Thu nhập và chi tiêu
Thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng). Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng. Vùng có TNBQ đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,0 triệu đồng 1 người 1 tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có TNBQ đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng 1 người 1 tháng).
Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.
Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016). Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần. Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.
Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,35 triệu đồng và không phải ăn uống hút là xấp xỉ 1,37 triệu đồng.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần năm 2020, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.
Giáo dục và y tế
Năm 2020, có 14,9% dân số từ 15 tuổi trở lên không có bằng cấp hoặc chưa bao giờ đến trường, giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2018; 20,1% tốt nghiệp tiểu học; 28,5% tốt nghiệp THCS; 17,2% tốt nghiệp THPT; 19,3% có bằng cấp nghề hoặc cao đẳng, đại học trở lên. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường hoặc không có bằng cấp của nhóm hộ nghèo nhất là 33,3%, gấp 5,1 lần so với nhóm hộ giàu nhất; của nữ giới là 18,0%, gấp 1,6 lần so với của nam giới. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có bằng cao đẳng, đại học và trên đại học cũng có khoảng cách đáng kể giữa hai nhóm hộ nghèo nhất và nhóm hộ giàu nhất (1,6% so với 28,5%).
Có khoảng cách đáng kể trong đầu tư giáo dục giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất (ảnh: qdnd.vn)
Tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông. Xu hướng này cho thấy giáo dục đang được nâng cao, hướng tới phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Xét theo loại trường đang học, có 95,0% học sinh đang học tại trường công lập, giảm nhẹ so với năm 2018. Ngược lại, tỷ lệ học sinh đang học tại các trường dân lập, tư thục vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ và giữ nguyên so với năm 2018 (chỉ 4,8%). Các hộ gia đình thuộc nhóm giàu có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều các hộ thuộc nhóm nghèo (12,3% so với 1,3%), tương tự thì tỷ lệ học tại các trường dân lập, tư thục ở khu vực thành thị cũng cao hơn khu vực nông thôn (9,6% so với 2,1%). Việc lựa chọn học trường tư một phần nguyên nhân do tình trạng đăng ký hộ khẩu, số liệu cho thấy, nhóm dân số không có đăng ký hộ khẩu có tỷ lệ học tại các trường tư cũng cao hơn so với nhóm dân sô có đăng ký hộ khẩu (20,4% so với 4,4%).
Trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học trong 12 tháng, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Có thể thấy rằng đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học trong 12 tháng, cao hơn hộ nông thôn 2,1 lần; nhóm hộ giàu nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018. Nhìn chung chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều về giới. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rõ rệt khi quan sát theo cấp vùng, vùng có chi tiêu cho giáo dục, đào tạo cao nhất là Đông Nam Bộ hơn 11,0 triệu đồng/người/12 tháng, cao hơn 3,6 lần so với Trung du và miền núi phía Bắc. Có thể thấy rằng, sự chênh lệch về chi cho giáo dục giữa các vùng đang dần thu hẹp.
Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí (35,1%), học thêm (17,5%) và chi giáo dục khác (khoảng 26,6%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn.
Chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học trong 12 tháng qua tại các trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/12 tháng, thấp hơn nhiều so với các loại trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/12 tháng) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/12 tháng).
Có 35,7% dân số khám chữa bệnh trong năm 2020, trong đó 33,87% người khám chữa bệnh ngoại trú và 7,1% người khám chữa bệnh nội trú. Chi tiêu trung bình 1 người có khám chữa bệnh là khoảng 3 triệu đồng.
VVH