Thành lập NRSO: tăng cường năng lực quản lý ATGT đường bộ
Theo các chuyên gia của WB thì Chính phủ Việt Nam chưa có một cơ quan cụ thể nào chuyên trách quản lý về ATGT đường bộ ở Việt Nam. Hoạt động của UBATGTQG thể hiện hỗ trợ chính trị mạnh mẽ trong lĩnh vực ATGT đường bộ, với trách nhiệm được phân công rõ ràng thuộc về Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các lãnh đạo cấp cao khác. Hỗ trợ chính trị này cần phải được hậu thuẫn bởi một hệ thống quản trị vững mạnh hơn và hoạt động quản lý ATGT đường bộ được cải thiện ngay trong Văn phòng UBATGTQG. Chức năng “Ủy ban” liên ngành của UBATGTQG cần phải được hỗ trợ bởi chức năng “điều hành” liên ngành. Một Diễn đàn ATGT đường bộ quốc gia cũng được đề xuất tổ chức thường xuyên nhằm đưa ra thảo luận các vấn đề về ATGT đường bộ với các đối tác nằm ngoài Chính phủ. Những cải cách này sẽ cải thiện sự phối hợp theo chiều ngang trong các vấn đề ATGT đường bộ, tăng cường năng lực quản lý an toàn đường bộ và cho phép các Bộ trưởng dù rất bận rộn vẫn có thể đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trong các cuộc họp hàng quý của UBATGTQG.
Sự thành lập của NRSO trực thuộc UBATGTQG sẽ mang lại thuận lợi quan trọng nhằm tăng cường chức năng cơ bản của cơ quan chủ trì trong lĩnh vực ATGT đường bộ cho Việt Nam. Đồng thời, để tăng cường năng lực quản lý ATGT đường bộ, sự thành lập NRSO sẽ cải thiện giám sát hoạt động quản lý nhà nước liên ngành đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ATGT đường bộ. Vai trò quản lý nhà nước này hỗ trợ cho những trách nhiệm hiện hành như quản lý hệ thống CSDL về TNGT của Bộ Công an (BCA), cải thiện khả năng tích hợp và chia sẻ một số dữ liệu ATGT đường bộ phù hợp giữa các cơ quan, tổ chức trực thuộc thuộc Chính phủ và phi chính phủ.
Cải thiện Hệ thống CSDL về ATGT đường bộ
Dữ liệu ATGT đường bộ toàn diện đóng vai trò quan trọng để đạt được những mục tiêu về ATGT đường bộ của Việt Nam. Sự ra đời của Hệ thống CSDL về TNGT của Bộ Công an là một bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của WB thì CSDL về ATGT đường bộ cần phải được tiếp tục cải thiện: dữ liệu tin cậy hơn cần phải được thu thập, việc tiếp cận và chia sẻ dữ liệu phải được mở rộng cho tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực ATGT đường bộ; dữ liệu phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc định danh, phát triển, thực hiện và đánh giá các sáng kiến về ATGT đường bộ. Điều này bao gồm dữ liệu TNGT, chỉ số đánh giá hiệu quả an toàn, dữ liệu mở rộng và các loại dữ liệu khác liên quán đến ATGT đường bộ.
Cảnh sát Giao thông Hà Nội đang điều hành, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh camera (ảnh: Tạ Tôn).
Cải thiện thu thập dữ liệu ATGT đường bộ là cần thiết đối với từng cơ quan chính chịu trách nhiệm thu thập nhiều loại dữ liệu khác nhau. Các khuyến nghị cho việc cải thiện việc quản lý dữ liệu an toàn đường bộ ở Việt Nam dựa trên các nguyên tắc sau: i) dữ liệu phải được sử dụng để phát triển các chương trình an toàn đường bộ toàn diện và dựa trên bằng chứng xác thực; ii) những cải tiến cần phải tập trung cho công nghệ và được thực hiện một cách bền vững; iii) dữ liệu phải được được tích hợp, chia sẻ và truy cập một cách dễ dàng giữa các bên liên quan; iv) quá trình thu thập và phân tích dữ liệu phải dễ thực hiện, toàn diện và chính xác.
Trong khi trách nhiệm hiện tại của các cơ quan thuộc Chính phủ liên quan đến CSDL không cần thiết phải thay đổi, sự thành lập NRSO trực thuộc UBATGTQG, mang lại một cơ hội quan trọng nhằm nâng cao hệ thống quản lý tổng thể CSDL về ATGT đường bộ của Việt Nam. Cụ thể, NRSO được thành lập như một đầu mối chia sẻ dữ liệu ATGT đường bộ tại Việt Nam, đặc biệt đối với các bộ thuộc Chính phủ có trách nhiệm trong lĩnh vực ATGT đường bộ.
Khuyến nghị cụ thể
Trên cơ sở nghiên cứu của mình, báo cáo “Đánh giá dữ liệu ATGT đường bộ Việt Nam nhằm thành lập NRSO” đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể về NRSO:
Một là, Cổng điện tử quốc gia về ATGT đường bộ cho Việt Nam cần được phát triển trong NRSO: a) Tích hợp CSDL về TNGT của BCA với dữ liệu đường bộ của Bộ GTVT, dữ liệu xử lý vi phạm, chỉ số an toàn, đánh giá sao theo Chương trình Đánh giá đường bộ quốc tế (iRAP) và dữ liệu từ các chuyên gia nghiên cứu; b) Chia sẻ những dữ liệu trên đến tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực ATGT đường bộ (các chuyên gia nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, giới học thuật, phương tiện truyền thông và quan trọng nhất là các bộ thuộc Chính phủ; c) Cung cấp công cụ phân tích để biến đổi những dữ liệu trên thành quyết định có ý nghĩa trong lĩnh vực ATGT đường bộ.
Hai là, cải thiện việc thu thập CSDL, nguồn lực và các chỉ số đánh giá cần được tiến hành với CSDL về TNGT.
Ba là, cải thiện hoạt động thu thập dữ liệu, bao gồm sự chuẩn bị cho một biểu mẫu TNGT duy nhất và đơn giản hóa mà trong điều kiện khả thi nhất, loại bỏ các lỗi ghi chép và xử lý thông tin.
Bốn là, Cảnh sát giao thông cần được trang bị thiết bị GPS để ghi lại chính xác vị trí xảy ra TNGT.
Năm là, các cấp phân loại TNGT (tử vong, chấn thương nghiên trọng, chấn thương ít nghiêm trọng, thiệt hại tài sản…) cần được định nghĩa lại và một trường hợp tử vong cần được định nghĩa trong vòng 30 ngày kể từ khi xảy ra tai nạn.
Sáu là, tất cả trụ sở của CSGT cần được trang bị máy tính/máy tính xách tay, internet và hệ thống CSDL về TNGT có thể truy cập được.
Bảy là, Bộ Y tế cần xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về thương tích và y tế, được kết nối với hệ thống CSDL về TNGT của BCA trong tương lai. Các thành phần về dữ liệu TNGT, khái niệm và phương thức thu thập cũng phải được tiêu chuẩn hóa và đồng thuận giữa các bộ thông qua tham vấn và các hội thảo.
Tám là, BCA cần đối chiếu thường xuyên và thủ công giữa dữ liệu của Bộ Y tế với dữ liệu của CSDL về TNGT đến khi CSDL quốc gia về thương tích hoạt động.
Chín là, Bộ Y tế cần tiến hành các chương trình cải thiện CSDL trong việc phân loại nguyên nhân tử vong.
Cuối cùng, các công cụ pháp lý và hành chính khác cần được thay đổi theo các khuyến nghị đã được thông qua.
Đức Duy