Thứ ba, 15/06/2021 09:41

Đến năm 2030, Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu trên thế giới

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược 942). Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chiến lược do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức triển khai.

Chiến lược 942 nêu rõ: Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Mục tiêu của Chiến lược 942 đến năm 2025:

Một là, cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội, trong đó đạt một số chỉ tiêu cơ bản: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.

Hai là, huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Một số chỉ tiêu cơ bản: 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước; 100% cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số.

Ba là, vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước: 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhât; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tối thiểu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến…

Bốn là, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng; có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số; học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng; người dân ở độ tuổi lao động đều có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm; mỗi tuyến giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh…

Năm là, thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia. Xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có sự thay đổi đột phá. Một số chỉ tiêu cơ bản: thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể; 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử; 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, Chiến lược 942 đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm quốc gia như: 1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; 2) Phát triển hạ tầng số (hạ tầng mạng, nền tảng điện toán đám mây Chính phủ); 3) Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; 4) Phát triển dữ liệu số quốc gia; 5) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; 6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Chiến lược 942 cũng nêu rõ một số giải pháp như: tổ chức, bộ máy, mạng lưới; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; chuẩn hoá, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; hợp tác quốc tế; bảo đảm kinh phí; đo lường, giám sát, đánh giá triển khai.

VVH




 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)