoảng trống lớn về nhận thức, kiến thức, năng lực và các điều kiện cần có để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; sự truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài; chưa có quy định về trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan; thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; thông tin chưa minh bạch và chưa được xác nhận của bên thứ 3; chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…
Một số giải pháp về ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá nông sản
Để tạo sự chuyển biến cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, cần chuẩn hóa thông tin truy xuất và tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác giữa các tác nhân, tăng tính minh bạch. Nâng cao năng lực áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp.
Hai là, các thông tin cần có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ chuỗi quá trình tạo ra sản phẩm đó, có nhật ký điện tử. Đồng thời, xây dựng quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn để kết nối thông tin trong tỉnh.
Ba là, cần áp dụng mã hồ sơ để định danh sản phẩm, xây dựng hệ thống định danh hộ/đơn vị sản xuất, áp dụng mã đơn vị hành chính định danh vùng sản xuất; xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế (GS1) gắn liền với xúc tiến thương mại và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Bốn là, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ; ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong nông nghiệp góp phần thay đổi phương thức sản xuất, tập trung phát triển sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm soát được chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Trong xu thế hội nhập và với những đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm có thể xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng thương hiệu nông sản. Có thể nói rằng, giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa là công cụ chống hàng giả rất hiệu quả, hơn hẳn các biện pháp khác hiện có trên thị trường Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, nó là công cụ, phương tiện hữu ích góp phần cùng các đơn vị chức năng thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Từ đó, có thể bảo vệ hàng hóa, thương hiệu hàng nông sản Quảng Ngãi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ vững thị trường nội địa và hướng tới thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được thành công đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành, sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ của toàn xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Xuân Trường, Phạm Thị Phương Thảo, Đỗ Thị Tuyết, Bùi Ngọc Bích, Vũ Hoàng Dương, Phan Hồng Nga (2018), “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Yêu cầu tất yếu”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2A, tr.46-48.
2. Nguyễn Thị Hoài Thu (2011), Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam, Luận văn thạc sỹ quản trị kinh doanh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
3. Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê Duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
4. Quyết định số 457/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Kế hoạch thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.