Thứ sáu, 09/07/2021 08:59

Một liều vắc xin là quá yếu để chống lại biến thể Delta

Một nghiên cứu được công bố mới đây trên Nature cho thấy, một liều vắc-xin Pfizer hoặc AstraZeneca (cả hai loại đều cần hai mũi tiêm) có thể yếu hoặc không có hiệu quả đối với biến chủng Delta.

Mặc dù vắc xin hoạt động tốt để chống lại biến thể Delta, nhưng mức độ bảo vệ mà chúng cung cấp phụ thuộc rất lớn vào việc bạn đã hoàn thành đủ liều tiêm chủng của mình hay chưa. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm trên mẫu máu của những người đã nhận được 1 trong số 2 mũi tiêm vắc xin. Kết quả cho thấy, chỉ có 10% số lượng mẫu đã phát triển các kháng thể vô hiệu hóa biến thể Delta. Tuy nhiên sau hai liều, con số này đã tăng lên 95%.

Một phân tích khác ở Anh vào tháng 5 cho thấy, một liều vắc xin của Pfizer hoặc AstraZeneca chỉ có 33% hiệu quả chống lại Covid-19 có triệu chứng do Delta gây ra. Sau hai liều, hiệu quả đó đã tăng lên 88% đối với vắc xin Pfizer và 60% đối với vắc xin của AstraZeneca. Hai liều vắc xin của Pfizer cũng có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do mắc bệnh Delta, trong khi 2 liều vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả khoảng 92%. Một nghiên cứu của Canada (đang chờ đánh giá) cũng cho kết quả tương tự.

Do lo lắng về các tác dụng phụ, rất nhiều người đã chỉ tiêm 1 mũi vắc xin. Đây là điều rất đáng tiếc khi mà chủng Delta đang có xu hướng tấn công ngày càng mạnh mẽ tại các nước vừa trải qua những ngày tháng tồi tệ nhất vì đại dịch Covid-19, trong đó có Anh và Mỹ. Tại Mỹ, Giám đốc y tế bang Arkansas, TS José Romero cho biết: “Có một tỷ lệ đáng kể các cá nhân đã tiêm 1 liều trong liệu trình tiêm 2 liều, nhưng họ không quay trở lại tiêm liều thứ hai trong khoảng thời gian quy định hoặc 42 ngày sau khi tiêm liều thứ nhất. Họ sẽ không thể có sự bảo vệ đầy đủ mà họ nên có”.

Thu Hương (theo nature.com)

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)