Thứ tư, 05/02/2020 14:34

Trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam qua lăng kính của một số tổ chức xếp hạng trên thế giới

Tuyết Nga1, Chu Hải Ninh2
 

1Đại học Quốc gia Hà Nội, 2Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học, viện nghiên cứu, với các tiêu chí xếp hạng khác nhau. Trong đó, các bảng xếp hạng được đánh giá cao là: Times Higher Education - THE University Rankings (thuộc Times Higher Education, Vương quốc Anh), QS University Rankings (thuộc Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh), Academic Ranking of World Universities (ARWU, Shanghai Ranking Consultancy, Trung Quốc), Webometrics (Cybermetrics Lab, Tây Ban Nha), US News (Mỹ), University Ranking by Academic Performance (URAP, Thổ Nhĩ Kỳ), Nature Index (Tổ chức Nature Research)… Bài viết xem xét các cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam qua lăng kính của 4 bảng xếp hạng: THE, QS, Nature Index và Webometrics.

Xếp hạng của THE
THE đánh giá các đại học bằng cách sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, không chỉ bao gồm các loại dữ liệu trên mạng mà còn dựa vào các dữ liệu do các trường đại học cung cấp và các nguồn dữ liệu do các tổ chức xếp hạng trực tiếp khảo sát, thu thập. Các bảng xếp hạng thuộc nhóm này chỉ xếp hạng khi trường đại học đăng ký xếp hạng và gửi dữ liệu. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào đăng ký cũng được xếp hạng mà chỉ các trường đại học có các tiêu chí xếp hạng đạt tiêu chuẩn mới được xếp hạng. Xếp hạng thế giới của THE dựa trên 5 nhóm tiêu chí:
- Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% gồm 5 tiểu tiêu chí xếp hạng (kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy: 15%, tỷ lệ giảng viên/sinh viên: 4,5%, tỷ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên đại học: 2,25%, tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ: 6% và thu nhập của đơn vị: 2,25%). Thu nhập của trường đại học được THE tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học ở trường đại học.
- Nghiên cứu (số lượng, thu nhập, uy tín) với trọng số 30%, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%) và năng suất nghiên cứu (6%).
- Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường đại học) với trọng số 30%. Dữ liệu được tính thông qua 23.400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu Scopus trong giai đoạn 2014-2018. Lượng trích dẫn được tính cho các ấn phẩm này trong giai đoạn từ 2014-2019. Đã có 12,8 triệu công bố và 77,4 triệu trích dẫn được tính toán.
- Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5%, bao gồm: tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%) và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5%), thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế.
- Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5% tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.
Để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học Scopus (của Nhà xuất bản Elsevier) cho các tiêu chí về năng suất nghiên cứu, trích dẫn khoa học và hợp tác quốc tế. Các khảo sát về uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học được THE chủ động gửi cho các tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu Scopus. Các tiêu chí về thu nhập được chuẩn hóa dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP). Các tiêu chí còn lại được đánh giá dựa trên dữ liệu do trường đại học cung cấp. Việc tính điểm và xử lý dữ liệu của THE được tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp là PricewaterhouseCoopers (PwC) giám sát độc lập.
Tháng 9/2019, THE đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới năm 2020. Theo đó, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (đạt mức điểm 22,2-28,2), thuộc nhóm 801-1.000; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (đạt mức điểm 10,7-22,1), thuộc nhóm 1.000+. Thông qua bảng xếp hạng của THE, chúng ta có thể nhận thấy, tiêu chí nghiên cứu là điểm yếu nhất của 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được THE xếp hạng (điểm về nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lần lượt là 9,1, 8,4 và 8,7 điểm). Trong khi đó, các trường trong khu vực như Đại học Mahidol (Thái Lan), Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) và Đại học Malaya (Malaisia) có lần lượt điểm nghiên cứu là 21, 21,7 và 30,5 điểm.

Đại học Quốc gia Hà Nội là 1 trong 3 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lọt vào top 1000 do THE xếp hạng.

Theo THE, Đại học Oxford (Vương quốc Anh) tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới, tiếp theo là: 2) Viện Công nghệ California (Mỹ), 3) Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), 4) Đại học Standford (Mỹ), 5) Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), 6) Đại học Princeton (Mỹ), 7) Đại học Havard (Mỹ), 8) Đại học Yale (Mỹ), 9) Đại học Chicago (Mỹ), 10) Đại học Hoàng gia London (Vương quốc Anh)… Trong khu vực châu Á, các trường đứng đầu bao gồm Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc - thứ 23 thế giới), Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc - 24) và Đại học Quốc gia Singapore (Singapore - 25). Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 cơ sở lọt vào top 1.000, Malaysia có 13 cơ sở, Indonesia có 6 cơ sở, Singapore có 2 cơ sở, Việt Nam có 2 cơ sở.
Xếp hạng của QS
QS xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, bao gồm: đánh giá của học giả (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), số trích dẫn/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%) và tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%). Tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).
Năm 2017, QS đã xem xét dữ liệu của 4.763 trường đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại còn 1.233 trường được đối sánh tiếp. Kết quả cuối cùng 1.011 trường đại học của 85 quốc gia đã được xướng tên. Có 60 đại học lần đầu lọt top 1.000, trong đó Việt Nam lần đầu tiên góp mặt với 2 đại diện: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (nhóm 701-750) và Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm 801-1.000). Riêng hai tiêu chí về đánh giá của các nhà tuyển dụng và tỷ lệ giảng viên/sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong top 500. Đứng đầu bảng xếp hạng QS 2017 là Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Theo sau lần lượt là Đại học Stanford, Đại học Harvard, Viện Công nghệ Caltech (Caltech) của Mỹ; Đại học Oxford, Đại học Cambridge của Anh; Viện Công nghệ liên bang Thuỵ Sỹ… Singapore là quốc gia châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này với Đại học Quốc gia Singapore (thứ hạng 11) và Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (thứ hạng 12).
Năm 2017, Việt Nam có 5 đại học/trường đại học được xếp hạng trong các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của châu Á trong bảng xếp hạng của QS, đó là: Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 139), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (thứ hạng 142), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm 291-300), Đại học Cần Thơ (nhóm 301-350), Đại học Huế (nhóm 351-400). Trước đó, năm 2016 và 2017, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đều xếp hạng 139; và năm 2017, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xếp hạng 142 trong bảng xếp hạng này.
Năm 2018, QS đánh giá 1.620 cơ sở giáo dục từ 82 quốc gia, trong đó có 1.001 trường được xếp hạng, 50 trường lần đầu tiên tham gia, thu thập được 94.000 phản hồi từ các nhà khoa học, 45.000 phản hồi từ nhà tuyển dụng, phân tích 83 triệu trích dẫn từ 13 triệu bài báo trong giai đoạn 2013-2018, với 1,5 triệu đề cử của học giả và 240.000 đề cử của nhà tuyển dụng. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì trong top 1.000 thế giới với thứ hạng như năm 2017. Trong xếp hạng châu Á, Việt Nam có 7 đại học/trường đại học lọt vào bảng xếp hạng của QS, đó là: Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 124), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (thứ hạng 144), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (trong nhóm 261-270), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (trong nhóm 291-300), Đại học Cần Thơ (trong nhóm 351-400), Đại học Huế (trong nhóm 451-500), Đại học Đà Nẵng (trong nhóm 451-500).
Năm 2019, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn giữ thứ hạng như năm 2018 và 2017 trong top 1.000 thế giới. Trong xếp hạng châu Á, Việt Nam có 8 đại diện: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (thứ hạng 143), Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 147), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thứ hạng 207), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (trong nhóm 261-270), Đại học Cần Thơ (trong nhóm 401-450), Đại học Đà Nẵng (trong nhóm 401-450), Trường Đại học Duy Tân (trong nhóm 451-500), Đại học Huế (trong nhóm 451-500).
Xếp hạng của Nature Index
Bảng xếp hạng của Nature Index sử dụng cơ sở dữ liệu bài báo được xuất bản trong hệ thống 82 tạp chí khoa học chất lượng cao do Nature Research lựa chọn thuộc 4 lĩnh vực: Khoa học vật lý, Khoa học sự sống, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường. Các tạp chí này được 2 hội đồng khoa học độc lập của Nature Research lựa chọn căn cứ theo các tiêu chí chất lượng của tạp chí chứ không thuần túy dùng chỉ số định lượng. Tuy các tạp chí được lựa chọn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số tạp chí trong cơ sở dữ liệu ISI (Web of Science) nhưng lại chiếm gần 30% tổng số trích dẫn trong số các tạp chí khoa học tự nhiên. Chỉ có các bài báo nghiên cứu bậc 1 của tạp chí được đưa vào Nature Index để tính điểm xếp hạng. Kết quả xếp hạng Nature Index về công bố của quốc gia, tổ chức nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học được tính bằng hai tiêu chí:
- Số bài viết (Article Count - AC): được tính cho quốc gia hoặc tổ chức nghiên cứu nếu bài báo đó do một hoặc nhiều tác giả đến từ quốc gia đó hoặc tổ chức đó thực hiện, bất kể có bao nhiêu đồng tác giả đến từ bên ngoài tổ chức hoặc quốc gia đó.
- Tỷ lệ công bố (Fractional Count - FC): là tỷ lệ phần trăm tính theo công thức số tác giả của cơ sở giáo dục đại học (hoặc quốc gia) và số cơ sở giáo dục đại học chủ quản của các tác giả đó trên một bài viết. Để tính toán FC, tất cả các tác giả được coi là đóng góp như nhau cho một bài viết. Mỗi bài viết có chỉ số FC kết hợp tối đa là 1.0.
Theo bảng xếp hạng của Nature Index thì năm 2018, Việt Nam đứng thứ 10 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, New Zealand, Thái Lan. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Thái Lan và trước Indonesia, Malaysia. So sánh trong các năm gần đây thì năm 2016, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 10, năm 2017 đứng thứ 12, và năm 2018 trở lại vị trí thứ 10 trong 29 quốc gia được Nature Index đưa vào bảng xếp hạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Top 10 trường đại học/viện nghiên cứu của Việt Nam được Nature Index xếp hạng năm 2018 là: 1) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2) Trường Đại học Duy Tân, 3) Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, 4) Trường Đại học Phenikaa, 5) Trung tâm Giáo dục và Khoa học liên ngành quốc tế, 6) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 7) Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử (MANAR), 8) Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 9) Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Oxford Việt Nam (OUCRU), 10) Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xếp hạng của Webometrics
Bảng xếp hạng đại học thế giới Webometrics là một hệ thống xếp hạng dựa trên các chỉ số về sự hiện diện trên mạng, khả năng hiển thị và lượng truy cập web. Hệ thống đánh giá mức độ ảnh hưởng của một trường đại học trên mạng dựa trên tên miền, trang phụ, tệp tin, bài báo khoa học... Giả thiết trung tâm của cách tiếp cận này là sự hiện diện trên mạng - một chỉ số đáng tin cậy về hiệu suất và uy tín toàn cầu của các trường đại học và như vậy đây là một cách gián tiếp để đo lường tất cả các nhiệm vụ của một trường đại học (giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao). Mặc dù web được công nhận rộng rãi là một công cụ thích hợp nhất cho truyền thông học thuật, nhưng vẫn rất hiếm khi các thông số này được sử dụng để đánh giá nghiên cứu khoa học và thành tích đào tạo của các trường đại học. Các chỉ số Webometric cung cấp cho thấy cam kết của các tổ chức với các ấn bản xuất bản trên Web.
Ngoài các chỉ số đánh giá các thông số trang web của các cơ sở giáo dục, Webometrics còn kết hợp đánh giá thêm chỉ số xuất sắc (Excellence), bao gồm số lượng các bài báo công bố trong hệ thống tạp chí Scopus do Scimago thống kê. Như vậy, hiện nay Webometrics không phải là bảng xếp hạng đánh giá thông thường về website của các trường đại học nữa, mà đang tiếp cận đến các chỉ báo toàn diện hơn ở mức độ hoạt động toàn cầu của đại học, gồm cả hai yếu tố: mức độ số hoá và xuất bản quốc tế. Thực chất, bảng xếp hạng Webometrics đã bao gồm cả kết quả xếp hạng nghiên cứu của Scimago cho các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới.
Theo xếp hạng của Webometrics năm 2018, Việt Nam có 15 cơ sở giáo dục được xếp hạng, đó là: 1) Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 1306 của thế giới), 2) Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ hạng 1336), 3) Đại học Cần Thơ (thứ hạng 2174), 4) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (thứ hạng 2772), 5) Trường Đại học Y Hà Nội (thứ hạng 3354), 6) Đại học Đà Nẵng (thứ hạng 3418), 7) Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thứ hạng 3660), 8) Đại học Huế (thứ hạng 3708), 9) Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội (thứ hạng 3826), 10) Trường Đại học Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh (thứ hạng 3896), 11) Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hạng 3986), 12) Trường Đại học Kinh tế quốc dân (thứ hạng 4020), 13) Trường Đại học Vinh (thứ hạng 4082), 14) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ hạng 4148), 15) Đại học Thái Nguyên (thứ hạng 4238).
Có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam không/chưa lấy việc xếp hạng làm mục đích cho các hoạt động của mình. Vấn đề đặt ra là duy trì và nâng cao thứ hạng sẽ giúp các tổ chức này có những động lực phát triển tốt, đồng thời thuận lợi trong truyền thông, khẳng định vị thế và uy tín của mình. Thông qua các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu sẽ nhận ra các điểm yếu trong hoạt động, từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)