Thứ sáu, 09/07/2021 10:14

Bài học kinh nghiệm về tăng cường các giải pháp an sinh xã hội đối với các cuộc khủng hoảng trong tương lai từ đại dịch COVID-19

Thị trường lao động Việt Nam đã chịu tác động rất lớn khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Tuy nhiên, chiến lược kiểm soát dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế đã giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của đại dịch đối với thị trường lao động trong nước, nhờ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020. Việt Nam đã triển khai các biện pháp an sinh xã hội để giảm thiểu tác động của đại dịch với các hộ gia đình và doanh nghiệp trong thời điểm thị trường lao động bị gián đoạn. Tuy vậy, giải pháp chính sách thường bỏ qua một số nhóm bị ảnh hưởng và Chính phủ khó có thể mở rộng quy mô thực hiện trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn. Với những hạn chế đó, mỗi giải pháp chính sách nhằm hạn chế tác động của COVID-19 đều đặt ra nhu cầu đổi mới hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam để phù hợp hơn trong cả trạng thái bình thường và khủng hoảng. Đây là những nhận định được Ngân hàng Thế giới vừa công bố trong báo cáo “Thị trường lao động và sự bùng phát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam: Tác động và bài học kinh nghiệm đối với an sinh xã hội”.

Trợ giúp xã hội dành cho các lao động bị mất việc làm.

Để ứng phó với những gián đoạn trong phát triển kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai gói biện pháp an sinh xã hội. Gói biện pháp này bao gồm trợ giúp xã hội dành cho các đối tượng đang hưởng và đối tượng mới, bao gồm lao động phi chính thức; tạm dừng đóng góp bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; và trợ cấp tiền lương. Mức độ bao phủ của các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội còn hạn chế do khó khăn khi mở rộng hỗ trợ cho các đối tượng mới, đặc biệt là lao động phi chính thức. Do đó, phạm vi hỗ trợ nhìn chung còn thấp. Mặc dù mức trợ cấp dành cho các đối tượng hưởng là khá lớn nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực nhưng mức trợ cấp chỉ đảm bảo mức thu nhập tương đối thấp cho những lao động mất việc làm.

Giải pháp ứng phó với COVID-19 của Việt Nam đã mang lại một số bài học để ứng phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Giải pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai nên tập trung vào các hành động tham vọng hơn, bao gồm cung cấp mức hỗ trợ lớn hơn trên quy mô rộng hơn trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng, đồng thời giảm dần mức hỗ trợ mục tiêu sau khi đã đánh giá kỹ các tác động. Cuộc khủng hoảng cũng cho thấy hệ thống an sinh xã hội tích hợp cần đưa ra giải pháp ứng phó nhanh, hiệu quả hơn trong xác định đối tượng đủ điều kiện, tiến hành đăng ký và thực hiện chi trả thông qua sử dụng công nghệ số. Cuối cùng, sự bùng phát của đại dịch cũng cho thấy các cấu phần về phòng ngừa, bảo vệ của hệ thống an sinh xã hội còn thiếu tính liên kết với các hoạt động nâng cao năng lực, đặc biệt là các chương trình thị trường lao động tích cực. Dựa trên những bài học kinh nghiệm này, Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn sau đại dịch COVID-19 bằng cách xây dựng một hệ thống an sinh xã hội có thể cung cấp phúc lợi, dịch vụ hiệu quả và hiệu lực hơn để bảo vệ và nâng cao biện pháp an sinh xã hội cho người dân trong cả trạng thái bình thường và khủng hoảng.

Bài học thứ nhất: giải pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai nên tập trung vào các hành động tham vọng hơn và cần được bắt đầu chuẩn bị ngay từ thời điểm này. Bài học này nhấn mạnh đến một số giải pháp cụ thể: 1) Xây dựng các tiêu chí xác định đối tượng, điều kiện hưởng và thủ tục nộp hồ sơ đơn giản để đảm bảo triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ theo kế hoạch; 2) Cung cấp mức hỗ trợ lớn hơn trên quy mô rộng hơn trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng, đồng thời giảm dần mức hỗ trợ mục tiêu sau khi đã đánh giá kỹ các tác động và khi xuất hiện các dấu hiệu phục hồi; 3) Triển khai hệ thống bảo hiểm thất nghiệp bằng cách nới lỏng các tiêu chí hưởng trợ cấp, đơn giản hóa thủ tục hưởng và điều chỉnh mức cũng như thời gian hưởng trợ cấp; 4) Mở rộng phạm vi các giải pháp ổn định thị trường lao động tự động bằng cách cho phép quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp tiền lương trong trường hợp suy thoái kinh tế.

Bài học thứ hai: xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tích hợp và hiệu quả hơn. Cụ thể là: 1) Phát triển hệ thống đăng ký xã hội tích hợp với hệ thống nhận dạng hiệu quả, làm cơ sở triển khai nền tảng an sinh xã hội và cho phép xác định đối tượng tiềm năng, rà soát và xác định đối tượng an sinh xã hội dễ dàng, nhanh chóng và nhất quán hơn; 2) Triển khai các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ việc tham gia các chương trình an sinh xã hội thuận tiện hơn, đồng thời đảm bảo hệ thống chi trả trợ giúp xã hội nhanh chóng và an toàn hơn; 3) Để cải thiện khả năng ứng phó của hệ thống an sinh xã hội trong dài hạn, tách biệt trợ giúp xã hội với tình trạng việc làm của người được hưởng, tăng cường phối hợp thể chế và bổ sung ngân sách cho cho hệ thống an sinh xã hội thông qua các nguồn thu khác nhau.

Bài học thứ ba: kết hợp các biện pháp nâng cao năng lực với các giải pháp an sinh xã hội để ứng phó các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Bài học này khẳng định một số điểm: 1) Tăng cường và phối hợp các nhóm chính sách thị trường lao động tích cực (ALMP) khác nhau, đặc biệt là các dịch vụ đào tạo và việc làm, đồng thời liên kết ALMP với các giải pháp trợ giúp xã hội và an sinh xã hội để thúc đẩy khả năng tiếp cận việc làm tốt khi quá trình phục hồi bắt đầu; 2) Tăng cường đào tạo trong dài hạn, phát triển hệ thống đào tạo dựa trên nhu cầu; 3) Trong ngắn hạn, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động để theo dõi, đánh giá hiệu quả đào tạo, làm cơ sở đưa phương thức đạo tạo trực tuyến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu và triển khai nhanh hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch; 4) Để tăng cường dịch vụ việc làm trong dài hạn, cần phát triển các dịch vụ tư vấn và kết nối việc làm theo định hướng dựa vào kết quả; 5) Trong ngắn hạn, cần nâng cao hiệu quả dịch vụ việc làm bằng hình thành trạm quan sát thị trường lao động tập trung và sử dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng phạm vi tiếp cận của các nhóm đối tượng tới dịch vụ việc làm.

TD

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)