Thứ tư, 25/08/2021 13:47

Kinh nghiệm từ Đan Mạch về đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi

Ngày 17/8/2021 đã diễn ra phiên đầu tiên trong Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 - PECC3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.

Tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Với tiềm năng tài nguyên nằm trong top đầu thế giới và nhu cầu điện gia tăng nhanh chóng, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năm gió lớn nhất trong khu vực với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW. Hiện nay, trên cả nước có trên 50 dự án về điện gió đăng ký với tổng công suất gần 500 MW. Tuy nhiên, các dự án đã đi vào vận hành còn chưa nhiều, chỉ có 7 dự án đang vận hành với tổng công suất 190 MW. Tiêu biểu có thể kể đến các dự án như: Tuy Phong - Bình Thuận, Phú Lạc, Mũi Dinh, Bạc Liêu, Đầm Nại... Số còn lại đang triển khai khá chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc rơi vào giai đoạn khó khăn của việc tìm nhà đầu tư. Vì sao điện gió với “tiềm năng lớn” vẫn không đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước? Thông qua các cuộc hội thảo, bàn luận, nhiều lý do được đưa ra tập trung vào các quyết định hành chính, chính sách ưu đãi, nguồn vốn, hạ tầng... Nhiều chuyên gia cho rằng, do tác động của đại dịch COVID-19, công tác triển khai xây dựng gặp khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật dẫn đến nhiều dự án không kịp tiến độ theo cơ chế FIT - Feed-in Tariff (được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ, là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống), mạng lưới truyền tải chưa đáp ứng, khối lượng lưới chưa đủ lớn để truyền tải, nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ, vấn đề mất đất trồng trọt và kế sinh nhai của người dân đang là mối quan tâm sâu sắc...

Tại Việt Nam, theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi sẽ tăng trưởng ở mức cao từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu như than và khí… Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để chạy các nhà máy thủy điện. Vì vậy, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và tiết kiệm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Cần tiêu chí rõ ràng trong đấu thầu để phát triển điện gió

Bà Camilla Holbech - Tham tán năng lượng lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội chia sẻ, là quốc gia giáp biển và có tài nguyên gió dồi dào, điện gió ngoài khơi chiếm vị trí quan trọng trong hỗn hợp năng lượng của Đan Mạch. Đan Mạch đã giảm tối đa chi phí rủi ro cho các dự án điện gió ngoài khơi và họ khá rộng mở cho các đơn vị đấu thầu tham gia, dành thời gian tìm hiểu và thấu hiểu các nhà thầu. Về cơ bản thì Đan Mạch có 5 bước đấu thầu và các tiêu chí rõ ràng. Các tiêu chí sơ tuyển sẽ gồm năng lực chuyên môn kỹ thuật và năng lực tài chính. Các khảo sát sơ bộ về địa điểm, địa chất, môi trường… là thách thức đối với các đơn vị tham gia thầu. Ngoài ra, Đan Mạch quan tâm nhất đến sự phát triển bền vững và hạn chế rủi ro, đặc biệt khi COVID-19 đang ảnh hưởng đến các bên tham gia tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm 25 năm trong ngành, Đan Mạch đã hoàn thành bộ khung cơ chế đấu thầu bền vững và rõ ràng. Việc đầu tư của ngành điện gió ngoài khơi rất phức tạp, cần có sự hợp tác giữa các nhà phát triển dự án và chính quyền, xây dựng được chuỗi cung ứng ngay tại địa phương. Đó là quá trình cần nhiều đầu tư, mỗi bên phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nên cơ chế giá gắn với việc đầu tư theo từng giai đoạn, chuyển từ FIT sang thực hiện đấu thầu sẽ giúp các bên liên quan có thêm thời gian học hỏi, tăng thêm kinh nghiệm. Với nhu cầu thiết bị cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi, các nhà sản xuất, cung ứng linh phụ kiện có thể chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực này để cung ứng thiết bị. Tuy vậy, việc đầu tư đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian hoàn vốn, nên họ cần được đảm bảo bằng đầu ra ổn định từ các nhà đầu tư điện gió. Trong khi đó, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi cần có một sự ổn định ban đầu với cơ chế khuyến khích từ giá FIT để yên tâm đầu tư hơn. Sau khi thị trường đã phát triển ở quy mô nhất định, Chính phủ đánh giá chính sách và có thể chuyển tiếp sang cơ chế giá mới khi phù hợp.

Theo ông Michael Stephenson - Phó Giám đốc The Renewables Consulting Group thì trong lĩnh vực điện gió có 2 kiểu đấu thầu thực hiện gồm: đấu thầu về việc độc quyền khai thác (chắc chắn có khai thác) và chuyển đổi chính sách đấu thầu cũ sang chính sách đấu thầu mới của thị trường. Ở Đan Mạch, việc mở rộng cho nhiều đơn vị có cơ hội tham gia thầu lại chính là yêu cầu của Chính phủ và họ cũng không gặp phải vấn đề chồng lặp trong việc áp dụng chính sách giá.

Đồng quan điểm trên, ông Sebastian Hald Buhl - Giám đốc Orsted (Công ty Năng lượng tại Đan Mạch) khẳng định, phần lớn vốn của Orsted là vốn của nhà nước và đã có những dự án lớn nhất ở Đan Mạch và Anh. Hiện tại, Orsted đang triển khai khoảng 25% số dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, kể cả Bắc Mỹ và châu Á) đề xuất, để phát triển điện gió tại Việt Nam thì khi thống nhất khung pháp lý thì EVN cũng cần cân nhắc thời gian 7-10 năm để có thể hoàn thành mọi cơ chế chính sách liên quan. Hiện tại so với năm 2012 thì điện gió đang có mức giá rẻ nhất (rẻ hơn cả giá điện hạt nhân, hydro) nên với nguồn tài nguyên điện gió dồi dào như Việt Nam thì có thể phát triển hơn cho mảng này. Ngoài ra, Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch không gian biển hiệu quả, tránh để ảnh hưởng khả năng dự đoán trong tương lai về rủi ro chi phí thực tế khi khai thác từng khu vực biển, do đó mà quy hoạch tổng hợp và quy hoạch liên ngành là nên làm để hạn chế các rủi ro trên. Việc chọn vùng biển khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí bởi các lý do: tài nguyên gió, đáy biển, độ sâu của nước, quy mô dự án và vận hành. Vì vậy ông khuyến khích việc để cho các nhà phát triển dự án quyết định việc lựa chọn vùng biển khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không nên giới hạn số người tham gia hoặc chọn lựa trên giấy tờ rồi thoả thuận giá… Các nhà đầu tư sẽ tham gia và cạnh tranh rất nhiều về giá, nhưng Chính phủ cần thiết kế buổi đấu giá hợp lý để kết hợp các tiêu chí khác như tài chính, khả năng đáp ứng kết quả, uy tín… Làm sao đảm bảo được việc cạnh tranh lành mạnh trong quá trình chọn thầu? Đây chính là tiêu chí quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển điện gió tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Lan Anh

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)