Thứ sáu, 30/07/2021 10:48

Lạm bàn về mạng lưới tổ chức KH&CN

GS.TS Hồ Sĩ Thoảng

Ngày 26/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Là một nhà khoa học, nhà quản lý lâu năm, thông qua bài viết này, GS.TS Hồ Sĩ Thoảng1 chia sẻ những trăn trở của mình về hệ thống tổ chức KH&CN công lập - đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách trong thời gian tới.

Tính hợp lý và hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức KH&CN của nước ta lâu nay đã được bàn thảo nhiều và tốn không ít giấy mực. Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học và quản lý khoa học vẫn cảm thấy chưa hài lòng; hình như nó chưa thật hợp lý để có thể phát huy hết năng lực phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phát triển rất nhanh với những “bước đi ngàn dặm”. Gần đây, ngày 26/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ yêu cầu mạng lưới tổ chức KH&CN công lập phải có tính mở, có quy mô và cơ cấu hợp lý, kết nối được các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia. Đó là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Nhìn lại lịch sử

Hệ thống các tổ chức KH&CN (trước đây chủ yếu gọi là khoa học kỹ thuật) được hình thành khá sớm và ngay từ đầu nó đã mang tính phân tán. Ngoài các trường đại học, các tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm KH&CN và Viện Hàn lâm khoa học xã hội, hầu như ở tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và cả ở những tổ chức chính trị - xã hội đều hình thành các viện nghiên cứu theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là mô hình Liên Xô cũ. Theo thời gian, số lượng các viện nghiên cứu ngày càng tăng, nhưng về cơ bản vẫn theo mô hình đó. Thực ra, mô hình tổ chức mạng lưới KH&CN ở các quốc gia khác nhau trên thế giới rất khác nhau, về bản chất nó phải phù hợp với mô hình kinh tế của quốc gia đó. Vì vậy, không thể khẳng định mô hình nào tốt hơn mô hình nào. Nếu nhìn ra những nước mà phần đông các nhà quản lý và nhà nghiên cứu Việt Nam có am hiểu thì ai cũng phải thừa nhận là rất đa dạng. Hoa Kỳ có mô hình rất đặc thù, hầu như không có tổ chức KH&CN công lập; các cường quốc kinh tế khác cũng tổ chức không giống nhau và cũng được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể học hỏi các mô hình đó, chứ không thể học theo mô hình nào nhất định. Nhưng đó cũng là điều không đơn giản.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, các viện nghiên cứu, trường đại học đã có đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp xây dựng kinh tế cũng như trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đặt nền móng và tạo dựng nên một nền KH&CN của đất nước có tầm vóc nhất định. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn và hạn chế khách quan, bản thân nền KH&CN cũng có những nhược điểm, trong đó có thể có nguyên nhân từ mô hình tổ chức và hoạt động. Trong những thập kỷ gần đây, nhất là sau chủ trương đổi mới và mở cửa, nhiều biệp pháp về đổi mới tổ chức và hoạt động của các viện và trung tâm nghiên cứu đã được thực thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, gắn kết hơn với sản xuất, và những kết quả đạt được rất đáng khích lệ.

Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, những bước đi trong đổi mới về tổ chức hoạt động nghiên cứu đã đưa đến những thành quả rất ấn tượng, nâng cao uy tín của nền khoa học Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi và hứng khởi cho các nhà khoa học tâm huyết. Nhưng phía trước còn nhiều việc phải làm để động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ KH&CN phát huy cao nhất trí tuệ và sức lực của mình xây dựng một nền khoa học tiên tiến làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và triển khai, việc chuyển một số tổ chức nghiên cứu về các tập đoàn kinh tế và tổng công ty là một bước đi hợp lý, tạo nên sự gắn bó giữa nghiên cứu và sản xuất. Các viện và trung tâm thuộc các doanh nghiệp cũng như trực thuộc bộ, ngành đều đã dần hướng tới tự chủ về tài chính cũng như nhân sự và hoạt động, tạo môi trường thuận lợi để hoạt động nghiên cứu phục vụ thiết thực hơn cho sản xuất kinh doanh.

Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập các viện và trung tâm nghiên cứu để phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức KH&CN tư nhân cũng được hình thành cả ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Có lẽ đây là bước đi tự nhiên theo quy luật “có cầu thì có cung”, mặc dù có thể cần có những điều chỉnh để nâng cao hiệu quả cả ở tầm địa phương và tầm quốc gia như tinh thần của Quyết định 279/QĐ-TTg.

Những bước đi nên theo đuổi

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đã có nhiều ý kiến về tính hợp lý và hiệu quả hoạt động của mạng lưới KH&CN ở cấp trung ương. Ý kiến khá đa dạng, nhưng tựu chung lại, ngoài việc khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, một nguyên nhân không nhỏ hạn chế hiệu quả hoạt động KH&CN là do tổ chức thiếu khoa học dẫn đến phân tán nguồn lực mà chủ yếu là nhân lực (còn yếu và thiếu), cơ chế tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu. Hệ quả là cát cứ, cục bộ, thiếu liên thông, đề tài nghiên cứu tản mạn, đầu tư dàn trải, đặc biệt là ít tạo được những kết quả có thể đưa đến sản phẩm hoặc thương hiệu quốc gia như mục tiêu đặt ra. Sau đó, nhờ những chủ trương và biện pháp quyết liệt, đúng hướng trong công tác quản lý nhà nước thời gian gần đây, những yếu kém và trở ngại đã dần được khắc phục. Ngành KH&CN đã có những thành quả ấn tượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và nâng cao uy tín của nền KH&CN Việt Nam.

Thực ra, những đổi thay có tính bước ngoặt của nền KH&CN nước nhà trong thời gian qua liên quan đến những biến động trong hệ thống mạng lưới tổ chức KH&CN không nhiều. Đó chính là dư địa để đi những bước tiếp theo trong đổi mới công tác tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN trong thời gian tới. Tuy nhiên, phân tích kỹ có thể thấy rằng, với hệ thống mạng lưới đã được hình thành trong nền kinh tế bao cấp, sức ỳ rất lớn, dù thừa nhận là bất hợp lý vẫn không dễ dàng thay đổi. Ngay việc đưa các viện về tập đoàn và tổng công ty tuy đã diễn ra rất êm đẹp, nhưng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong cũng còn nhiều điều chưa ổn, sự gắn kết vẫn còn nặng về hình thức. Với những kết quả tốt đẹp đã đạt được gắn với những chủ trương và giải pháp đã được thực thi, có thể hình dung rõ hơn những bước đi nên theo đuổi trong đoạn đường sắp tới2.

Trước hết, nên tập trung vào việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý. Đối với các tổ chức KH&CN mà chức năng chính là nghiên cứu cơ bản như Viện Hàn lâm và các trường đại học, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân bổ nguồn lực tài chính đi đôi với hệ thống đánh giá kết quả nghiên cứu, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh học thuật. Một mặt, khuyến khích mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với các hướng phát triển được Bộ KH&CN, thông qua các hội đồng, đề xuất, mặt khác, từng bước mở rộng ngân sách dành cho Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) và có thể còn những quỹ khác nữa. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh nhưng quyết liệt để các cá nhân và tập thể khoa học có chỗ đứng và tồn tại được trong hệ thống khoa học đỉnh cao. Đây cũng là cách quy tụ nhân lực tinh hoa để tiếp tục hình thành những tập thể khoa học mạnh có đủ năng lực theo đuổi những hướng nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền khoa học nước nhà, đồng thời nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Một hiện trạng đáng khích lệ là trong những năm gần đây trong khối các viện nghiên cứu, trường đại học xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức KH&CN thuộc nhiều loại hình khác nhau: nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu cơ bản vừa nghiên cứu ứng dụng và triển khai, nửa nghiên cứu nửa sản xuất, doanh nghiệp KH&CN. Với việc thực hiện chủ trương tự chủ - tự chịu trách nhiệm bằng những bước đi thích hợp, hệ thống các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, triển khai và sản xuất trong khu vực các viện, các trường sẽ tiếp tục tự hình thành thêm và hoàn thiện một cách tự nhiên và hợp lý mà không cần bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải “may đo” các loại áo khác nhau thích hợp cho những thực thể đó mà không sợ có sức ỳ nội tại.

Đối với các tổ chức nghiên cứu ngoài khu vực “hàn lâm” cũng nên có cách tiếp cận tương tự. Mặc dù sự trùng lặp lĩnh vực nghiên cứu tại các viện và trung tâm ở các bộ, ngành khác nhau là điều dễ nhận thấy, nhưng lại rất khó có thể điều chỉnh bằng mênh lệnh. Có không ít thực tế minh chứng cho nhận định đó. Việc có thể làm được và cần làm là sử dụng công cụ tài khóa trong phân bổ và quản lý ngân sách KH&CN phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Hiển nhiên, đây là trách nhiệm nặng nề và khó khăn của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng người đứng đầu các bộ, ngành.

Đối với các tổ chức nghiên cứu trong doanh nghiệp nhà nước, cần thống nhất quan điểm là tổ chức nghiên cứu tồn tại trước hết là để phục vụ cho chính doanh nghiệp đó. Nghĩa là, tổ chức nghiên cứu phải được doanh nghiệp “nuôi” để phục vụ các nhiệm vụ KH&CN của mình. Mặc dù, do hoàn cảnh lịch sử, phần lớn các tổ chức nghiên cứu trong doanh nghiệp không phải do chính doanh nghiệp đó “đẻ” ra như ở các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới (và cả trong nước trong những năm gần đây), nhưng lịch sử thì không thể sửa mà chỉ có thể thích nghi. Như vậy, giữa doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu là quan hệ “mẹ - con”, cho nên, tổ chức nghiên cứu phải phục vụ các nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp. Nói cách khác, việc doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho tổ chức nghiên cứu của mình là chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có thể đi thuê bên ngoài thực hiện đề tài KH&CN mà bỏ qua tổ chức nghiên cứu của mình thì nó tồn tại để làm gì? Đề tài KH&CN không phải là một dự án thông thường (như xây một ngôi nhà) thuê ai làm cũng được. Trong quá trình thực hiện đề tài, quan hệ giữa “chủ đầu tư” và “đối tác” trong nội bộ một doanh nghiệp hoàn toàn khác với quan hệ đó trong trường hợp thực hiện một dự án thông thường. Đối với đề tài ứng dụng và triển khai, nó có thể bị thất bại, phải đổi hướng, phải tăng vốn đầu tư, thậm chí phải hủy... lãnh đạo doanh nghiệp phải được quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Chỉ vào thời “tiền sử” của xã hội tư bản, các chủ doanh nghiệp mới phải đi thuê bên ngoài (ví dụ trường đại học) thực hiện đề tài nghiên cứu, còn hiện nay các tập đoàn kinh tế đều có tổ chức nghiên cứu rất mạnh của mình. Họ vẫn còn thuê ngoài, nhưng thông qua các tổ chức nghiên cứu của mình trong những trường hợp cần thiết. Ở đây còn có vấn đề bí mật và bí quyết của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các đề tài triển khai. Cho nên, doanh nghiệp chỉ thuê ngoài khi lực lượng nội bộ của mình không đủ sức giải quyết, thông thường là những đề tài mở hướng. Trong thời kỳ chuyển đổi như hiện nay, có thể chấp nhận một thời kỳ quá độ, tuy nhiên, với sự tự hoàn thiện của các viện/trung tâm, thời kỳ này sẽ cơ bản kết thúc. Các viện, trung tâm cũng cần có dư địa là tự tìm kiếm đề tài bên ngoài (nhất là đề tài cấp nhà nước) nếu điều kiện cho phép trong khi phải dần dần kiện toàn, cơ cấu lại tổ chức để thích nghi với sứ mệnh và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp.

Tóm lại, mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập đang tồn tại, mặc dù còn có những chỗ bất hợp lý, nó vẫn đã và đang được đổi mới một cách căn cơ dưới tác động của những chính sách và cơ chế quản lý. Nếu yêu cầu sắp xếp lại theo một khuôn khổ nào đó (mà chưa biết khuôn khổ nào là tối ưu đối với Việt Nam) là duy ý chí. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nếu quyết tâm và mạnh dạn tháo gỡ những rào cản bất hợp lý trong quản lý, từng bước trao quyền tự chủ cho các viện, các trường, các doanh nghiệp có tổ chức nghiên cứu, thì mạng lưới các tổ chức KH&CN sẽ tự nhiên tự hợp lý hóa, ngày càng phù hợp với nền kinh tế đang trên đường đổi mới. Đương nhiên, để quá trình hoàn thiện mạng lưới đó được tiến triển thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế nước nhà, tránh những bước đi không đáng có, không thể thiếu bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước với tư cách là bà đỡ và người hướng đạo.

 

1 GS.TS Hồ Sĩ Thoảng nguyên là: Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Tổng Giám đốc -Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội hoá học Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, thành viên Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia.

2 Do am hiểu hạn chế hiểu biết, trong bài viết này người viết chỉ xin đề cập đến mạng lưới KH&CN công lập ở cấp trung ương.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)