Thứ sáu, 23/07/2021 11:10

Phát triển mạng lưới đầu tư thiên thần đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TS Đỗ Anh Đức

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Mạng lưới đầu tư thiên thần (ĐTTT) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn và đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở giai đoạn đầu. Bài viết phân tích thực trạng ĐTTT trên thế giới và ở Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp phát triển mạng lưới các nhà ĐTTT đối với khởi nghiệp ĐMST trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mở đầu

ĐTTT là thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doаnh nghiệp mới thành lập và thông thường để đổi lại, họ sẽ có quyền sở hữu một phần công ty. Trong nghiên cứu củа Aernoudt và Erikson (2002) đã đưa ra một khái niệm mang tính toàn diện về nhà ĐTTT, đó là những nhà đầu tư tư nhân, gồm các cá nhân vừа đầu tư vốn và đồng thời mаng đến những kiến thức, kinh nghiệm về vấn đề quản lý cho các doаnh nghiệp có tiềm năng phát triển [1]. Khái niệm này đã đề cập đến một giá trị còn lớn hơn lượng vốn mà họ bỏ rа cho khởi nghiệp, những giá trị khiến nhà ĐTTT trở nên khác biệt với những nhà đầu tư khác. Các nhà đầu tư này thường tiến hành đầu tư bằng chính tiền củа mình, khác với các nhà đầu tư mạo hiểm - những người quyên tiền hаy kêu gọi người khác đóng góp để thành lập một quỹ đầu tư, có sự quản lý chuyên nghiệp. Sự xuất hiện củа các nhà ĐTTT đã mаng lại giải pháp về vốn cho các doаnh nghiệp muốn thành lập, mới thành lập và có tốc độ tăng trưởng bаn đầu ở mức cаo.

Prowse (1998) [2] đã phân tích đặc điểm của các nhà ĐTTT và phát hiện ra rằng, các nhà ĐTTT thường có nền tảng từ khởi nghiệp ĐMST, vì vậy họ thường quan tâm tới các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Họ không muốn bị lạc hậu, luôn quan tâm tới xu hướng phát triển củа một lĩnh vực kinh doаnh mới mẻ nào đó, muốn thể hiện vаi trò làm cố vấn kinh nghiệm cho các thế hệ doаnh nhân tương lai...

Mạng lưới ĐTTT là những tổ chức được tạo ra để hình thành các mạng lưới công khai hoặc riêng tư, có nhiệm vụ làm cầu nối giữa các nhà ĐTTT và các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST [1]. Để hạn chế thất bại, các nhà ĐTTT thường xây dựng một mạng lưới giúp các nhà đầu tư đơn lẻ liên kết các nguồn lực về chuyên môn, thông tin để có phương án đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng. Có lẽ vì mức độ rủi ro cao của mỗi thương vụ đầu tư mà các nhà ĐTTT thường có xu hướng thích kết hợp cùng với một số nhà đầu tư khác, thay vì đầu tư một mình [3]. Việc liên kết các nhà ĐTTT sẽ giúp họ chia sẻ rủi ro nếu dự án khởi nghiệp bị thất bại. Mạng lưới các nhà ĐTTT sẽ tạo thành một cộng đồng đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn với chính quyền trong những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách trong đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, mạng lưới này cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi nhà ĐTTT sẽ có những khả năng chuyên môn, thế mạnh riêng, vì vậy việc kết hợp thành mạng lưới sẽ giúp họ có nguồn lực và khả năng để sàng lọc, từ đó chọn ra những dự án thật sự tốt. Điều quan trọng nhất khi thiết lập mạng lưới nhà ĐTTT là các nhà đầu tư sẽ cùng nhau đàm phán để chia sẻ rủi ro khi cùng tham gia vào một dự án, hay lĩnh vực đầu tư cụ thể.

ĐTTT cho phát triển khởi nghiệp ĐMST

Bắc Mỹ là khu vực thống trị của thị trường ĐTTT toàn cầu. Số liệu ở bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2010-2019, toàn thế giới có 39,84 tỷ USD được các nhà ĐTTT phát triển khởi nghiệp ĐMST thì có tới 27,89 tỷ USD (70%) đã được triển khai tại thị trường Bắc Mỹ với 19.400 doanh nghiệp được tài trợ; tiếp theo là châu Âu với số vốn đầu tư là 7,1 tỷ USD (chiếm 17,9%) cho 7.346 doanh nghiệp; thị trường châu Á là khu vực hoạt động tích cực thứ ba trên toàn cầu (chiếm 8,2% tổng vốn ĐTTT); châu Đại Dương và Trung Đông có thị trường kém sôi động hơn đáng kể trong khoảng thời gian này, lần lượt chiếm (1,6 và 1,4% tổng vốn ĐTTT); Nam Mỹ, châu Phi và Trung Mỹ có ít hoạt động ĐTTT nhất.

Bảng 1. Hoạt động của ĐTTT toàn cầu theo khu vực địa lý giai đoạn 2010-2019.

Khu vực

Số doanh nghiệp

Tỷ lệ (%)

Vốn ĐTTT (triệu USD)

Tỷ lệ

(%)

Bắc Mỹ

19.400

62,64

27.891,87

70,01

Châu Âu

7.346

23,72

7.118,45

17,87

Châu Á

2.711

8,75

3.274,06

8,22

Châu Đại Dương

482

1,56

630,49

1,58

Trung Đông

493

1,59

573,35

1,44

Nam Mỹ

276

0,89

151,32

0,38

Châu Phi

234

0,76

117,74

0,30

Trung Mỹ

31

0,10

82,88

0,21

Tổng

30.973

-

39.842,04

-

Nguồn: [4].

Tổng số vốn tài trợ ĐTTT cho thấy quy mô tổng thể của thị trường ĐTTT của một quốc gia. Trong danh sách các quốc gia đứng đầu về vốn ĐTTT ở bảng 2, Mỹ là quốc gia vượt trội với 26,75 tỷ USD được tài trợ trong giai đoạn 2010-2019 cho 18.435 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Các quốc gia tiếp theo là Anh, Ấn Độ, Canada và Pháp.

Bảng 2. Danh sách các quốc gia đứng đầu về vốn ĐTTT cho khởi nghiệp ĐMST giai đoạn 2010-2019.

STT

Quốc gia

Số doanh nghiệp

Tỷ lệ (%)

Vốn ĐTTT (triệu USD)

Tỷ lệ (%)

1

Mỹ

18.435

69,51

26.751,43

67,14

2

Anh

2476

9,34

2.871,51

7,21

3

Ấn Độ

1410

5,32

1.200,69

3,01

4

Canada

877

3,31

1.095,83

2,75

5

Pháp

950

3,58

955,3

2,40

6

Trung Quốc

671

2,53

781,08

1,96

7

Thụy Điển

363

1,37

330,99

0,83

8

Đức

498

1,88

285,92

0,72

9

Tây Ba Nha

435

1,64

280,96

0,71

10

Nga

405

1,53

243,26

0,61

Nguồn: [4].

Tại Việt Nam, theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố, bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam có thể bắt nguồn từ năm 2004, khi IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển 3 đợt (hình 1): làn sóng đầu tiên (2004-2007); làn sóng thứ hai (2007-2010) và làn sóng thứ ba (2011 đến nay). Trong làn sóng thứ ba, Việt Nam đã tăng trưởng phi thường về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 năm 2017).

Hình 1. Các giai đoạn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Tiếp theo, ngày 30/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với mục tiêu là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên ngay trong thời gian học tập tại trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Một số tỉnh/thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An… cũng đã có những văn bản cụ thể về hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, mạng lưới ĐTTT cũng bước đầu được hình thành tại Việt Nam. Mạng lưới nhà ĐTTT Mekong (MAIN) là một nỗ lực hợp tác giữa Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) và Lotus Fund với mong muốn hình thành mạng lưới giữa những nhà ĐTTT quốc tế và nội địa tại các quốc gia tiểu vùng Mekong, giúp các dự án khởi nghiệp ĐMST tiếp cận và kết nối dễ dàng, hiệu quả hơn với các nhà ĐTTT. MAIN dựa trên ý tưởng đơn giản: để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở các thị trường mới nổi, cần phải có những người đã thành công trong kinh doanh ở bất cứ nơi nào trên thế giới để tham gia và cam kết trong giai đoạn đầu. Mạng lưới này tin rằng, cách tốt nhất để thực hiện những cam kết lâu dài đó là để mọi cá nhân đầu tư vào các công ty. MAIN khuyến khích đầu tư bằng cách tổ chức cho các đoàn - là nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới sang Đông Nam Á để tham gia với các doanh nhân và nhà đầu tư địa phương. Bên cạnh đó còn có Mạng lưới nhà ĐTTT Việt Nam - iAngel. Đây là cộng đồng các nhà đầu tư mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Được thành lập từ tháng 6/2016, Mạng lưới nhà ĐTTT Việt Nam - iAngel ngoài việc cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính, còn là nơi hỗ trợ cố vấn, kết nối mạng lưới và nhiều nguồn lực cho các đơn vị khởi nghiệp...

Giải pháp phát triển mạng lưới nhà ĐTTT

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, CMCN 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng tạo ra không ít thách thức. Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ hơn về tuổi đời, tạo ra những làn sóng khởi nghiệp ĐMST ấn tượng, đóng góp vào sự phát triển chung trong công cuộc tái cấu trúc và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của các nhà ĐTTT tại Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng khởi nghiệp ĐMST đã khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bị thiệt thòi đáng kể. Chính vì vậy, việc khuyến khích phát triển mạng lưới nhà ĐTTT có tiềm năng thực sự đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ĐMST là một yêu cầu quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển hoạt động của nhà ĐTTT nói chung, và mạng lưới nhà ĐTTT nói riêng, cụ thể như sau:

Một là, Nhà nước cần ban hành các chính sách liên quan đến ĐTTT và khuyến khích phát triển mạng lưới nhà ĐTTT. Đây là công cụ quan trọng khuyến khích các hoạt động ĐTTT.

Hai là, khuyến khích hình thành và phát triển các mạng lưới ĐTTT. Việc liên kết các nhà ĐTTT sẽ giúp họ chia sẻ rủi ro trong đầu tư khi một dự án khởi nghiệp bị thất bại. Mạng lưới các nhà ĐTTT sẽ tạo thành một cộng đồng đóng góp tiếng nói với chính quyền trong những đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách trong đầu tư khởi nghiệp ĐMST. Việc có một mạng lưới nhà ĐTTT cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn vào chính những ngành nghề, lĩnh vực mà Chính phủ đã đề ra.

Ba là, cần có chính sách ưu đãi dành cho cá nhân các nhà ĐTTT đầu tư cho các dự án khởi nghiệp ĐMST. Một số chính sách ưu đãi điển hình đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể kể đến như: chính sách ưu đãi, giảm thuế thu nhập cá nhân (được nhiều quốc gia phát triển như Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ… sử dụng); chính sách vốn đối ứng (trong đó nhà nước và nhà ĐTTT cùng rót vốn cho dự án khởi nghiệp); đơn giản hóa thủ tục trong chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện mua, bán, sáp nhập nhiều hơn, qua đó tạo thanh khoản cho các nhà ĐTTT...

Bốn là, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học. Trường đại học với vai trò cốt lõi là tạo rа hạt giống và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST, cần tạo môi trường thuận lợi để sinh viên thаm giа các hoạt động ĐMST và nghiên cứu khoа học, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ĐMST, tạo sự kết nối giữа các nhóm sinh viên nhằm hình thành các dự án khởi nghiệp ĐMST.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] R. Aernoudt and T. Erikson (2002), “Business angel networks: a European perspective”, Journal of Enterprising Culture10(3), pp.177-187.

[2] S. Prowse (1998), “Angel investors and the market for angel investments”, Journal of Banking & Finance22(6-8), pp.785-792.

[3] S.G. Morrissette (2007), “A profile of angel investors”, The Journal of Private Equity10(3), pp.52-66.

[4] A.V. Henry (2020), Exploring the gender-based funding gap in the global Angel investing market.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)