Xu thế tất yếu trong bối cảnh đại dịch
Trên thế giới việc chuyển đổi số đang diễn ra khá rầm rộ, tuy nhiên tại Việt Nam, tốc độ còn khiêm tốn. Theo kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam năm 2020, có 50,9% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi dịch COVID-19 xảy ra; 25,7% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi bắt đầu có dịch và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ này; 3,1% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có dịch nhưng sẽ quay lại cấu trúc cũ sau khi hết dịch; 17,3% doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ số nhưng quan tâm tới công nghệ số kể từ khi có dịch và 3,1% doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ số và cũng không kế hoạch áp dụng trong tương lai.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã, đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực cùng với những nỗ lực của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã thể hiện được nhiều hiệu quả ưu việt. Theo báo cáo Thực trạng chuyển đổi số kinh doanh số của Tập đoàn IDG (Mỹ), khoảng 55% số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp truyền thống là 38%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, như: thiếu tầm nhìn tư duy về chuyển đổi số, những thách thức trong văn hóa công ty, sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động. Việc chuyển đổi số vẫn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không thực sự nỗ lực chuyển đổi số. Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đứng sau cả Philippines và Indosesia về chuyển đổi số do hầu hết chưa có chiến lược ứng dụng các công nghệ số, chưa chủ động cao trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới và chủ yếu gặp khó khăn do vấn đề chi phí, công nghệ. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng kéo theo các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin bởi các doanh nghiệp này là một trong những đối tượng thường bị hacker nhắm đến. Do năng lực công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin chưa được đầu tư mạnh…
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có trên 758,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể (khoảng trên 40% GDP hàng năm). Giữ vai trò là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo tinh thần của Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, chúng ta phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cả nước hiện mới chỉ có 15% doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi số, còn hơn 70% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số và phản ứng thụ động với thay đổi của thị trường.
Hòa cùng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), chuyển đổi số đã trở thành từ khóa luôn làm nóng các diễn đàn kinh tế - xã hội và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã tận dụng thời cơ trước vận hội mới, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ko đứng ngoài cuộc chơi của xu thế toàn cầu. Chính vì thế, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt nhịp với các xu thế phát triển mới là điều tất yếu, trong đó không thể thiếu công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số của các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế sau đại dịch.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là xu hướng nhất thời mà công cuộc số hóa còn mang lại những lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp, từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh. Qua đó giúp doanh nghiệp xóa nhòa khoảng cách, tăng cường sự chính xác và minh bạch, tăng doanh thu đồng thời giảm chi phí… Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế đã thể hiện sự tin tưởng rằng, chuyển đổi số có thể thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng lột xác, vươn lên thành “cá lớn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như thế giới.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho thấy, có tới hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số và 65% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện hóa mục tiêu nêu trên, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ/ngành chức năng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nỗ lực tự thân vận động, nhanh chóng nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy thông qua các hoạt động đào tạo, kiến thiết nguồn nhân lực số theo nhiều hình thức khác nhau như đào tạo tại chỗ, đào tạo trực tuyến; chủ động xây dựng và phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, trong đó ưu tiên triển khai các nền tảng ứng dụng tập trung, dùng chung kết nối chia sẻ…
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin (Cục Xúc tiến thương mại), khi triển khai chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ được đánh giá nguồn lực, soi chiếu các chiều để Cục và đội ngũ chuyên gia hỗ trợ theo lộ trình. Việc các doanh nghiệp có cam kết và kiên trì chuyển đổi số hay không mới là điều quan trọng. Hiện tại, Cục Xúc tiến thương mại đang hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ). Đây là nền tảng tích hợp các hoạt động về xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, như: hội chợ - triển lãm, khuyến mãi, kết nối giao thương… Bên cạnh đó, VECOBIZ còn cung cấp các yếu tố liên quan đến môi trường kinh doanh như các hiệp định thương mại tự do, hàng rào phi thuế quan, tiêu chuẩn vào các thị trường xuất khẩu…
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2021 Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 (Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai hướng tới mục tiêu vào năm 2025 có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số) đã xây dựng Cổng thông tin tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số, gồm 2 khóa đào tạo trực tiếp thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham gia mỗi lớp tại Hà Nội và Huế; tổ chức 46 chuyên dề đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số qua nền tảng e-learning cho hơn 6.500 học viên đăng ký học tập và khoảng gần 20.000 lượt truy cập… Trong thời gian tới, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai tích cực các hoạt động của Chương trình và đàm phán với nhiều đối tác để xây dựng các gói hỗ trợ nhằm đưa ra hệ sinh thái các chỉ dẫn giải pháp công nghệ và các hỗ trợ, ưu đãi từ các đối tác đồng hành; đẩy mạnh triển khai các hoạt động, các khóa đào tạo chuyên gia và cấp chứng chỉ đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp…, góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển.
Nguyễn Thúy Hà