Thứ ba, 08/06/2021 09:55

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong lĩnh vực tài chính

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi căn bản cấu trúc vận hành kinh tế toàn cầu cũng như nhận thức và hành vi của con người, các thành tựu khoa học và công nghệ đột phá, trong đó có nền tảng tài chính số đã và đang cho thấy được tầm quan trọng của chúng trong bối cảnh đại dịch. Trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Blockchain được nhận định là xu hướng ứng dụng tiềm năng trong tương lai. Công nghệ chuỗi khối không những có khả năng thay đổi thị trường tiền tệ thế giới mà cả ngành ngân hàng nói chung. Đây cũng chính là nội dung thảo luận tại Hội thảo trực tuyến “Công nghệ chuỗi khối và ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - Blockchain and Financial Applications” do Học viện Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phối hợp với Đại học Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan) và Đại học Tài chính (Liên bang Nga) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nền tảng cho nhiều ứng dụng

Với tư cách là công nghệ nền tảng cho rất nhiều ứng dụng phục vụ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như chứng khoán, thanh toán, tài trợ thương mại, định danh khách hàng điện tử..., blockchain được coi là công nghệ điển hình của cuộc CMCN 4.0 với khả năng có thể thay đổi cơ bản ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính trong những năm sắp tới.

Blockchain hay cuốn sổ cái (dịch ra tiếng việt là chuỗi khối), tên ban đầu của nó là block chain, là một hệ thống cơ sở dữ liệu chứa thông tin, được dùng để lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau, và được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống, thay vì một bên thứ 3 riêng lẻ như nhà nước hay ngân hàng trung ương; đồng thời cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn bằng một hệ thống mã hóa phức tạp, và được mở rộng theo thời gian. Blockchain được tạo ra để chống lại sự thay đổi dữ liệu trong hệ thống, đồng thời công nghệ blockchain (blockchain technology) cũng có một tính năng rất đặc biệt, đó là việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian nào để xác nhận thông tin, bởi vì trong hệ thống blockchain tồn tại rất nhiều nút hoạt động độc lập, có khả năng xác thực các thông tin trong hệ thống mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”.

Thông tin khi được nhập vào trong chuỗi khối thì sẽ không thể thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự chấp thuận của tất cả mọi người trong hệ thống. Đây là một hệ thống đảm bảo sự an toàn rất cao cho các dữ liệu trước các nguy cơ bị đánh cắp, nhất là các dữ liệu nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ thanh toán… Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain bị tấn công thì các phần khác không bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Blockchain được các chuyên gia trên thế giới ví như một cuốn sổ kế toán chính (hay còn gọi là cuốn sổ cái) của một công ty, nơi mà mọi hoạt động liên quan đến tiền của công ty được giám sát rất chặt chẽ.

Có thể khẳng định, blockchain là một cuốn sổ cái hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và dữ liệu được lưu trữ là các dữ liệu số. Các đặc điểm chính của blockchain có thể kể đến bao gồm:

Thứ nhất, không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi blockchain: các chuỗi blockchian gần như không thể bị phá hủy được, và theo lý thuyết thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể can thiệp vào và giải mã chuỗi blockchain và nó chỉ bị phá hủy hoàn toàn khi không còn internet trên toàn cầu.

Thứ hai, bất biến: dữ liệu trong blockchan gần như không thể sửa đổi được (chỉ có thể sửa đổi được bởi chính người đã tạo ra nó, nhưng phải được sự đồng thuận của các nút trên mạng) và các dữ liệu đó sẽ lưu giữ mãi mãi.

Thứ ba, bảo mật dữ liệu: các thông tin, dữ liệu trong các chuỗi blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối, chỉ có người nắm giữ chìa khóa riêng (private key) mới có quyền truy xuất dữ liệu đó.

Thứ tư, minh bạch: ai cũng có thể theo dõi được đường đi của dữ liệu trong blockchain từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.

Thứ năm, hợp đồng thông minh: là các kỹ thuật số được nhúng bởi một đoạn code trong hệ thống, cho phép chúng tự thực thi mà không cần bên thứ ba. Blockchain không cần bên thứ ba tham gia vào hệ thống và nó bảo đảm rằng tất cả các bên tham gia đều biết được chi tiết hợp đồng và các điều khoản sẽ được tự động thực hiện một khi các điều kiện được bảo đảm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính

PGS.TS Lê Văn Luyện - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho cho rằng, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho các chuyên gia, nhà quản lý và những người trực tiếp ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính là rất cần thiết. PGS.TS Lê Văn Luyện nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi căn bản cấu trúc vận hành kinh tế toàn cầu cũng như nhận thức và hành vi của con người, các thành tựu khoa học và công nghệ đột phá, trong đó có nền tảng tài chính số đã và đang cho thấy được tầm quan trọng của chúng trong bối cảnh đại dịch.

Hội thảo trực tuyến “Công nghệ chuỗi khối và ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - Blockchain and Financial Applications” vừa được tổ chức tháng 5/2021.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ứng dụng hữu ích đầu tiên được biết đến rộng rãi từ công nghệ blockchain có lẽ là bitcoin và các loại tiền điện tử. Bitcoin Atom: là một nhánh mới của bitcoin, cho phép trao đổi tiền mã hóa dễ dàng mà không tốn phí giao dịch và không thể bị tấn công khi giao dịch, khiến bitcoin thực sự được phân cấp lại. Công nghệ này dựa trên các hoán đổi nguyên tử (atomic swaps) - được xem là một công cụ vô giá để trao đổi các đồng tiền mã hóa và không cần phải có một bên thứ ba đáng tin cậy. Nhưng hiện tại, việc áp dụng rộng rãi các giao dịch hoán đổi nguyên tử đã bị ngăn chặn vì chúng đòi hỏi phải có kỹ năng kỹ thuật cao; Bitcoin Atom có thể giải quyết vấn đề này một phần nào đó. Securrency: là một nền tảng giao dịch tiền mã hóa và một vài loại tài sản, bao gồm cả những tài sản không hoán đổi thành tiền mặt, được trao đổi thông qua token của Securrency. Ripple: nhằm đến việc trở thành một nhà cung cấp giải pháp thanh toán toàn cầu bằng cách kết nối ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, doanh nghiệp và các giao dịch tài sản kỹ thuật số, cho phép giải quyết ngay tức thì, theo nhu cầu trên toàn cầu… ABRA: là một ứng dụng toàn cầu và ví tiền mã hóa cho phép bạn mua, đầu tư và trữ 20 loại tiền mã hóa, bao gồm Bitcoin, ethereum, litecoin… Thực tế những năm gần đây cho thấy, các ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, đầu tư vào một số công nghệ của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình, triển khai thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng để khai thác thị trường...

Mặc dù việc triển khai rộng rãi công nghệ này hiện tại còn đối diện với nhiều thách thức, trở ngại, trong đó có những quan ngại về khả năng mở rộng quy mô của blockchain, khả năng tương thích của công nghệ này với các hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, cũng như tính pháp lý của thông tin trong khối dữ liệu và của hợp đồng thông minh và những rủi ro kèm theo nó...  Tuy nhiên, đây là một xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số khi nền kinh tế số trở nên ngày càng rõ nét như hiện nay. Do vậy, các tổ chức tài chính và ngân hàng tại Việt Nam cần đẩy mạnh việc chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thống đỏi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Nguyễn Trọng Tài

Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)